Chất lượng V-League phụ thuộc vào chất lượng VFF

Thứ Sáu, 11/5/2018, 11:13 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Những kết quả tích cực, mặt hạn chế, công tác trọng tài… qua gần 1/3 chặng đường của V-League 2018. Đó là nội dung chính trong cuộc trao đổi cuối tuần cùng Thể thao &Văn hóa với các vị khách mời gồm nhà báo Nguyễn Lưu cùng 2 chuyên gia Đặng Gia Mẫn, Vũ Mạnh Hải.

Không thể sống mãi với cảm hứng U23

* Thể thao &Văn hóa: V-League 2018 đi qua gần 1/3 chặng đường với 7 vòng đấu đã diễn ra. Đâu là những điểm nhấn đọng lại, cả mặt được và chưa được, thưa các vị khách quý?

- Nhà báo Nguyễn Lưu: Chúng ta phải cùng nhau thừa nhận một thực tế rằng đã lâu lắm rồi, sân cỏ nước nhà mới bước vào một năm mới, một mùa giải mới với không khí đầy chộn rộn cùng nhiều niềm vui như mùa bóng 2018. Người hâm mộ chờ đợi và kỳ vọng chiến tích tại giải đấu khu vực của đội U23 sẽ cộng hưởng, lan tỏa, tạo tiền đề tốt cho sân chơi V-League. Quả thật với những gì diễn ra, những kỳ vọng đó ít nhiều cũng đã được đáp ứng.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Những đội bóng đã được đầu tư tốt hơn, tâm thế vào giải hứng khởi hơn. Người hâm mộ cũng đã đến sân để cổ vũ cho cầu thủ đông hơn. Công tác tổ chức dù chưa hẳn hoàn hảo, nhưng đã ngày càng chuyên nghiệp. Tất cả yếu tố đó, đã tạo ra bức tranh tươi mới hơn cho giải đấu quốc nội. Trong mỗi chúng ta ai cũng có thể nhận ra những nét mới đầy tích cực đó. Những ai đang hoạt động trong lĩnh vực bóng đá Việt cần trân trọng và phát huy điều đó.

Tôi chỉ băn khoăn một điều, về chất lượng chuyên môn của giải đấu, đó là chưa thật sự sướng, các trận đấu chưa hội đủ yếu tố hay, đẹp, hấp dẫn như mong đợi. Những cầu thủ trẻ thuộc quân số đội U23, khi trở về CLB của mình vẫn chưa thể phát huy hết khả năng, tố chất. Phong độ của họ còn phập phù, thậm chí vài người còn phải ngồi dự bị.

Đương nhiên áp lực cho họ là quá lớn, họ còn trẻ nên để cân bằng trạng thái cũng khó thực hiện được tức thì. Có ít cầu thủ làm nên kỳ tích tại đất Thường Châu (Trung Quốc) thể hiện được đúng phẩm chất vốn có của mình. Nổi lên chỉ có Xuân Trường, Phạm Văn Đức hay Hà Đức Chinh. Đáng tiếc nhất là trường hợp của Quang Hải, khi anh ấy chỉ mới bắt đầu trở lại chính mình gần đây.

Để lại ấn tượng nhất vào lúc này, vẫn là cái tên quen thuộc Hà Nội FC. Đây là đội bóng có bản sắc trong lối chơi, cầu thủ lứa trước như Văn Quyết, hay lớp trẻ như Duy Mạnh đang vào độ chín mùi, đẳng cấp rõ ràng vượt trội trong mặt bằng chung.

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải: Những cái được, mặt tốt và tích cực, khán giả cũng đã tận mắt chứng kiến qua 7 vòng đấu vừa rồi. Tôi chỉ hơi tiếc, khi chất lượng chuyên môn của V-League 2018 cho đến lúc này là chưa cao như chúng ta hằng mong mỏi. Đúng là các trận đấu có tính chất quyết liệt, sôi nổi tạo ra không khí tốt để khán giả đến sân, nhưng để người xem chứng kiến những cuộc so kè đó cao về chuyên môn, về lối chơi, về chiến thuật hay về về đẳng cấp của cầu thủ thì chưa đạt được.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Hiệu ứng từ U23 mang lại là có thật, đó là yếu tố kéo người xem quan tâm, nhưng về lâu dài thì khó mà giữ chân khán giả. Muốn giải đấu tạo ra ấn tượng, cuốn hút, dứt khoát các đội bóng phải chơi tốt lên, phải có những trận đấu hấp dẫn đúng nghĩa, khi cầu thủ thể hiện được năng lực. Có được những điều đó, mới mong nâng tâm giải đấu, lôi kéo và giữ chân người hâm mộ.

Bóng đá nào trọng tài nấy

* Thể thao &Văn hóa: Vậy là chúng ta đã hình dung được bức tranh toàn cảnh V-League qua chặng khởi đầu, về chất lượng chuyên môn, về khán giả, nhưng có một vấn đề rất cũ, đó là công tác trọng tài (TT) đã bắt đầu có dấu hiệu tái phát trở lại với những "căn bệnh cũ”. Vậy đội ngũ TT chúng ta hiện nay yếu về khâu nào: Năng lực chuyên môn, công tác điều hành hay môi trường hoạt động và đâu là giải pháp để TT tốt lên?

- Nhà báo Nguyễn Lưu: Tôi cho rằng chúng ta không thiếu TT giỏi, cả bây giờ lẫn trước đây. Nhưng tại sao những lùm xùm về vấn đề này cứ lâu lâu lại tiếp diễn, sau thời gian tạm yên ắng, đến hôm nay bùng phát, nổi cộm trở lại. Đáng quan tâm nhất chính là cung cách điều hành TT của chúng ta lâu nay có vấn đề, lỗi mắc phải nằm ở cả hệ thống. Ai quản lý, ai tập huấn, ai phân công, ai giám sát… mọi thứ chồng chéo lên nhau, khi có chuyện xảy ra không rõ ràng trách nhiệm, một mất mười ngờ. Vậy nên nếu muốn công tác TT đi vào quy cũ, hoạt động tốt, rõ ràng câu chuyện quản lý, phân cấp phải thật sự chuyên nghiệp, công khai và có người chịu trách nhiệm hẳn hoi.

- Chuyên gia Đặng Gia Mẫn: Năng lực chuyên môn, công tác quản lý điều hành và môi trường hoạt động bóng đá ở ta hiện nay, cả 3 yếu tố đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc TT luôn xảy ra chuyện rắc rối, ảnh hưởng đến V-League. Đúng là chúng ta có những TT bắt rất tốt, nhưng không hiểu vì lý do gì, ít được trọng dụng. Cũng có TT lúc này thể hiện được năng lực của mình, nhưng khi có áp lực, hoặc dao động tâm lý, thì họ bộc lộ điểm yếu và sai sót ngay.

Chú thích ảnh
Chuyên gia Đặng Gia Mẫn

Thêm vào đó, khi những trận đấu diễn ra bạo lực, cầu thủ đá xấu, đá láo, có TT làm nhiệm vụ chưa dứt khoát, chưa triệt để. Đồng thời những biện pháp kỷ luật chưa đến nơi đến chốn đã làm lờn thuốc, nhìn nhau nghi kỵ.

Chúng ta vẫn hay nghe câu nói: “bóng đá nào, trọng tài đấy”. Chính nguyên nhân đó, cung cách đó đã tạo ra môi trường chưa thật sự trong sạch, các TT chưa đủ sức đề kháng, để miễn nhiễm với cái xấu, đã làm thui chột năng lực của họ, dẫn họ đến những quyết định theo kiểu “kỷ sở bất dục”.

Muốn TT trong nước tốt lên, phát huy được phẩm chất của họ, chỉ mong mọi khâu từ tổ chức, quản lý và điều hành không chỉ nghiêm mà còn minh.

