(Thethaovanhoa.vn) - Bầu Đệ (tức ông Nguyễn Văn Đệ) của CLB Thanh Hóa đệ, rồi hủy đơn xin rút khỏi V-League 2020, tạo ra cơn bão truyền thông suốt hơn 24 giờ qua. Chuyện quá hài, nhưng đọc kỹ, thấy các lý do ông bầu này đưa ra tưởng rất chính đáng, thì chúng lại mâu thuẫn với nhau. Các vấn đề liên quan đến chống và dập dịch Covid-19 được đề cập, cùng với đó là vấn đề kinh tài khó khăn, chỉ có điều nếu được hỗ trợ kinh phí, thì xứ Thanh sẽ xem xét chơi tiếp!?
Trong khi cả nước đang chung tay với Đà Nẵng, chung tay với Chính phủ để phòng chống dịch, và chờ ngày bóng đá trở lại, thì chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ đã nộp đơn xin rút khỏi V-League 2020, với lý do không đủ kinh phí duy trì đội.
Lý do gì đi chăng nữa, thì việc tuyên bố bỏ giải đã là mất hay rồi. Nhà tổ chức (VPF) và cao hơn là VFF đau đầu chứ chẳng chơi, bởi không ai khác, chính 2 tổ chức này đã đặc cách cho Thanh Hóa cùng Nam Định, Hải Phòng và SLNA chơi V-League 2020.
Mạnh vì gạo, bạo vì tiền
Nhắc lại, năm 2006, tức là 5 năm sau khi kết hợp địa phương Gia Lai với sự ra đời của HAGL, bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn HAGL) đã “mượn tạm” Sở TDTT Gia Lai (cũ) lứa U21 đi đánh giải quốc gia ở Đà Nẵng và suýt vô địch (thua U21 Tiền Giang trong trận chung kết). Những Thái Dương, Hoàng Thiên, Vũ Anh Tuấn, Tăng Tuấn…, hết thảy được đôn lên đội 1 HAGL sau đó, đáng ra phải là điều đáng mừng, thì lãnh đạo sở địa phương khi ấy lại có chút chạnh lòng, bởi ba Đức chẳng có một nhời nào với ông cả.
Phải, để đào tạo cả một lứa cầu thủ trẻ đến khi ra ràng, tốn kém lắm chứ chẳng đùa. Cứ viện vào bầu Đức, hơn 7 năm kể từ 2007 mở Học viện đào tạo liên kết HAGL Arsenal JMG, mất hàng triệu USD và bao công sức, HAGL mới có được lứa của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn… thì biết. Năm 2015, khi lứa của Phượng ra ràng ở tuổi 19 – 20, bầu Đức quyết định thanh lý môn hộ hàng loạt số cầu thủ U21 năm nào, cùng một tuyên bố rất sốc nhằm vào Tăng Tuấn và đồng đội: “Cầu thủ càng lớn càng mất dạy”.
20 năm V-League, những đội bóng mạnh nhất lúc này đều là của tư nhân, ví như nhóm “gia đình” của CLB Hà Nội, CLB TP.HCM, Sài Gòn FC và HAGL. Các CLB còn nặng tính Nhà nước, ít nhất về mặt quản lý kiểu Nam Định hay SLNA, thì thoi thóp. Bình Định và Đồng Tháp thì đã xuôi về hạng dưới, chưa hẹn ngày về. Riêng với trường hợp của Thanh Hóa, đội bóng phản ánh đúng bản chất chuyên nghiệp nửa vời của bóng đá Việt Nam, thì vừa tuyên bố bỏ giải nếu không được hỗ trợ. Nhưng cuộc chơi, đâu thể nói bỏ là bỏ ngay được.
Nếu Thanh Hóa của riêng bầu Đệ, thì ông muốn làm gì thì làm, nhưng đội bóng này vẫn thuộc quản lý của Sở VH-TT&DL Thanh Hóa và cao hơn là UBND tỉnh Thanh Hóa. Một câu slogan rất ấn tượng được treo ở SVĐ Thanh Hóa từ bao năm qua: “Tài sản lớn nhất của CLB Thanh Hóa chính là người hâm mộ”. Vậy khi tuyên bố bỏ giải, người đang cầm đội bóng xứ Thanh có dùng đến hay nghĩ đến “tài sản lớn nhất” chưa, đã thông qua các cấp quản lý chưa? Nếu cứ theo báo giới và diễn tiến vụ việc, thì ai cũng rõ câu trả lời.
Cách đây chừng 8 năm, bầu Đệ cũng từng tuyên bố sẽ cho “nổ bom” ở buổi họp tổng kết giải. Nhưng, tiếng nói của đại diện đội bóng xứ Thanh hôm đó không gây được sự chú ý. Nhiều năm sau, ông Nguyễn Trọng Hoài (cựu GĐĐH CLB Thanh Hóa thời FLC) cũng có sở thích… phát biểu, thì được mời ra VPF và hiện đang điều hành LS V-League 1 luôn! Cùng thời với ông Nguyễn Trọng Hoài là Trần Mạnh Hùng của CLB Hải Phòng, với con đường tương tự là mời ngồi ghế cao ở VPF cho đỡ… lôi thôi. Hay là VPF lại mời tiếp bầu Đệ? Chỉ lo những người xứ Thanh làm bóng đá vốn... không hay thân thiết!
Là nói vui thế thôi, nhưng biết đâu… Lý do là gì thì hẳn chúng ta đã hiểu lờ mờ rồi, bởi chẳng phải vô lý khi mà các CLB, ở đây là Thanh Hóa, đề cập đến gói hỗ trợ hơn 1 triệu USD từ FIFA cho VFF, tại sao lúc này không dành một phần hỗ trợ các CLB lúc này? Có lý! Bóng đá phải minh bạch mới fair!
Thành bại tại… ông bầu
Không tính số lượng các đội bóng ngành Công an hay Quân đội buộc phải giải thể vì cơ chế, hoặc sang tên đổi chủ, chỉ tính từ năm 2010 đến 2014, đã có thêm độ chục CLB vĩnh viễn mất tích trên bản đồ các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Mở đầu là Thể Công Viettel, Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội ACB (CLB Hà Nội của bầu Kiên), K.Khánh Hòa, V.Ninh Bình, K.Kiên Giang, HV An Giang, Navibank Sài Gòn, XMXT Sài Gòn… Lý do thì nhiều, nhưng tựu chung lại, khi nhà đầu tư (hay ông bầu)... rút ống thở, bóng đá không có lối ra.
Người trong cuộc vẫn kháo nhau rằng, nếu bầu Hiển mà bỏ bóng đá lúc này, không biết V-League còn được mấy mống! Nhưng bầu Hiển thuộc mẫu ông chủ kiêm CĐV, với câu nói nằm lòng: “Yêu nhau không cần ai làm chứng”. Bất cứ lúc nào và ở đâu, ông Hiển cũng có thể rút cả sấp tiền mặt ra thưởng cầu thủ, nếu ông thích. Nhưng, cứ thử đặt trường hợp trong một ngày xấu trời nào đó, bầu Hiển rút lui thật thì sao? Các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam lại chẳng trở lại thời kỳ như trước năm 2000!
bóng đá được tư hữu và vai trò của người hâm mộ, CĐV và kể cả là địa phương rất ít khi được xem trọng, bầu thích thì bầu chơi, buồn thì bầu bỏ. Cái cách buông bỏ ấy đôi khi rất phũ, kiểu như bầu Thụy ở XMXT Sài Gòn hay bầu Trường của V.Ninh Bình vậy. Sau một đêm, hàng trăm con người bị cho ra đường, bơ vơ, thất thểu. Bóng đá chuyên nghiệp mà như trò đỏ đen.
Nói thêm về tuyên bố buông bỏ (bằng công văn hẳn hoi chứ không chỉ nói mồm) của bầu Đệ ở xứ Thanh. Giới thạo tin cho rằng, đây là một chiêu khác của người đàn ông lắm chiêu này khi ngân khố của đội bóng khó khăn, bởi dịch Covid-19 và giải đấu chưa biết khi nào khởi tranh trở lại. Ông Đệ đúng là đã gãi trúng chỗ ngứa cho một số CLB khác cũng có ý muốn kết thúc giải đấu sớm như SLNA, Quảng Nam hay DNH Nam Định.
Ba trong số 4 cái tên vừa nhắc, cùng với Hải Phòng, chính là chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn của AFC để tham gia V-League 2020, nhưng được VFF và VPF đặc cách tham dự. Lại chả đâu như Việt Nam, khi một đội bóng chuyên nghiệp như Hải Phòng mà không có bất cứ một tuyến trẻ nào. Nói như cựu danh thủ đất Cảng và CLB Công an TP.HCM, cựu tuyển thủ Việt Nam – Chu Văn Mùi, làm bóng đá như thế thì làm gì có tương lai! Thật buồn cho một địa phương từng là lá cờ đầu và thậm chí có gia đoạn là kinh đô của bóng đá cả nước.
Chế tài của những nhà quản lý, tổ chức với các đội bóng phải nói thẳng là rất lỏng lẻo. Và đây chính là cái giá phải trả, với tâm lý cố vun vén cho đủ. Cuộc chơi nào cũng có luật, có điều lệ, có quy chuẩn và quy ước chung. Nay mới là vụ Thanh Hóa đã tạm yên, nếu mai cả làng kêu đói, nhà tổ chức sẽ phải làm sao! Xóa đi làm lại từ đầu, dám không?
Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức, Gạch Đồng Tâm với bầu Võ Quốc Thắng…, được xem là những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên bắt tay với bóng đá chuyên nghiệp, ở kỷ nguyên lên chuyên. Xã hội hóa hay tư nhân hóa là con đường bắt buộc, khi bầu sữa từ Ngân sách Nhà nước không thể kham nổi. Bằng chứng là hàng loạt các cái tên như Công an TP.HCM, Hải Quan, Cảng Sài Gòn, Công an Hà Nội, Thể Công…, hoặc phải xóa sổ, hoặc sang tên đổi chủ. Công an TP.HCM chuyển cho Ngân hàng Đông Á, trước khi bán suất cho Đồng Tâm…
Nhưng ngay lúc này, tư nhân cũng vẻ như cũng đuối rồi, bởi không chỉ việc kinh doanh ngày càng khó khăn, mà bóng đá sau rất nhiều năm lên chuyên vẫn chưa thể tròn được chữ Chuyên theo đúng nghĩa - Tự nuôi được chính mình bằng bóng đá. Bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam vốn vẫn bị ví như tằm ăn rỗi nghĩa là vậy.
|
Tùy Phong