(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá nữ Việt Nam đang có những thành tựu đáng kể khi vô địch AFF Cup, SEA Games 2019, có mặt ở vòng play-off Olympic…nhưng phía sau đó vẫn là những tiếng thở dài nơi “mảnh đất chết”.
Đội tuyển nữ Australia đã thể hiện sức mạnh vượt trội ở lượt đi trận play-off tranh vé dự Olympic Tokyo 2020. Tuy nhiên, các cô gái Việt Nam cũng cho thấy sự tiến bộ rõ rệt trong thời gian qua.
Trận lượt đi play-off Olympic Tokyo 2020 kết thúc với tỷ số 5-0 nghiêng về đội tuyển Australia. Thất bại này vẫn được coi là thành công của bóng đá nữ Việt Nam, vì đây là trận đấu mà các cô gái áo đỏ chơi thứ bóng đá lăn xả như không có ngày mai.
Việc để thua một đội bóng đang hơn tới gần 30 bậc trên bảng xếp hạng cũng không là điều gì đó quá đáng xấu hổ. Trận đấu lượt về trên sân Cẩm Phả có lẽ là trận đấu kết thúc chuỗi ngày vinh quang mà thầy trò HLV Mai Đức Chung đem về trong thời gian qua.
Thành công của sự hi sinh
Hơn một năm qua, bóng đá nữ Việt Nam liên tiếp gặt hái rất nhiều vinh quang. Những điều nhìn thấy được rất rõ là chức vô địch AFF Cup nữ 2019 trên đất Thái Lan sau 120 phút nghẹt thở, chiếc HCV SEA Games thứ 6 trên đất Philippines và lọt vào vòng loại cuối cùng (play-off) Olympic Tokyo 2020.
Nếu may mắn hơn, bóng đá nữ còn có thể đem về bước ngoặt lịch sử khi lọt vào bán kết ASIAD để cùng đội bóng đá nam tạo nên kỳ tích lần đầu tiên cả 2 lọt cùng lọt vào bán kết một kỳ Đại hội thể thao châu Á. Đó là thành công không thể chối cãi được của bóng đá nữ Việt Nam thời gian qua.
Nó đến từ sự hi sinh thầm lặng của những cầu thủ nữ cắn răng thi đấu dù chấn thương từ vòng bảng SEA Games 30 như Chương Thị Kiều. Hay nỗ lực không biết mệt mỏi để trở lại dù đã 32 tuổi của Nguyễn Thị Xuyến…Cũng ít ai biết rằng, HLV Mai Đức Chung dù vẫn chưa lành hẳn vết mổ vẫn ngược xuôi đi tuyển quân.
“Đem cả đội tuyển nữ đi khám chấn thương thì chắc chẳng còn ai để đá nữa”. Câu nói vui ấy lại là sự thật, bởi rất nhiều cầu thủ vẫn thi đấu, tập luyện với những chấn thương đã trở thành mãn tính.
Thoa thuốc giãn cơ trước khi bắt đầu tập luyện, ngâm mình vào làn nước đá lạnh căm khi kết thúc, chu kỳ có phần nhàm chán ấy có thể rất nhẹ nhàng với các cầu thủ nam nhưng nó lại là thứ gì đó ám ảnh, thử thách với “phận liễu yếu đào tơ”.
Hơn một năm vinh quang của tuyển nữ đổi lại bằng sự quan tâm có phần nhỉnh hơn, được chú ý hơn từ xã hội. Nó xứng đáng với những giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu họ đã bỏ ra. Nhưng phần thưởng ấy chỉ dành cho đội tuyển, các cầu thủ khoác áo đội tuyển quốc gia. Còn những cầu thủ chưa từng biết mùi cơm tuyển thì sao?
Giải VĐQG – “bỏ thì thương, vương thì tội”!
“Tôi rất mong các nhà tài trợ cùng chung tay với chúng tôi đầu tư vào giải VĐQG nữ”, đại diện nhà tài trợ Thái Sơn Bắc phát biểu trong lần thứ n “ôm” bóng đá nữ. Một giải đấu bản lề và được coi là “chiến trường” chính của các cô gái theo nghiệp quần đùi áo số bao năm nay vẫn trong cảnh chợ chiều như thế.
Sự nghèo nàn trong giải thưởng ấy còn dẫn tới những giải thưởng cá nhân như Vua phá lưới chỉ có 10 triệu đồng, nhưng nếu có nhiều hơn 1 người thì số tiền ấy phải chia đôi, thậm chí chia 3. Câu chuyện dở khóc dở cười ấy là có thật, nhưng rồi nó vẫn là chuyện để đó mỗi lần được mang ra bàn thảo trong mỗi buổi họp báo công bố giải.
Thậm chí, giải VĐQG có những thời điểm tới 7, 8 đội tham gia thì nay chỉ còn thực chất 4 đội (Than khoáng sản Việt Nam, Phong Phú Hà Nam, Hà Nội, TP.HCM), và lực lượng đóng góp cho ĐTQG cũng không nằm ngoài 4 đội bóng này.
“Bóng đá nữ cần phải được xã hội hóa, cần có nhiều bầu Đức, bầu Hiển hơn đầu tư vào”, HLV Mai Đức Chung cũng từng phải đăng đàn kêu gọi như vậy. Nhưng rồi, lời kêu gọi của ông vẫn chỉ chẳng có hồi đáp. Lượt về giải VĐQG nữ cuối năm 2019 vẫn diễn ra trên những khán đài không có khán giả. Và đương nhiên, phần thưởng vẫn chẳng hề tăng lên.
Sự èo uột của phần thưởng giải VĐQG dẫn tới việc người hâm mộ thờ ơ, nhà tài trợ không quan tâm, ngân sách các đội bóng tham dự cũng ít theo. Câu chuyện ấy giống như chuyện con gà và quả trứng, quẩn quanh và không có hồi kết.
Nhưng nếu bóng đá nữ Việt Nam muốn hướng tới World Cup bóng đá nữ 2023, hay tham dự Olympic thì bài toán này cần được giải đáp một cách ổn thỏa. “Chiến trường” chính của bóng đá nữ cần một tấm áo mới khoác lên, rực rỡ, hấp dẫn và giàu tính cạnh tranh hơn. Điều đó giúp các cầu thủ có một môi trường cạnh tranh tốt hơn, tính quyết liệt được nâng cao, sự hấp dẫn được nâng cao.
Trong bối cánh những đối thủ tiềm tàng như Iran, Jordan, Bangladesh và cả Ấn Độ, Philippines cũng đang đầu tư mạnh vào bóng đá nữ thì sự cải thiện ở giải VĐQG và các đội bóng nữ lại càng trở nên cần thiết, chứ chẳng thể mãi cảnh bỏ thì thương, vương thì tội.
Hoài Vũ