Chủ tịch HĐQT AVG Phạm Nhật Vũ: “Mua bản quyền V-League không chỉ vì mục tiêu kinh tế”

Thứ Hai, 17/1/2011, 11:30 (GMT+7)

(TT&VH) - Sau khi AVG xuất hiện cùng bản hợp đồng bản quyền truyền hình V-League có thời hạn 20 năm với VFF và hàng loạt hoạt động nổi đình nổi đám khác, đã có rất nhiều sự ngạc nhiên và tò mò của dư luận dành cho cái tên AVG nhưng hầu như chưa ai nhận được lời giải đáp hoàn toàn thỏa mãn. Cuộc phỏng vấn dưới đây của TT&VH với ông Phạm Nhật Vũ, người đứng đầu Cty CP Nghe nhìn Toàn cầu-AVG, có thể giúp độc giả phần nào hé mở những thắc mắc này.

Nguồn cơn của lương duyên 20 năm

* Thưa ông, xin ông cho biết ý nghĩ đầu tiên của mình khi quyết định ký hợp đồng bản quyền truyền hình có thời hạn 20 năm với VFF là gì? Tại sao là 20 năm chứ không phải bất cứ một con số nào khác?

- Theo tôi, thời gian thông thường với một dự án để mà có thể hoàn vốn và bắt đầu sinh lời sẽ mất khoảng từ 7 đến 10 năm, nhưng đấy là những dự án kinh tế thông thường. Còn đối với các dự án, đề án mà có tính xã hội thì thời gian phải lâu hơn. Trong trường hợp này, con số 20 năm là thời gian được tính toán tới đủ độ an toàn để có thể đảm bảo là đạt được các mục tiêu đã đề ra.

* Theo quan điểm của ông, bản hợp đồng bản quyền có thời hạn 20 năm này có những ý nghĩa tích cực như thế nào với bóng đá VN?

Theo ông Phạm Nhật Vũ, AVG sẽ tiếp tục thực hiện việc chia sẻ

bản quyền truyền hình V-League cho những năm tiếp theo

- Theo tôi, một hợp đồng mà có một đầu mối và thời hạn dài thì sẽ có những điểm tích cực như sau: Thứ nhất, quy hoạch tổng thể đi kèm với chiến lược xây dựng hình ảnh bóng đá sẽ có tầm nhìn xa để không bị ảnh hưởng vì những yếu tố chắp vá. Thứ hai, việc xây dựng được hình ảnh của bóng đá tốt hơn, với chất lượng cao hơn thì nó sẽ giúp cho chất lượng của thi đấu cũng sẽ được nâng cao theo, bởi vì tác động về truyền thông đến với các đối tượng, từ HLV, VĐV và người hâm mộ, đều có thể gây ra những hiệu ứng. Và nếu chúng ta có một chiến lược để mà tạo ra động lực để mà kích thích và nâng cao sự quyết tâm cho các HLV, VĐV thì chắc chắn chất lượng thi đấu của họ sẽ tốt hơn.

* Trước khi quyết định ký hợp đồng bản quyền truyền hình 20 năm với VFF, AVG có lường trước được phản ứng của dư luận?

- AVG có lường trước được về những khúc mắc của người hâm mộ nhưng cũng chỉ là phần nào đó. Chủ yếu AVG nghĩ tới những lo lắng của người hâm mộ, đặc biệt với lớp người chưa có mức thu nhập cao, nhưng AVG không lo ngại về việc này, bởi mục tiêu của AVG rất trong sáng. Đến nay AVG vẫn đang bám sát những mục tiêu đó và thực hiện đúng những gì AVG đã đề ra. Đó là đảm bảo sự hài hòa giữa các lợi ích, trong đó sự phát triển thể thao nói chung, bóng đá nói riêng là một trong những mục tiêu mà AVG hướng tới. Đi cùng với điều này AVG mong muốn sẽ mang lại cho người xem những sản phẩm truyền thông có chất lượng cao cả về âm thanh, hình ảnh…

* AVG đã nói mua bản quyền V-League về không phải chỉ để đó, vậy AVG kỳ vọng sẽ thu được những gì từ V-League, nếu chỉ xét dưới góc độ kinh doanh thuần tuý?

- Theo tôi, ở bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, nếu chỉ nhìn dưới góc độ kinh tế mà không gắn lợi ích kinh tế với lợi ích xã hội và các lợi ích khác thì chưa thể coi là việc kinh doanh có sự phát triển bền vững.

* Một ngày nào đó, sau 10 năm hoặc 15 năm, nếu vì lý do nào đấy, AVG không còn hứng thú với thể thao, với bóng đá thì chuyện gì sẽ xảy ra?

- Tôi chưa nghĩ tới chuyện này, và chắc là những người cùng tham gia trong ban lãnh đạo AVG cũng chưa nghĩ tới điều này.

* AVG đã thành công với rất nhiều thương vụ như Vincom, Vinpearl… nhưng bóng đá và thể thao là một lĩnh vực hoàn toàn khác, vậy cơ sở nào khiến AVG quyết định dấn thân?

- Về mặt pháp lý, AVG (Audio Visual Global, tên tiếng Việt thể hiện trong đăng ký kinh doanh là Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu) không có sự liên quan nào (là cổ đông, là đơn vị thành viên góp vốn…) với Vincom và Vinpearl.

AVG sẽ tiếp tục chia sẻ bản quyền

* Có phải vì năm nay AVG chưa tự sản xuất được nên các đài truyền hình không khó khăn lắm để mua được bản quyền V-League? Các năm sau thì việc thương lượng mua bản quyền có gì thay đổi?

- AVG đã đủ điều kiện kỹ thuật, đủ điều kiện về nguồn nhân lực để có thể sản xuất các chương trình truyền hình. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện, chia sẻ với các đài truyền hình bản quyền V-League là vì người hâm mộ. AVG thực hiện việc chia sẻ này trong năm nay và vẫn sẽ tiếp tục thực hiện việc đó đối với các năm tiếp theo. Quyền lợi, nghĩa vụ của các bên (AVG và các đài truyền hình, các đơn vị truyền dẫn phát sóng) sẽ do thỏa thuận của cả 2 bên.

* Tại sao AVG không chờ tới lúc chính thức có giấy phép phát sóng rồi mua bản quyền theo từng năm một từ VFF như các đài truyền hình khác đã làm ở những năm trước?

- Giấy phép phát sóng phải được hiểu một cách chính xác từ khía cạnh pháp lý là quyền thiết lập mạng hạ tầng truyền dẫn phát sóng, và việc thiết lập mạng hạ tầng truyền dẫn phát sóng này thì AVG đã được sự chấp thuận của Thường trực Chính phủ cùng các Bộ, ban ngành khác từ tháng 4/2009.

* Trong trường hợp các đài truyền hình mua bản quyền V-League từ AVG có khúc mắc với nhau quanh chuyện chọn trận đấu, chọn đơn vị sản xuất hay kể cả về giá mua bản quyền thì AVG sẽ làm gì?

- Việc các đài truyền hình hay các đơn vị có nhu cầu nhận chuyển nhượng bản quyền của V-League nhưng có các khúc mắc với nhau về bản chất không phải do AVG gây ra, bởi nếu không phải là bản quyền đang do AVG sở hữu mà do bất kỳ đơn vị nào khác sở hữu, kể cả đang thuộc quyền sở hữu của VFF thì vẫn có thể có những khúc mắc như vậy xảy ra. Thường thường việc này diễn ra khi các bên không thống nhất được ngày phát sóng, số trận phát sóng với mỗi vòng đấu.

* Sau khi mua được bản quyền V-League, AVG liệu có kế hoạch nâng tầm giải đấu này trong tương lai gần? Và nếu có thì sẽ bắt đầu từ đâu?

- Việc nâng tầm giải đấu đòi hỏi phải có sự tham gia góp sức của rất nhiều các thành phần và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của các Bộ ngành chức năng. AVG mong muốn và được cùng chung tay góp sức trong việc xây dựng nâng cao hình ảnh bóng đá VN thì cũng đã là một việc làm đáng kể.

* Là người sở hữu bản quyền truyền hình V-League, AVG có kế hoạch sẽ làm những gì để V-League tránh khỏi những điều tiếng như đã từng có ở mùa giải trước (bạo lực, trọng tài…), hay toàn bộ vẫn được phó mặc cho VFF?

- Việc sở hữu bản quyền truyền hình V-League không cho phép AVG có những can thiệp vào nội bộ VFF. Tuy nhiên, là một đơn vị có hợp tác lâu dài với VFF, AVG sẽ nỗ lực hết mình để có một hình ảnh của VFF tốt hơn. Điều này có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đối với hình ảnh bóng đá VN.

Chiến thuật, chiến lược riêng của AVG

* Mua bản quyền truyền hình với thời gian dài kỷ lục, thu hút nhân sự xuất sắc từ các cơ quan truyền hình trong nước, ông có nghĩ phải chăng vì “sinh sau đẻ muộn” nên AVG phải “đi tắt đón đầu”?

- AVG không phải là một tập đoàn truyền thông, không phải là một đài truyền hình, mà AVG là đơn vị truyền dẫn phát sóng, cung cấp dịch vụ. Do đặc thù không phải là một cơ quan báo chí mà là một đơn vị truyền dẫn phát sóng, cung cấp dịch vụ cho nên AVG phải có những chiến lược, chiến thuật riêng của mình để đảm bảo người sử dụng dịch vụ sẽ được sử dụng những sản phẩm tốt với mức giá hợp lý. Tất nhiên, mong muốn của AVG sẽ là mức giá rẻ nhất có thể, đồng thời gia tăng chất lượng cung cấp dịch vụ, giúp cho người xem có được sự phong phú hơn về chương trình, hấp dẫn hơn về các nội dung. Như vậy, AVG sẽ có nhiều thuê bao hơn. 

Ông Phạm Nhật Vũ trong buổi cấp lệnh phát sóng thử nghiệm

kỹ thuật của AVG ngày 10/10/2010

* Cuối năm nay, khi AVG chính thức phát sóng, người dân cần phải bỏ ra bao nhiêu tiền để có thể xem được đầy đủ các chương trình của AVG?

- AVG trước mắt chỉ tính đến việc sản xuất đối với 2 kênh chương trình là thể thao và văn hóa. Bên cạnh đó, AVG có những liên kết với các đơn vị khác, ví dụ với kênh truyền hình CAND để truyền dẫn phát sóng và sản xuất các kênh chương trình xã hội hóa. Còn AVG không thực hiện việc sản xuất các chương trình thời sự, chính trị… Đối với các phần kênh chương trình khác trong nước, AVG sẽ tiếp sóng để chuyển tới người xem mà không thu phí đối với các kênh truyền hình tuyên truyền quảng bá. Đối với các kênh chương trình nước ngoài được sự cho phép của Bộ Thông tin Truyền thông, AVG sẽ thực hiện việc mua bản quyền và chuyển tới người xem theo hướng tính cước phí thuê bao ở mức hợp lý nhất và có tính trong đó các chi phí mà AVG đã phải bỏ ra để thực hiện việc truyền dẫn phát sóng, duy trì bộ máy vận hành cũng như chi phí đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung.

* Đã giúp sức cho bóng đá và người hâm mộ VN với bản hợp đồng 20 năm của V-League, trong tương lai AVG có ý tưởng tiếp tục giúp đỡ người hâm mộ VN bằng việc mua về bản quyền các giải lớn ở châu Âu và thế giới như Premier League, Serie A, Euro, World Cup… để ai ở VN cũng có thể xem bóng đá?

- Về vấn đề bản quyền các chương trình thể thao nước ngoài, AVG đã có những tính toán, nhưng AVG không thể mang các chương trình nội dung, dù là chương trình thể thao hay bất kỳ chương trình nào đến với người xem, mà khi đó người xem lại phải trả với mức giá quá cao. Điều này sẽ dễ làm giảm đi số lượng các thuê bao là khách hàng, chứ khó làm tăng hơn số lượng thuê bao. Tất nhiên, đây là nhận định chủ quan của tôi mà thôi.

* Trên thế giới đã có nhiều hãng truyền thông lớn sở hữu một đội bóng danh tiếng, chẳng hạn như Fininvest của Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi và AC Milan. Liệu AVG có kế hoạch sở hữu một đội bóng của riêng mình trong tương lai gần?

- AVG chưa có một kế hoạch chi tiết nào liên quan tới việc sở hữu một đội bóng. Tuy nhiên, về mặt chiến lược, AVG sẽ xem xét tới việc liên kết bằng một hình thức nào đó với một (hoặc hơn thế) đơn vị đang là chủ của CLB bóng đá.

* AVG luôn nói rằng mục tiêu của AVG khi thực hiện bản hợp đồng này (cũng như bản hợp đồng với LĐ điền kinh VN và nhiều LĐ thể thao nữa) không phải vì lợi nhuận mà vì cộng đồng, vì khán giả. Theo ông, có phải AVG đã đủ giàu nên không hứng thú với chuyện làm giàu mà giờ chỉ muốn cống hiến cho xã hội?

- Thứ nhất, việc thực hiện những hành động cụ thể để đóng góp cho cộng đồng thì không cần phải đến lúc giàu mới thực hiện mà chúng ta có thể thực hiện ở bất kỳ lúc nào. Thứ hai, tôi khẳng định một lần nữa rằng việc thực hiện hợp đồng này không phải chỉ vì mục tiêu kinh tế.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Hoàng Anh (Thực hiện)

Mọi ý kiến đóng góp, phản hồi của quý độc giả xin gửi về địa chỉ: thethaotn@thethaovanhoa.vn

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến