Bóng đá Việt Nam: Giấc mơ World Cup bao xa?

Thứ Bảy, 2/2/2019, 6:44 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Không phải bây giờ, mà cách đây tới cả chục năm, cụ thể là sau khi vào tứ kết Asian Cup 2007, rồi vô địch AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam đã nói đến giấc mơ World Cup. Và lúc nay, sau 2 thành công tương tự, câu chuyện góp mặt ở sân chơi số 1 hành tinh lại đầy trên mặt báo lẫn mạng xã hội. Tại sao và giấc mơ World Cup cách bóng đá Việt bao xa?

1. Trở lại với 10 năm trước, bóng đá Việt Nam cũng từng có một thế hệ Vàng - mà dân trong nghề thường gọi - Thế hệ Vàng thứ hai, đã viết lên những kỳ tích lớn. Lần đầu góp mặt tại VCK Asian Cup với tư cách chủ nhà, đội tuyển Việt Nam bất ngờ tiến vào đến tứ kết, cái mốc mà tới giờ vẫn chưa bị phá vỡ. Rồi 1 năm sau, vẫn là lứa cầu thủ tài năng đó hiện thực giấc mơ Vàng Đông Nam Á cho nền bóng đá xứ sở khi đánh bại đại kình địch Thái Lan trong trận chung kết.

Sau những kỳ tích đó, giấc mơ châu lục và xa hơn là World Cup đã được nhắc nhiều đến, nhưng sớm bị dội gáo nước lạnh bởi chính Calisto - vị "phù thủy" đứng sau 2 thành công đó. Ông thầy người Bồ Đào Nha tuyên bố thẳng thừng - Để đạt tầm châu lục thôi, bóng đá Việt Nam cần trông vào thế hệ trẻ hơn, chứ không phải lứa cầu thủ đã đạt tới độ chín này.

VIDEO: Hành trình của đội tuyển Việt Nam tại ASIAN Cup 2019.

Và không cần phải quá lâu để chứng minh là Calisto nói đúng, bất chấp sự hồ hởi của những nhà quản lý bóng đá nước nhà - Thất bại liên tiếp tại những sân chơi khu vực quen thuộc khiến giấc mơ World Cup cũng "chìm xuồng", thậm chí còn trở thành đề tài để các fan "đàm tiếu" cứ mỗi khi nền bóng đá quốc gia gặp phải thất bại thất bại. Kiểu như tuyên bố - Đưa lứa U19 đi đá vòng loại World Cup 2018 của một vị Chủ tịch VFF trước đây.

2. 10 năm sau, cũng với 1 suất vào tứ kết Asian Cup cùng chức vô địch AFF Cup thứ hai và giấc mơ World Cup lại được nhắc đến. Dĩ nhiên, không phải là không có lý do, khi bóng đá Việt Nam lại xuất hiện một thế hệ cầu thủ tài năng mới và đang được gọi là thế hệ Vàng thứ ba. Một thế hệ còn được đánh giá cao hơn khi không phải là thứ "lúa trời" mà là sản phẩm được đào tạo bài bản hơn về chuyên môn, sạch hơn và hợp trend hơn với bóng đá chuyên nghiệp.

Quan trọng hơn, sau chuỗi dài những ông thầy ngoại đến rồi đi trong thất vọng, bóng đá Việt Nam có được Park Hang Seo - một vị "phù thủy" mới, người hô biến lứa cầu thủ tài năng tỏa sáng bằng lối chơi chặt chẽ, khoa học. Sau chức vô địch AFF Cup, màn trình diễn ấn tượng của đội tuyển quốc gia tại Asian Cup 2019, sân chơi lớn nhất của châu lục, khẳng định bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể tiệm cận mặt bằng châu lục.

Dĩ nhiên, Top 8 châu Á thời điểm này không đồng nghĩa với 1 suất dự VCK World Cup. Nhưng rõ ràng, nếu cứ chơi như đã chơi tại Asian Cup và đặc biệt la trận đấu khá sòng phẳng với Nhật Bản, đội bóng đang có mặt ở trận chung kết, thì việc có mặt trong Top 10 châu Á chắc chắn sẽ sớm hơn năm 2030 mà Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đã đề ra.

Theo dự kiến, từ World Cup 2026, FIFA sẽ cho phép 48 đội dự VCK World Cup, châu Á sẽ có khoảng 8,5 (8 suất vào thẳng vòng chung kết, 1 suất đá trận play-off liên lục địa để tranh vé vớt) đến 9 suất. Đây sẽ là cơ hội và cũng là cột mốc nữa để đội tuyển Việt Nam hướng đến trong 7 năm tới nếu duy trì được vị trí trong Top 10 như hiện tại.

3. 7 năm không phải là quãng thời gian quá xa và hơn thế, đây cũng là giai đoạn chín của lứa cầu thủ tài năng hiện tại, khi hầu hết mới chỉ vừa bước qua tuổi 20. Vậy thì sau những thành công vang dội vừa qua, giấc mơ World Cup đã trở nên quá gần?

Nhưng câu trả lời là CHƯA và nó đến từ HLV Park Hang Seo - Kiến trúc sư của những thành công vang dội trong lịch sử bóng đá nước nhà. "Chúng ta chưa đạt đến cấp độ ấy", ông Park đã nói như thế với báo chí Hàn Quốc, khi vừa đặt chân trở về nhà ăn Tết và ngay cả suất chơi vào vòng tứ kết Asian Cup 2019, HLV Park Hang Seo cũng chia sẻ rằng: "Chúng tôi thực sự may mắn".

Rồi khá trùng lặp khi cũng như Calisto 10 năm trước, theo ông thầy xứ Hàn, bóng đá Việt Nam lúc này chưa thể hiện thực được giấc mơ World Cup hay Olympic, dù nó đang được các chuyên gia "gieo" vào đầu người hâm mộ nước nhà. Cũng chia sẻ với báo chí nước ngoài, ông Park nói: "Truyền thông Việt Nam đã hỏi tôi về khả năng dự World Cup của đội nhà, nhưng điều đó cần thời gian".

Điều đó có nghĩa là thế hệ của những Quang Hải, Công Phượng, Phan Văn Đức... dù vẫn có thể hướng tới World Cup 2022 hoặc World Cup 2026, nhưng cơ hội thành công sẽ là không lớn. "Hệ thống đào tạo trẻ của Việt Nam vẫn chưa được tốt. Họ cần phải đầu tư vào lứa U10 nếu như muốn nghĩ tới việc tham dự World Cup", ông Park đã chỉ ra mốc thời gian cụ thể.

Tuyển Việt Nam khỏe nhờ ‘thần dược’, U22 Thái Lan triệu tập đội hình 'khủng'

Tuyển Việt Nam khỏe nhờ ‘thần dược’, U22 Thái Lan triệu tập đội hình 'khủng'

Tuyển Việt Nam khỏe nhờ ‘thần dược’, U22 Thái Lan triệu tập đội hình khủng là những thông tin chính có trong chuyển động bóng đá Việt tối ngày 30/1.

Một lứa cầu thủ tài năng mới, thậm chí là còn tài năng hơn cả lớp hiện tại mới đủ tầm vươn tới châu lục và cao hơn là World Cup, đó không phải là bài toán dễ với bất kỳ nền bóng đá nào, kể cả Việt Nam. Những thất bại, khoảng trống sau thành công trong quá khứ, hay bài học của những người hàng xóm như Thái Lan, Trung Quốc với giấc mơ World Cup chưa thành, vẫn còn nguyên tính thời sự.

Vậy thì cứ mơ, nhưng hãy hành động ngay từ bây giờ! Bằng không, giấc mơ vẫn mãi chỉ là giấc mơ.

Vũ Minh

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến