(Thethaovanhoa.vn)- Nhiều nghi án tiêu cực ở các giải trẻ đang được dư luận lên tiếng thời gian qua là chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ trên sân cỏ Việt. Những bài học trong quá khứ có lẽ sẽ giúp nhiều cầu thủ trẻ tham khảo về cái giá khi “dính chàm”.
Bóng đá Việt Nam hôm nay: U20 Việt Nam bỏ ngỏ khả năng sang Pháp dự giải quốc tế vì dịch Covid-19
Trong Vlog CCKM số 2 của nhà báo Trần Hải, được thực hiện bởi ê-kip Báo Thể thao & văn hoá sắp được phát sóng trên kênh Youtube của Báo sắp tới, chắc chắn có nhiều thống kê khiến các cầu thủ trẻ, những người đã lỡ tay “dính chàm” phải giật mình khi nhìn về những tấm gương của thế hệ đàn anh.
Chỉ tính từ ngày V-League ra đời năm 2001, từ những câu chuyện của Sông Lam Nghệ An mua chức vô địch V-League năm 2000 - 2001, cơ quan điều tra đã phát hiện không chỉ cầu thủ Cảng Sài Gòn bị mua chuộc mà lãnh đạo đội bóng xứ Nghệ còn chủ trương “bồi dưỡng” cho cả đội Công an TP.HCM.
Đến năm 2005, đến lượt thế hệ tài năng sáng giá của bóng đá nước nhà vướng vòng lao lý như Văn Quyết, Quốc Vượng, Quốc Anh, Hải Lâm, Văn Trương, Phước Vĩnh…
Dù Việt Nam lần đầu vô địch AFF Cup 2008 nhưng không dừng lại ở đó, những năm tiếp theo, bóng ma tiêu cực vẫn lảng vảng chung sống với nền bóng đá. Đến năm 2014, sự thật bị phanh phui khi hàng loạt cầu thủ Đồng Nai và V.Ninh Bình bị xộ khám.
Chuyện bóng đá tiêu cực ở các giải đấu đỉnh cao tồn tại khiến các CĐV không có gì bất ngờ khi hay tin. Đó cũng là lý do hàng loạt đội bóng bị xoá sổ trong giai đoạn từ sau 2008 đến nay và đi kèm là những hệ luỵ về nền bóng đá mất niềm tin đối với người hâm mộ. Các “đàn anh” là tấm gương như thế nên không khó hiểu khi ở các giải đấu trẻ, “đàn em” cũng học tập.
Tính đến trước khi vụ việc ở vòng loại U19 QG 2020 diễn ra tháng 3 năm nay, các giải đấu trẻ từ trước năm 2019 về trước đều bị nghi ngờ.
Đặc biệt năm ngoái, ngoài đội U21 Đồng Tháp khiến dư luận rúng động về bản tường trình tiêu cực được đưa lên truyền thông, năm 2019 cũng chứng kiến những sự việc của U19 Hà Nội gặp U19 Phú Yên đầy bất thường nhưng cuối cùng mọi thứ đã chìm vào quên lãng.
Những sự việc trong quá khứ đến hiện tại là lời cảnh tỉnh cho bóng ma tiêu cực luôn lẩn quất ở bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, lịch sử cũng là lời cảnh tỉnh cho những cầu thủ trẻ “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”. Bắt đầu bằng vụ mua Cúp vô địch năm 2001 của Sông Lam Nghệ An, tới “đại án” Bacolod 2005, đến mua bán độ năm 2014, hàng loạt cái tên danh tiếng của bóng đá nước nhà đều vướng vào vòng lao lý. Trừ những cái tên như Nguyễn Hữu Thắng, Huỳnh Quốc Anh, Phước Vĩnh, Hải Lâm có thể đứng dậy sau vấp ngã, đa số đều có cái kết không mong đợi.
Nhưng cũng sau khi chứng kiến hàng loạt tài năng “ngã ngựa” và chuyện tiêu cực râm ran làng bóng nội, VFF đã không còn nhẹ tay với tiêu cực. Trường hợp điển hình nhất là câu chuyện của Phan Lưu Thế Sơn. Tuyển thủ U19 Việt Nam khiến dư luận dậy sóng năm 2010 với pha đá phản lưới nhà “kinh điển” ở giải U21 Quốc tế Báo Thanh Niên. Tuy nhiên, Thế Sơn không gặp vấn đề gì, thậm chí còn được tiếp tục chơi bóng thêm một thời gian, qua nhiều CLB chuyên nghiệp.
Đến năm 2014, Thế Sơn đã không còn được may mắn đó nữa. Bởi cầu thủ này đã “dính chàm” với nhiều đồng đội ở Đồng Nai khi dàn xếp tỷ số nhiều trận đấu của V-League. Nhiều người sau đó mới ngỡ ngàng nhớ lại pha bóng của Thế Sơn năm 2010 để rồi ngán ngẩm về việc cầu thủ này không bị xử lý quyết liệt khi đó, để rồi có hệ luỵ về sau.
Câu chuyện của Thế Sơn có lẽ khiến VFF sau đó “tức nước vỡ bờ”. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng sau đó xoa dịu dư luận bằng cách lấy năm này là là thời điểm cầu thủ bị treo giò vĩnh viễn nếu chuyện tiêu cực bị phanh phui. Mạnh Dũng, Mạnh Hùng, Long Giang, Thế Sơn, Hữu Phát, Đức Thiện… là những minh chứng điển hình cho người trẻ sau này.
Sự nghiệp ngắn ngủi của các tài năng lớn một thời ở bóng đá Việt Nam bị vùi dập vì mua bán độ, minh chứng cho một cái kết mà người xưa từng nói: không có hậu. Trong khi đó, thực tế cũng chỉ rõ “tổ nghề” luôn ghi nhận những tài năng biết nói không với cái xấu.
Đó là một Công Vinh vượt qua cái bóng của Văn Quyến để hiện tại là thần tượng của không chỉ các đàn em theo nghiệp quần đùi áo số mà có thể của cả xã hội. Hay như cựu đội trưởng ĐTQG Tài Em, cựu tiền đạo Nguyễn Quang Hải, trung vệ Lê Phước Tứ, thủ thành Nguyễn Thế Anh… những người có giá trị chuyển nhượng đều vượt hơn chục tỷ đồng trong sự nghiệp. Những cái tên này hiện tại sống rất “khoẻ” sau khi giã nghiệp, thậm chí còn được ví như các “đại gia” lúc về vườn.
Chuyện tiêu cực ở các giải đấu trẻ không phải dư luận không biết, nhưng vì nhiều lý do như giải đấu không được nhiều người quan tâm, nó đã được cho qua rất dễ dãi. Trong thời điểm “nông nhàn” của nền bóng đá, vấn đề này mới được cày xới lại và đây có thể cũng là lúc có thời gian để tất cả cùng nhìn thấu đáo sự việc, qua đó giải quyết tận gốc rễ vấn đề.
Khi bóng đá Việt Nam đặt mục tiêu World Cup 2026 đầy thực tế bằng thế hệ trẻ hiện tại, không thể có chuyện tiêu cực có thể vừa sống chung với họ, vừa mơ ước rằng đội tuyển Việt Nam có thể dự giải đấu lớn nhất hành tinh.
V.H