Bóng đá Myanmar thời hậu quân chủ

Thứ Bảy, 19/11/2016, 13:1 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Nền bóng đá Myanmar là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội, kinh tế và cả chính trị của đất nước này. AFF Cup 2016 có thể là thời khắc quan trọng.

Anh phóng viên truyền hình ghé chiếc micro hỏi HLV Hữu Thắng sau khi trọng tài nổi còi kết thúc trận chung kết AYA Bank Cup bằng một thứ tiếng Anh rất khó nghe, rằng “anh thấy giải của chúng tôi tổ chức thế nào”.

Đó là một câu hỏi kỳ lạ. Vì sau trận chung kết người ta thường nói về kết quả, về cảm giác của người chiến thắng hay thất bại, về những diễn biến đặc biệt. Và nhất là khi những vị khách lại ôm Cúp và tiền thưởng của chủ nhà thì đó càng phải là một cuộc phỏng vấn sâu sắc về chuyên môn ngay sau trận đấu.

Người Myanmar quan tâm tới bóng đá nhất ngoài chính trị

Người phiên dịch của đội tuyển Việt Nam bỡ ngỡ, đã không dịch chính xác câu hỏi ấy. Hữu Thắng cũng không thể đưa ra một câu trả lời mà những người làm bóng đá Myanmar chờ đợi.

Nhưng sự kỳ lạ nào cũng có nguyên do của nó. U Zaw Zaw, ông chủ của Ngân hàng AYA Bank bỏ tiền ra tài trợ cho giải đấu, cũng chính là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Myanmar. Câu chuyện về người đàn ông này với bóng đá Myanmar bắt đầu từ năm 2005. Và điểm nhấn lớn nhất của quãng thời gian 11 năm ấy là ông đã bỏ ra tới gần 20 tỉ Kyat, tương đương với 18 triệu USD cho bóng đá Myamar, nơi từng thống trị bóng đá Đông Nam Á cách nay 5 thập kỷ.

U Zaw Zaw, người nằm trong danh sách đen của Cục dự trữ Liên bang Mỹ - điều đồng nghĩa với việc ông có thể bị bắt giữ một khi đặt chân tới xứ sở cờ hoa, và từng bị Singapore từ chối tham gia đầu tư vào đảo quốc sư tử, lại là một người mà người yêu bóng đá Myanmar coi là người hùng.

Là cử nhân toán, rời đất nước sau khi rời ghế nhà trường để tới Nhật Bản làm việc. Rồi trở về khi những cơ hội mở ra trước mặt thông qua những mối quan hệ rộng trong giới quân đội cầm quyền Myanmar. Nhưng ông cũng đủ vững mạnh để tiếp tục là một trong những đại gia thời Myanmar hậu quân chủ chuyên chế.

Một tay tái thiết nền bóng đá Myanmar

Năm 2009, tức bốn năm sau khi trở thành Chủ tịch LĐBĐ Myanmar, Zaw Zaw thuyết phục thành công các vị tướng lĩnh trong quân đội và cầm quyền ở đất nước này rằng muốn phát triển bóng đá trở lại, cần phải khai tử những đội bóng thuộc các ban ngành, chính quyền. Một nền bóng đá phải được gây dựng từ các đội bóng doanh nghiệp, tự chủ - tự chi, tự kiếm tiền và tự quyết.

U Zaw Zaw (thứ 4 từ trái) một tay gây dựng trở lại nền bóng đá Myanmar

Ít ai biết rằng, Zaw Zaw từng ngưỡng mộ mô hình CLB Thể Công – đội bóng từng mang tên CLB Quân đội, từ năm 2005 được chuyển giao cho Viettel – tập đoàn Viễn thông Quân đội. Thể Công trước khi bị xóa sổ năm 2009, đã nhiều lần sang Myanmar đá giao hữu, và là CLB giàu tham vọng nhất ở mùa 2008 – 2009 (dù thất bại).  

Được bật đèn xanh, Zaw Zaw đã “rủ” được hơn chục doanh nhân khác nhảy vào cùng “chơi” bóng đá với ông. Từ chỗ là giải đấu của 8 CLB nghiệp dư, giải VĐQG Myanmar bỗng chốc thành sân chơi chuyên nghiệp với 12 CLB. Giải hạng Nhất Myanmar cũng được tái cấu trúc với 12 CLB tham dự. Zaw Zaw không có CLB nào, nhưng ông có một đội bóng mà fan hâm mộ là nhân dân Myanmar – đội tuyển quốc gia Myanmar.

Ngồi trên cái ghế Chủ tịch LĐBĐ Myanmar mà ngân quỹ trống rỗng, với một bộ máy mà các nhân viên thuộc bộ máy điều hành không có nhiều năng lực, Zaw Zaw bỏ tiền túi chi cho tham vọng đưa đội tuyển Myamar thống trị khu vực trở lại.

Zaw Zaw trả lương mời HLV người Serbia, Avramovic – HLV từng đưa Singapore lên đỉnh vinh quang, rồi sa thải ông và thay thế bằng HLV người Đức, Gerd Zeise. Chính Zeise, một người từng làm Giám đốc đào tạo trẻ ở Đà Nẵng năm 2006, đã làm nên kỳ tích khi đưa đội tuyển U19 Myamar giành vé đi U20 World Cup 2015.

