(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện nổi bật nhất, nhưng cũng đáng quên nhất trong tuần, chính là quả pháo sáng bắn thẳng từ khán đài B sang khán đài A, khiến một nữ CĐV bị bỏng nặng, và phải mổ tới hai lần, vì hóa chất ăn vào đến tận xương.
“Phải có một án điểm, xử lý thật mạnh tay và triệt để về sự việc xảy ra ở SVĐ Hàng Đẫy vào tối ngày 11/9 vừa rồi. Nếu chúng ta cứ phạt cho qua chuyện thì sẽ lờn thuốc, dẫn đến hệ lụy rất lớn về sau này”. Chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải đã nêu lên quan điểm của mình về vấn nạn pháo sáng đang tồn tại trong đời sống bóng đá nước nhà.
1. Đây không phải lần đầu tiên, sân Hàng Đẫy nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung vướng vào những rắc rối từ pháo sáng. Theo thống kê, đã có 7 vụ đốt pháo sáng xảy ra ở sân Hàng Đẫy kể từ năm 2016, nhưng chỉ có 5 lần ban tổ chức sân bị phạt (!?), và không lần nào bị treo sân cả mà đều chỉ dừng lại ở mức phạt tiền, với số tiền phạt lớn nhất là 70 triệu đồng (kịch khung) ở trận Hà Nội – Hải Phòng tại vòng 6 V League. Ở cấp ĐTQG, các CĐV quá khích cũng đốt pháo sáng trong trận thắng U23 Indonesia 1-0 tại vòng loại U23 châu Á, khiến VFF phải mất gần 1 tỷ đồng tiền phạt. Đó là lần thứ tư, VFF để xảy ra những sự cố về pháo sáng.
Nhưng khác với những lần trước, vụ đốt pháo sáng lần này để lại hậu quả nghiêm trọng. Hình ảnh chị Tô Huyền Anh với đôi chân bê bết máu vì vết thương ăn vào đến tận xương, còn những CĐV xung quanh – trong đó có cả trẻ em – hốt hoảng, khiến cho rất nhiều người có cảm giác rùng mình. Trong khi đó, những án phạt hoàn toàn không có tính răn đe, khiến cho chính các CĐV cũng cảm thấy ngại ngần trong việc ra sân để cổ vũ cho đội bóng mà mình yêu quý.
Hình ảnh rất xấu ở sân Hàng Đẫy sau đó đã được báo chí châu Á chỉ trích nặng nề. Liệu AFC sẽ nghĩ gì?
2. Theo thống kê, lượng khán giả trung bình đến sân tại V League đã tăng dần 3 năm qua, từ 5592 người/trận (2017) lên 6297 người/trận (2018) và 7540 người/trận (2019). Mùa giải này, sân Thiên Trường thực sự vô đối về số khán giả trên sân nhà với 15.000 người/trận, bỏ xa sân đấu thứ hai là… Hàng Đẫy (9545 người/trận). Nhưng sự cuồng nhiệt của CĐV thành Nam là rất đáng nể, song những hành động côn đồ, ngông cuồng như vừa rồi thực sự đã khiến hình ảnh của họ xấu xí đi rất nhiều, dù có những lời biện bạch rằng đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Trong quá khứ, V League từng chứng kiến cảnh đìu hiu chợ chiều trên các sân vận động. Nhưng trong vòng gần hai năm qua, kể từ khi U23 Việt Nam trở về từ Thường Châu, Trung Quốc, với tấm huy chương bạc lịch sử, tình yêu bóng đá của các CĐV đã trỗi dậy. Họ đã thích tới sân hơn vì muốn được chứng kiến thứ bóng đá sạch, được chứng kiến những thần tượng của mình trình diễn trên sân đấu. Nhưng bây giờ, những quả pháo sáng, và hậu quả mà nó để lại, đã khiến cho những nỗ lực đưa khán giả trở lại sân đấu trở thành vô nghĩa.
Bóng đá Việt Nam đang trải qua những ngày tươi sáng trên sân cỏ, với một thế hệ tài năng, với một HLV giỏi và tâm lý, và đã vươn mình lên tầm châu lục, chứ không chỉ quẩn quanh ở ao làng Đông Nam Á. Song những hệ lụy từ những quả pháo sáng, từ sự vô ý thức, bất chấp luật pháp của một bộ phận CĐV đã kéo lùi cả tiến trình phát triển.
Để chấm dứt tình trạng ấy, thiết nghĩ, VFF cần phải mạnh tay hơn nữa (treo sân, trừ điểm), thay vì những án phạt không đủ độ răn đe. Để tương lai bóng đá Việt không bị ố bẩn vì bóng tối từ những quả pháo sáng.
Tuấn Cương