(Thethaovanhoa.vn) - Cả SLNA và B.Bình Dương đều từng là những thế lực thực sự, thậm chí đội bóng đất Thủ từng thống trị V-League với 4 chức vô địch, nhưng giờ bị xem là chiếu dưới, phải đấu với nhau ở sân chơi hạng 2 như Cúp quốc gia (chiều nay, 9/11).
Năm 2015, B.Bình Dương hoàn tất cú poker vô địch giải đấu cao nhất Việt Nam, đội trưởng của họ là Nguyễn Anh Đức cũng được vinh danh Quả bóng vàng Việt Nam, dù năm đó Đức không chơi cho ĐTQG. Ít ai nghĩ, đấy lại là bắt đầu của một sự kết thúc. Đội bóng đất Thủ không chủ trương giữ lại hoặc ký mới hợp đồng với các ngôi sao và từ 2 năm qua, họ trôi dần xuống nửa sau bảng xếp hạng V-League. Anh Đức, Tấn Tài và Tấn Trường được xem là những chiến binh Mohican cuối cùng ở lại Thủ Dầu Một.
SLNA thậm chí còn tệ hơn. Phần vì vấn đề kinh phí, song cơ bản là chiến lược làm bóng đá không rõ ràng của lãnh đạo địa phương, cũng như nhà tài trợ. Nhà vô địch V-League 2011 không thể duy trì các tuyến trẻ, mà phải vay mượn tứ tung để kiện toàn các lứa "U" đá giải quốc gia. Tất nhiên, họ cũng gần như bất lực trong việc giữ chân các ngôi sao ở lại với quê hương. Chảo lửa Vinh nhiều trận đấu nguội ngắt khiến người Nghệ An không khỏi chạnh lòng về vùng đất từng là "kinh đô của bóng đá".
Trước đây, người ta vẫn ví quân Nghệ An trên Tuyển dồi dào như dòng nước sông Lam. Ở mọi cấp độ ĐTQG, cầu thủ xứ Nghệ luôn chiếm ưu thế cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhưng kể từ sau cú phốt AFF Cup 2016, ĐTQG dưới thời HLV Park Hang Seo triệu tập chuẩn bị cho trận đấu quan trọng gặp Afghanistan tới đây, "sạch bóng" quân SLNA. Giải thích kiểu gì cũng khó, nhưng đấy thực sự là nỗi đau, là thất bại khó nuốt trôi với người Nghệ vốn chưa từng chịu lép vế ở địa hạt bóng đá nói riêng và các mảng khác nói chung.
SLNA và B.Bình Dương gặp nhau trong trận chung kết lượt đi Cúp quốc gia 2017, rất xứng đáng sau khi vượt qua nhiều đối thủ mạnh. Song trận đấu gần như không gây được chú ý nào, khi mọi ánh nhìn lúc này đổ dồn vào cuộc đua ở V-League. Cũng dễ hiểu, bởi từ lâu Cúp vẫn bị xem là sân chơi hạng 2, là danh hiệu mà bỏ thì thương, vương thì tội, với thể thức thi đấu cũng thay đổ xoành xoạch. Chuyện đấu chung kết sân nhà/sân đối phương (lượt đi và về), hay sân chung lập các năm trước đó, cũng là xưa nay hiếm trên thế giới.
Các CĐV SLNA sẽ huy động lực lượng phủ vàng Gò Đậu như thường lệ để tiếp sức những cầu thủ như Phi Sơn (được biết đến với biệt danh Ronaldo xứ Nghệ) hay Ngọc Hải sẽ có dấu ấn để đời trong mùa giải có thể là cuối cùng của họ tại quê hương. Nhưng...
Vẫn có câu, cọp chết để lại da. Dẫu sao được chơi một trận chung kết, dù là chung kết giải khu phố, vẫn cứ là vinh dự. Nếu Quế Hải, Phi Sơn hay bất cứ cái tên nào khác nghĩ rằng mình xứng đáng được cất nhắc lên Tuyển, thay vì ngồi nhà như lúc này, thì họ đang có cơ hội để chứng minh. Cái gì cũng có nguyên nhân của nó và niềm tin là yếu tố quan trọng. Thân làm tướng soái, tin mới dùng mà dùng là không nghi kỵ. "Lò" SLNA đã thất thế trong hệ thống giải trẻ quốc gia từ vài năm qua, những gương mặt được cho là ưu tú còn lại trên đội 1 bị từ chối, thì cũng cần phải xem lại chính mình.
Mùa Thu thay áo mới rồi!
Tùy Phong