Zeise cần thêm một trợ lý đồng hương nữa để giúp tuyển Myanmar chinh phục AFF Cup, Zaw Zaw đồng ý. Zeise nhờ thế có trợ lý đến từ Berlin, Miroslav Jagatic.

Zeise cần một chuyến đi tập huấn ở trời Âu cho các cầu thủ để tích lũy kinh nghiệm, Zaw Zaw duyệt chi cho tuyển Myanmar đi Hà Lan, Đức, Cyprus và Bỉ. Họ chơi ở đó hơn chục trận với những CLB thuộc hạng Nhì trước khi trở về nước. 

Thời khắc của sự phán xét

Trận hòa 0-0 với Indonesia trên sân nhà ngày 4-11 mới đây khiến cho người Myanmar bi quan với đội tuyển. Sự thực là thành tích của đội tuyển lớn thời bóng đá Myanmar dưới sự lãnh đạo của Zaw Zaw, ở thời điểm sau khi giải VĐQG chuyên nghiệp Myanmar ra đời lại nghèo nàn hơn trước. 

Ở AFF Cup 2004, 2006 và 2008, tuyển Myanmar đã chơi 12 trận cả thảy, thắng bốn và tỉ lệ điểm giành được là 1,3/trận. Thành tích tốt nhất là đứng thứ tư ở AFF Cup 2004.

Còn ba kỳ AFF Cup gần nhất 2010, 2012 và 2014, Myanmar chỉ giành được ba trận hòa  và sáu trận thua qua chín trận đấu cả thảy, giành trung bình 0,3 điểm/trận.

Tỷ phú Zaw Zaw, Chủ tịch LĐBĐ Myanmar: ‘Việt Nam, Myanmar đội nào hay sẽ thắng’

Tỷ phú Zaw Zaw, Chủ tịch LĐBĐ Myanmar: ‘Việt Nam, Myanmar đội nào hay sẽ thắng’

Tỷ phú Zaw Zaw, người đàn ông thành đạt, giàu có và quyền lực hiện đang ở nhiệm kỳ thứ 2 làm Chủ tịch LĐBĐ Myanmar, đã có những chia sẻ thú vị với phóng viên Thể thao & Văn hóa/TTXVN.


Thành tích nghèo nàn trong sáu năm qua có thể là sự lý giải tại sao Zaw Zaw lại đầu tư mạnh mẽ ở kỳ AFF Cup mà Myanmar là đồng chủ nhà của vòng bảng này. Một kết quả thế nào trong những ngày tới của các cầu thủ của đội tuyển có biệt danh rất mỹ miều “Thiên thần trắng” còn có thể quyết định tới vận mệnh của cả giải VĐQG non trẻ ở đây.

Giải VĐQG Myanmar đang đứng trước một áp lực lớn – một hệ quả (hoặc thành quả) của việc Myanmar chuyển từ thể chế quân chủ sang dân chủ là các chính quyền địa phương bắt đầu đòi lại tài sản đất đai từ tay các ông chủ CLB để trao lại cho người dân – những người đã không được phép sử dụng các cơ sở vật chất thể thao ở địa phương trong thời gian dài.

Hồi tháng 8 vừa qua, Hội đồng nhân dân vùng Sagaing ra phán quyết rằng quần thể thể thao Nhân dân Monywa phải là của tất cả mọi người và ai cũng có quyền sử dụng nó chứ không phải là của doanh nghiệp, ông chủ nào.

Ngay lập tức, Zayar Shwe Myay, một trong những người sáng lập giải VĐQG Myanmar tuyên bố rằng ông sẽ rút đội bóng của mình khỏi giải đấu. Hai đội bóng khác cũng tuyên bố sẽ rút lui là Manawmyay FC và Zwegabin FC.

Trong hai năm qua, các dòng tiền chảy trong Myanmar và dĩ nhiên là cả nền bóng đá Myanmar không còn đi về bất cứ đâu một cách dễ dàng nữa. Nó nằm dưới sự kiểm soát và giám sát chặt chẽ hơn của một chính quyền do dân bầu lên.

Nhưng tiền không phải là tất cả. Vấn đề lớn là dù cho đời sống bóng đá nhộn nhịp hơn thì người dân Myanmar lại ít tới sân và không còn yêu mến các đội bóng ở địa phương như trước. Những trận đấu lớn trước kia có khoảng 1 vạn người xem thì nay giảm xuống còn vài ba ngàn. Và số khán giả xem ở những trận đấu khác chỉ là một vài trăm người. 

“Mọi người bỏ tiền làm từ thiện, cho các lĩnh vực xã hội còn ông ấy lấy tiền của mình để làm cho bóng đá”. U Chit Win Maung (nhà báo thể thao) “Nếu tôi muốn kiếm lời hoặc gì đó thì tôi không cần phải làm bóng đá.

Vấn đề của bóng đá Myanmar là đào tạo trẻ nếu chúng ta muốn phát triển hơn nữa thì phải tập trung vào đó”. U Zaw Zaw (Chủ tịch LĐBĐ Myanmar) “Tại sao các tỷ phú Myanmar lại bỏ tiền vào bóng đá vì nó chính là thứ mà người dân ở đây quan tâm nhất sau chính trị”. U Ye Naing Win (Chủ công ty truyền thông Myanmar Special Media)

Vĩnh An (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến