(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ lần cuối cùng vô địch V-League 2004, đã 14 mùa giải qua, HAGL vắng bóng trên bục danh hiệu tại sân chơi cao nhất dải đất hình chữ S. Đây là một nỗi đau với tham vọng của bầu Đức.
V-League 2015, bầu Đức đưa ra một quyết định, hay đúng hơn là làm một cuộc cách mạng triệt để về nhân sự cho HAGL: Thay máu toàn bộ bằng lứa cầu thủ U19 của Học viện vừa ra ràng. Ông chủ HAGL Group có phần cảm tính trước những lời tung hô và cả hiệu ứng mà Công Phượng và đồng đội mang lại vào thời điểm đó, nhưng không phải ông không có lý do để hành động. Thứ nhất, cầu thủ đã “tốt nghiệp” thì cần phải có sân chơi cho họ, sau khi tham vọng xuất khẩu gần như đã thất bại. Thứ 2, ông cần phải tính toán lại quỹ lương và quỹ chuyển nhượng, nhằm tiết kiệm và tái đầu tư trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và cả vấn đề làm ăn của Tâp đoàn (với một cầu thủ được đôn lên từ Học viện hoặc lớp Năng khiếu của Học viện, lương trần chỉ là 15 triệu đồng/tháng và họ sẽ đá cho HAGL đến lúc 28 tuổi).
Chắc không một ai quên, HAGL mặc dù nhận được nhiều kỳ vọng, nhưng cuối cùng đã phải chạy lũ ở giai đoạn cuối V-League 2015. Các cuộc thay tướng diễn ra liên miên, như hơn 10 năm qua, nhưng tính ổn định và quan trọng hơn là biểu đồ thành tích không được cải thiện. “Gỗ” vẫn là cái tên hot trên mặt báo, nhưng điều đó không giải quyết được vấn đề chính: Bóng đá là thành tích.
Bằng với lứa U19 Học viện năm nào, bầu Đức cũng hy vọng sẽ giúp bóng đá Việt Nam đổi màu huy chương SEA Games, nhưng thất bại ở 2 kỳ liên tiếp là SEA Games 2015 và SEA Games 2017. Ông hiểu và đặt niềm tin vào “những đứa trẻ của ông”, nhưng có lẽ ông chưa hiểu bối cảnh chung của bóng đá khu vực, thậm chí khá mù mờ với mặt bằng chung V-League. Sau hàng loạt các tham vọng bị phá sản, món lời lớn nhất của HAGL là: Công Phượng và đồng đội đã có 3 mùa giải V-League tập sự. Theo HLV Hoàng Văn Phúc của nhà vô địch Quảng Nam, năm nay, với việc có được 2 cầu thủ ngoại tốt, sự trở lại của Xuân Trường, cùng dàn cầu thủ thiện chiến, HAGL sẽ rất đáng gờm. “Ngoài Hà Nội FC sở hữu 7 tuyển thủ U23 Việt Nam, không đội bóng nào chơi kiểm soát tốt hơn HAGL”, HLV Hoàng Văn Phúc chia sẻ.
Với sự ra đi của “bố già” Ljupko Petrovic đã để lại những khoảng trống mà mùa giải 2018, thuyền trưởng Marian Cuchiaroni Mihail phải nhanh chóng lấp đầy.
Đây chắc chắn là thời điểm mà giá trị cầu thủ HAGL phát tiết. Theo những người làm chuyên môn, cầu thủ HAGL có kỹ thuật và tư duy chơi bóng cấp tiến, không cùng đẳng cấp với sản phẩm của các lò đào tạo khác. Nhưng cái thiếu ở đội bóng này từ hơn một thập niên qua, là đội ngũ làm kỹ thuật, hay chính xác là một HLV biết sắp xếp. Lối chơi kiểm soát bóng của HAGL giúp họ tạo một sức ép tương đối và liên tục về phía cầu môn đối thủ, nhưng khâu dứt điểm lại kém. HAGL có thể dễ dàng thoát pressing, nhưng lại không thể chơi pressing, đặc biệt ở thời điểm nửa cuối hiệp nhì, khi thể lực và sức bền tốc độ của cầu thủ phố núi chưa từng được đánh giá cao. Sự xuất hiện của Giám đốc kỹ thuật Chung Hae Seong tại Hàm Rồng, mùa thứ 2 liên tiếp, liệu có giúp HAGL ổn định và bay cao?! Cái này còn phải chờ.
HAGL với các thần tượng, những người đương thời như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn…, vẫn sẽ được nhắc tới với mật độ dày đặc trên các phương tiện truyền thông; sức hút trên các khán đài vẫn sẽ được đảm bảo, nhưng thành bại của đội bóng này còn phụ thuộc vào màn thể hiện của chính họ. Sân bóng mới là nơi cầu thủ tỏa sáng, chứ không phải các trang báo hay mạng xã hội. Chính Công Phượng đã khẳng định điều này.
Nguyệt Bàn