(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc chiến khốc liệt tranh giành bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh thời gian qua đã thu hút được sự chú ý rất lớn từ báo giới và người hâm mộ. Nhưng sự khốc liệt ấy có tương ứng với giá trị thực tế mà bản quyền Premier League đem tới, hay gói bản quyền ấy chỉ là một thứ “trang sức” giúp kích cầu cho các đài truyền hình trong một cuộc chiến dài hơi hơn? Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trao đổi thú vị với BLV Vũ Quang Huy, Trưởng Ban Thể thao Đài truyền hình VTC, về vấn đề này.
* Thưa ông, ông nghĩ thế nào về khả năng thu hút quảng cáo và đem lại lợi nhuận của các đài sở hữu bản quyền những giải thể thao lớn?- BLV Quang Huy: Yếu tố tiên quyết đầu tiên trong việc thu hút quảng cáo là chúng ta phải làm nội dung chương trình thật hay. Nhưng đó không hề là sự bảo đảm để thu hút được quảng cáo.
Hãy nhớ rằng bản chất thể thao là thứ dành cho đàn ông, bó hẹp phạm vi đối tượng trong khi trên thực tế, những thứ dành cho phụ nữ có khả năng thu hút đối tượng công chúng lớn hơn. Thể thao, vì thế, không thể thu hút quảng cáo như các chương trình gameshow hay ca nhạc.
Chúng ta chỉ có thể cố gắng làm những chương trình thật hay, có chuyên môn tốt, thể hiện mới lạ, độc đáo. Như thế, chương trình chắc chắn sẽ thu hút hơn. Chứ đừng mơ tới chuyện sở hữu giải đấu đắt tiền là sẽ thu hút được quảng cáo nhiều.
* Kể cả nếu chúng ta sở hữu bản quyền Premier League hay Champions League ư?
- Vẫn khó lắm. Để tôi lấy ví dụ: VTV3 thời kỳ Quang Huy, Quang Tùng còn ở đó, tiền thu hút quảng cáo vẫn không bù được tiền mua bản quyền giải đấu. Thời đó, chỉ có mỗi một đài truyền hình là VTV, có tới 2 bình luận viên “ngon” nhưng vẫn không bù lại được kinh phí. Thể thao đỉnh cao phải gắn với “Pay TV” (truyền hình trả tiền). Các đài chỉ có thể dùng thể thao để kích cầu cho các gói thuê bao của mình sau đó lấy tiền thuê bao để bù lại.
Trong đấy, bản quyền có khả năng thu hút quảng cáo tốt nhất thuộc về bóng đá Anh. Điều này cũng phù hợp với xu thế thưởng thức chung của người hâm mộ yêu thích bóng đá Anh
* Vậy còn các đài Đông Nam Á khác thì sao, thưa ông?
- Ngoài các đài truyền hình trả tiền, có đài nào ở Đông Nam Á dám nói rằng họ bù được tiền mua bản quyền nhờ quảng cáo không? Kể cả các “Pay TV”, họ cũng chỉ bù chéo được bằng tiền thuê bao người dùng. Tôi không tin rằng có đài truyền hình nào ở Đông Nam Á kiếm được tiền từ quảng cáo đủ để bù chi phí mua bản quyền giải đấu. Áp dụng công thức “mỡ nó rán nó” là không thể với các bản quyền truyền hình giải đấu lớn.
* Nói như thế tức là cả thế giới đang phải chịu lỗ khi mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh?
- Không hẳn vậy. Tôi chưa tìm hiểu kỹ nhưng mức sống và dân trí của mỗi vùng trên thế giới lại khác nhau nên số tiền quảng cáo cũng sẽ khác nhau. Ví dụ, bóng đá Đức hiện đã rất hùng mạnh, người Đức lại có tính dân tộc cao. Nếu người Đức mua bản quyền truyền hình giải Anh, người Anh không thể đòi giá cao. Người Anh có thể phải bán giải đấu của mình cho Đức với giá rất rẻ. Khi đó, các đài ở Đức mới bù lại được chi phí. Đó là một ví dụ khác biệt của thế giới.
Còn tại Đông Nam Á, chuyện đấy là không thể. Ở Việt Nam, giá bản quyền truyền hình tính theo thu nhập đầu người đắt hơn ở châu Âu rất nhiều. Chưa kể mức sống của người châu Âu cao hơn Đông Nam Á nên mức giá rẻ với họ cũng là giá đắt với mình.
Thanh Hà (ghi)
Thể thao & Văn hóa