Chú thích ảnh
Nhà báo Nguyễn Lưu cho rằng thời điểm này ông Trần Quốc Tuấn làm Chủ tịch VFF
là phương án tốt nhất. Ảnh: V.S.I

Lãnh đạo VFF - chọn người làm được việc mới quan trọng

* Thể thao &Văn hóa: Trước thềm Đại hội VFF nhiệm kỳ VIII, đã có những ý kiến trái chiều về vị trí Chủ tịch của tổ chức này. Xin được các vị khách chúng ta nên chọn ai (người nhà nước hay doanh nhân) trong số các ứng viên cho chức vụ này trong bối cảnh hiện nay. Các cơ quan chủ quản nên có những quan tâm, định hướng gì trong hoạt động của VFF?

- Nhà báo Nguyễn Lưu: Khi chọn ai hay bầu ai vào chức vụ nào đó, đều có những luồng ý kiến, tranh luận trái chiều xung quanh, đó cũng chuyện dễ hiểu. Tôi xin được nói thế này cho nó đa chiều: Nếu ở Pháp, người ta sẽ hỏi vị đó học trường lớp nào ra, ở Mỹ người ta quan tâm người được chọn có làm việc tốt hay không. Còn ở chúng ta lâu nay, sẽ luôn nhận được sự nghi hoặc rằng ông đó là con cháu của ai?

Nói dài dòng như thế để thấy rằng lâu nay chúng ta vẫn bị trói buộc vào những vòng quay đố kỵ lẫn nhau, cùng cơ chế làm việc, mà ở đó những người tham gia bị gò bó, gượng ép, không thể phát huy hết được năng lực của mình. Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng chúng ta không nên đặt nặng vấn đề người ngồi vào ghế Chủ tịch VFF nhiệm kỳ đến là ai, quan trọng họ có làm được gì cho bóng đá nước nhà hay không.

Nếu có được phiếu bầu, tôi sẽ chọn ông Trần Quốc Tuấn (Phó chủ tịch VFF khóa VII) cho vị trí Chủ tịch VFF. Đã có người nêu ý kiến chỉ trích ông Tuấn, nhưng thực tế với năng lực của mình, ông đã âm thầm làm việc, mang lại những kết quả đáng để khích lệ cho bóng đá nước nhà thời gian qua, trên cương vị của mình.

Công tác đào tạo trẻ đang đi đúng hướng với sự ra đời của nhiều trung tâm trên cả nước. Thành công đã có của các các lứa U trong đó có đội U23 quốc gia. Việc kêu gọi kinh phí, tài trợ cho hoạt động của đội tuyển, các giải bóng đá trong nước, bên cạnh đó công tác đối ngoại thu về những kết quả đáng mừng. Tất cả điều đó chính là tiền đề để tạo ra thuận lợi cho sự phát triển của bóng đá Việt suốt thời gian qua.

Thời gian gần đây đã có sự quan tâm của cơ quan chủ quản là Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT và cả Chính phủ. Có thể các cơ quan quản lý không thể can thiệp vào hoạt động của tổ chức xã hôi- nghề nghiệp như VFF, nhưng chính định hướng, sự ủng hộ đó sẽ là chất xúc tác, để VFF phải biết tự thân cố gắng, làm đúng nhiệm vụ, không có sai sót, phát huy nhiệt huyết, chung tay xây dựng nền bóng đá nước nhà trong thời gian đến.

- Chuyên gia Đặng Gia Mẫn: Bóng đá ở bất cứ bối cảnh nào cũng luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ người dân. VFF đương nhiên phải biết làm những điều gì để đáp ứng mong đợi đó. Nhiệm kỳ qua đã có những chuyển biến đầy tích cực, mang lại tín hiệu khởi sắc, đó là điều chúng ta phải ghi nhận.

Chúng ta không nên nặng nề ai ngồi vào vị trí Chủ tịch VFF, quan trọng là hiệu quả công việc, thành công đem lại. Họ phải có những sách lược, những đề án, những nhiệt tâm, những minh bạch trong điều hành, quản lý và hoạt động của mình. Tất cả những yếu tố đó, sẽ góp phần nâng tầm bóng đá Việt, với cái nền cơ bản đã có hiện nay.

Hồng Đào

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến