Bóng đá Việt Nam sang Campuchia đổi gió

Thứ Ba, 5/9/2017, 5:53 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Mấy đồng nghiệp rủ sang Campuchia “đổi gió”. Anh em ở phía Nam dễ hơn vì khoảng cách địa lý thuận lợi, nhưng với miền Trung và phía Bắc thì khó. Sang bên đó mà chỉ xem một trận đấu, vừa tốn tiền vừa không đáng. Vừa đi SEA Games mấy chục ngày về, nhiều đồng nghiệp tung lên trang cá nhân hình ảnh đang “nựng” vợ và con! Nên chăng là thế. Thời buổi này, có bao nhiêu thứ cần phải quan tâm hơn bóng đá, cứ “chúi mũi” vào thể thao vua, dành hết tình cảm với những tấm huy chương “ao làng”, khi không như mong muốn lại dễ sinh tâm bệnh, u uất, chứ chẳng chơi.

Khán giả ta và các nhà tài trợ vừa đáng thương vừa đáng trách. Cứ hết sức nghiêm khắc hơn với giải chuyên nghiệp đang rất vấn đề, với các đội tuyển chỉ giỏi gây buồn tủi, chắc chắn những người làm bóng đá sẽ phải điều chỉnh.

Bóng đá thời bao cấp và trong chiến tranh, nhiệm vụ chính trị rất rõ ràng. Cựu danh thủ Cao Cường từng kể với người viết, trong chiến tranh, ông nhiều lần phải vượt Trường Sơn vào miền Trung phục đá bóng vụ bà con. Không đủ nước tắm thì xuống hố bom vẫy vùng. Thiếu cơm thì dùng thêm khoai sắn đồng bào nấu, vẫn vui. Trên những khán đài cả nước thuở trước, luôn đông kín khán giả.

Bóng đá chuyên nghiệp giờ đây thì ngược lại, tiền là thước đo. Khi không phát huy được sứ mệnh phục vụ khán giả như trước, thì cần trả bóng đá vào giá trị thương mại- hàng hóa, sản phẩm. Sản phẩm không tốt, khách hàng không mua. Hoặc đơn giản hơn, bóng đá chỉ là cuộc chơi, vui thì cổ vũ, không thì thôi, cũng đừng nên nâng tầm quá như kiểu: “...Tổ chức phân công thì tôi nhận nhiệm vụ”, đâm ra nặng nề!

Nói thẳng, chúng ta không có thứ bóng đá chuyên nghiệp. Nói như chuyên gia lão làng Nguyễn Văn Vinh, chỉ là giải chuyên nghiệp… lĩnh lương cao. VFF, VPF và hệ thống các CLB hiện nay chưa đủ tư duy, năng lực và đặc biệt là tác phong để làm bóng đá chuyên nghiệp. Do vậy, rất khó để đưa nền bóng đá đi đúng hướng, đúng mô hình chuyên nghiệp, dù năm nào cũng cắp cặp đi học hỏi các nước.

Trong quá khứ, có không ít người tài, vì tình yêu bóng đá quá lớn, từng quyết tâm thử sức, nhưng vẫn không thể. Nguyên Bí thư Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh, bao năm muốn đưa đội bóng bên sông Hàn vô địch mà chịu, để rồi từng cảm thán: “Tôi làm cái chi cũng được, nhưng làm bóng đá khó quá”. Phải đến khi bầu Hiển nhảy vào, mới xong niềm mơ ước vô địch.

'Tuyển Việt Nam không sợ đối thủ, chỉ ngại chính mình'

'Tuyển Việt Nam không sợ đối thủ, chỉ ngại chính mình'

Theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, dù cho bóng đá Campuchia có sự tiến bộ, nhưng họ không phải là đối thủ của đội tuyển Việt Nam. Vấn đề của thầy trò HLV Mai Đức Chung là cần thắng chính mình thì mới thắng được đối thủ.

Ông Mai Liêm Trực, rồi cố Chủ tịch VFF Hồ Đức Việt cũng là những bậc hiền tài, kết quả vẫn không thể nâng trình độ VFF cao hơn mặt bằng xã hội.

VFF và bóng đá là gam màu trong bức tranh chung của xã hội, như một số lĩnh vực khác đang được chấn chỉnh như y tế, giáo dục, giao thông, ngân hàng…, ngoài thời gian, cần thêm nhiều tác động đủ mạnh và nghiêm khắc từ vĩ mô, mới hy vọng thay đổi. Mặt khác, Bộ VH, TT& DL dù không buộc VFF tiến hành Đại hội bất thường thì cũng nên yêu cầu tổ chức này tiến hành đại hội nhiệm kỳ sớm, tránh để Thường trực VFF vừa khủng hoảng nhân sự vừa thiếu đoàn kết.

U22 thất bại, giờ ĐTQG sang Campuchia tìm làn gió mới ở giải châu lục. Nhưng, làn gió mới chắc chắn không phải từ ông thầy già Mai Đức Chung, người đóng thế...

Hữu Quý

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến