(Thethaovanhoa.vn) - Pha xuất tướng chân trên chân dưới của thủ thành Bửu Ngọc nhằm vào tiền đạo Duy Long đã lại khiến dư luận dậy sóng, dù cùng thời điểm đó ở Campuchia, U16 Việt Nam đã làm nên một trận chung kết giải Đông Nam Á đáng xem bậc nhất của nền bóng đá trong vài năm đổ lại.
Cái đẹp phải lui lại để nhường “đất diễn” cho cái xấu. Tại sao và như thế nào, cái xấu, mà theo HLV Phan Thanh Hùng giống như điểm đen trên tờ giấy trắng, lại luôn ngự trị, thay vì đáng ra cần tôn vinh giá trị khác?
1. Chỉ những người quá khắt khe và không sẵn sự chia sẻ mới có ý phản biện hoặc không hài lòng với màn thể hiện của ĐT U16 Việt Nam trong trận chung kết gặp Australia. Thầy trò HLV Đinh Thế Nam không chỉ làm nên một trận cầu mãn nhãn với đối thủ đến từ một nền bóng đá phát triển, mà xâu chuỗi lại cả VCK U16 Đông Nam Á 2016, chúng ta đã có một giải đấu thành công ngoài mong đợi làm tiền đề.
Rất nhiều những trận đấu hay, những bàn thắng đẹp, những đường ban bật như thêu hoa dệt gấm được các cầu thủ trẻ Việt Nam vẽ lên suốt 2 tuần qua tại Phnom Penh, Campuchia xứng đáng nhận được những tràng vỗ tay, tán thưởng hay ít nhất là sự chia sẻ. Nhưng dường như, người xem bóng đá Việt Nam lại quá khắt khe.
Và những nỗ lực của đội bóng trẻ Việt Nam bỗng nhiên lọt thỏm trong một rừng thông tin về vụ Bửu Ngọc đạp Duy Long trên sân Cần Thơ. Bửu Ngọc là cựu thủ môn các ĐTQG kể từ năm 2011, trong khi Duy Long được đánh giá là rất tiềm năng và đang nằm trong kế hoạch của HLV Nguyễn Hữu Thắng cho kỳ AFF Cup 2016 tới đây.
Bửu Ngọc khẳng định không cố tình triệt hạ nhưng hành vi phạm lỗi đã quá rõ.Ảnh: Dương Thu
“Con hư tại mẹ”, cầu thủ không tự nhiên sở hữu những ngón đòn triệt hạ nếu thầy chúng không dạy và không khuyến khích. HLV Trần Minh Chiến từng chia sẻ với Thể thao & Văn hoá rằng, bóng đá Việt Nam trước đây “man rợ” hơn nhiều, khi luật lệ cũng như các biện pháp chế tài còn lỏng lẻo. Đủ thứ chiêu trò, đòn ngón được dở trong các trận đấu và thậm chí, nó còn là thước đo “đẳng cấp”, gọi là “có nghề”.
Cũng tựa như vụ Quế Hải – Anh Khoa, Thanh Hùng – Tạ Thái Học…, Bửu Ngọc sẽ phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình, dù anh có nói là không cố tình triệt hạ. Chẳng may Duy Long bị chấn thương nặng vì pha vào bóng của Bửu Ngọc mà phải chia tay sự nghiệp thì đấy không được xem là tai nạn nghề nghiệp.
2. Cách đây 3 -4 năm, lứa cầu thủ U19 của Học viện HAGL Arsenal JMG mới ra ràng và trình diễn một lối chơi đẹp mắt, nhận được rất nhiều sự tán thưởng của khán giả. Bầu Đức thậm chí đã ra lệnh cấm cửa với bất cứ cầu thủ nào vào sân cùng tư tưởng triệt hạ hoặc cự cãi trọng tài. Nhưng, khi đội bóng đá đâu thua đó, có ý cho rằng nếu cứ đá “mộc” như thế, họ sẽ khó phát triển trong môi trường bóng đá Việt Nam.
Bửu Ngọc vào bóng nguy hiểm với Duy Long là điều đáng lên án. Các đồng nghiệp, HLV đến các CĐV đều thừa nhận đó là một tình huống thô bạo, xứng đáng bị thẻ đỏ.Và ý kiến đáng chú ý đến từ trung vệ Quế Ngọc Hải.
Hôm trước, khi ĐT U16 Việt Nam thua ngược Australia, nhiều người bảo HLV Đinh Thế Nam và các cầu thủ thiếu sự khôn ngoan, tỉnh táo, nên mới dẫn đến bi kịch. Bóng đá trẻ Việt Nam từ U16 đến U19 vẫn đẹp như các thiên thần, nhưng cứ lớn hơn một chút, với đấu trường cao hơn một chút, ngay lập tức họ biến thành “quỷ dữ”. Không phải tự cầu thủ có phép thần thông biến hoá, mà chung quy cũng là do môi trường mà ra.
Thiên thần và quỷ dữ, cái thiện và cái ác, luôn tồn tại song song trong một con người. Chỉ là ở một thời điểm nào đó, cái nào trội hơn mà thôi, nên kể cũng khó có thể nhìn hiện tượng mà nói bản chất. Nhưng với bóng đá Việt Nam, người ta đã quá quen với sự xấu xí rồi. Có thêm trường hợp Bửu Ngọc không nhiều hơn, mà không có cũng chẳng ít đi. Sự xấu xí gần như là một phần khó có thể cắt bỏ của bóng đá Việt Nam, của V-League.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa