(Thethaovanhoa.vn) - HLV trưởng đội tuyển U19 Việt Nam Philippe Troussier mới đây đã đưa ra tuyên bố rằng bóng đá Việt Nam muốn mơ World Cup 2026 thì phải cần chuẩn bị 100 cầu thủ. Con số đó thoạt nghe đơn giản với hàng loạt lò đào tạo trẻ ở Việt Nam hiện tại, nhưng thật ra lại không phải là điều mà cứ muốn là được.
“Vào một ngày tồi tệ, chỉ cần có người thân bên cạnh”, tờ Siamsport vừa dùng hình ảnh thất vọng cùng cực của tiền vệ trẻ Supachok sau khi bỏ lỡ ngon ăn nhất trận gặp Việt Nam hồi tháng 9 năm ngoái để cổ vũ cho thầy trò HLV Nishino hướng tới tương lai tươi sáng hơn.
1. Lý do là bởi HLV Troussier đã quá hiểu rõ bóng đá Việt Nam sau thời gian dài làm việc cho PVF lẫn U19 Việt Nam. Những điều ông phát biểu với các đồng nghiệp trong nước như cầu thủ trẻ Việt Nam ít có cơ hội thi đấu qua các giải trong nước, tính chuyên nghiệp chưa cao, thiếu sự đầu tư… đã được mọi người thừa nhận chính xác 100%.
Để chuẩn bị cho World Cup 2026, so với nhiều nền bóng đá phát triển trên thế giới, con số 100 cầu thủ mà HLV Troussier đề cập với bóng đá Việt Nam thực sự khiến nhiều người làm chuyên môn cũng bất ngờ.
Cựu HLV U20 Việt Nam Đoàn Minh Xương từng trải nghiệm thực tế ở những môi trường bóng đá phát triển hàng đầu châu Á như Nhật Bản hay đội tuyển từng vô địch World Cup như Đức cho biết, theo thống kê từ giới chuyên môn cần khoảng 5.000 em nhỏ yêu thích, chơi bóng đá mới có thể sản sinh ra một cầu thủ chuyên nghiệp.
Và không phải đặt mục tiêu World Cup 2026, những quốc gia tiên tiến đã phác thảo kế hoạch vô địch World Cup cho nền bóng đá với những cầu thủ dự kiến đang trong bụng mẹ hoặc chưa ra đời. Bóng đá Việt Nam với chỉ tiêu của HLV Troussier, trung bình cứ 1 triệu dân có 1 cầu thủ, con số quá khiêm tốn.
Bóng đá Việt Nam tính sơ qua đã đủ 100 cầu thủ trong độ tuổi sinh từ năm 1998 tới 2004. 100 cầu thủ của 10 lò đào tạo bóng đá lớn nhất Việt Nam hiện tại, tính trung bình mỗi lò chỉ cần góp 10 cái tên tinh tuý nhất là đủ cho nền bóng đá có thể mơ xa.
Từ con số 100 này, họ sẽ được trải nghiệm, thử thách ở các giải đấu từ vòng loại World Cup tới SEA Games 2021, vòng loại Olympic 2024... nhằm tìm kiếm cơ hội trưởng thành. 100 cầu thủ đó sẽ được sàng lọc qua thời gian để có 22-23 cái tên đủ điều kiện hiện thực hoá giấc mơ ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh cho Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay cả người đang viết sử cho bóng đá nước nhà như HLV Park Hang Seo cũng chưa dám mơ giấc mơ lớn khi trước đây, ông đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cho bóng đá Việt Nam.
Ông Park đã ở Việt Nam đủ lâu và ông cũng đã chiêm nghiệm được sự thiếu thốn trong cách trồng người cho tương lai bóng đá Việt. Thực tế nếu không có bàn tay nhào nặn của chiến lược gia người Hàn Quốc, bóng đá Việt Nam chưa chắc thành công như hiện tại.
Ở Đông Nam Á bây giờ, bóng đá Việt Nam có thể không ngại Thái Lan nhưng vẫn chưa thể thắng đối thủ này tại giải đấu chính thức. Tại vòng loại thứ 2 bảng G World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam vẫn đang trình diễn một phong độ ổn định với thành tích bất bại sau 5 lượt trận, giành được 11 điểm và tạm thời xếp ở vị trí số 1. Tuy nhiên, vẫn còn 3 thử thách và với trình độ của bóng đá Việt Nam hiện tại, nhiều người vẫn phập phồng mối lo ngại đội bóng của ông Park sẽ không cán đích như ý.
Còn nếu vào được vòng loại cuối cùng dành cho 12 đội tuyển mạnh nhất châu Á tranh 4,5 vé tới World Cup 2022, Việt Nam với tư cách đội xếp thứ 15 châu Á hiện tại càng khó khăn để thắng tiếp các đối thủ sừng sỏ.
Ở Asian Cup 2019, Việt Nam đã lọt Top 8 ĐTQG hàng đầu châu lục, nhưng chuyện đó hoàn toàn khác so với đấu trường lớn nhất hành tinh, nơi mọi ĐTQG đều khao khát. Từ đây có thể lấy ví dụ về bóng đá nữ Việt Nam, dù xếp hạng 6 châu Á nhưng so với 5 đội tuyển dẫn đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, CHDCND Triều Tiên, cơ hội để đánh bại họ để giành vé đi World Cup là không tưởng.
2. Trở lại với nhận xét từ HLV trưởng U19 Việt Nam, ông Philippe Troussier, thực tế đã rất khó khăn để tìm ra 22 cầu thủ chất lượng nhất cùng ông dự Vòng loại U19 châu Á năm ngoái.
Nhiều thành viên của đội tuyển trước đó do HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt đã bị HLV người Pháp loại thẳng tay vì không ít lý do. Cựu HLV Hoàng Anh Tuấn mới đây đã lên truyền thông thẳng thắn chia sẻ về phát biểu của GĐKT VFF Jurgen Gede về việc cầu thủ trẻ vô kỷ luật và sự cầu tiến nghề nghiệp có vấn đề. Còn ông Troussier chỉ đơn giản nhìn nhận, với khoảng chục trận đấu trong năm với nhiều cầu thủ trẻ suốt 12 tháng chỉ được chơi vòng loại các giải trẻ quốc gia hoặc thi đấu giao hữu, tìm 100 cầu thủ tốt không phải là chuyện dễ làm.
Ví dụ điển hình gần nhất là việc VFF phạt 11 cầu thủ Đồng Tháp “dính chàm”. Người nặng nhất như Văn Tiến từng là tài năng lớn của đội bóng miền Tây khi giúp Đồng Tháp có hat-trick danh hiệu giải trẻ quốc gia U15, U17 và U19.
Sau nhiều bài học về tiêu cực trong quá khứ, không ít người có lý do để bi quan cho 11 cái tên này dù 10 người có được tạo cơ hội làm lại với án phạt 6 tháng cấm thi đấu, họ cũng khó thành công trong tương lai.
Hay như cách đây 6 năm, đội hình U19 Việt Nam dự VCK U19 châu Á với nòng cốt U19 HAGL gây “sốt” cả nước hiện tại chỉ còn lại những Hồng Duy, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Công Phượng vươn tới đỉnh cao hơn. Nhìn về ĐTQG sau ngần ấy thời gian, HLV Park Hang Seo hiện tại đã không sử dụng 15 cái tên trong danh sách đó.
6 năm không phải là thời gian dài và đó là thời gian để giúp cầu thủ chín chắn hơn trong sự nghiệp, nhưng đúng như HLV Troussier phân tích: “Con đường phát triển cầu thủ không phải đường thẳng. Khi cầu thủ thất bại ở một giải đấu, anh ta nhận thấy những khiếm khuyết của mình, anh ta sẽ lấy đó làm bài học để tiến bộ hơn trong tương lai.
Nếu không thi đấu, cầu thủ sẽ không có bài học. Đó là lý do vì sao tôi nói rằng để chuẩn bị cho World Cup 2026, chúng ta cần tất cả thế hệ cầu thủ sinh từ năm 1998 tới 2004, con số sẽ lên tới khoảng 100 cầu thủ.
Câu hỏi phải đặt ra là 100 cầu thủ này bây giờ đang ở đâu? Và họ được chơi bao nhiêu trận? Các cầu thủ cần tập luyện, tốt thôi, nhưng họ phải được thi đấu nữa”.
Bóng đá Việt Nam vẫn phải tiếp tục đầu tư
mạnh mẽ
Nói với báo chí trong nước về mục tiêu dự World Cup, HLV Philippe Troussier cho biết: “Môi trường bóng đá của Việt Nam đang tiến bộ không ngừng, kết quả đạt được làm người hâm mộ hạnh phúc. Các trung tâm bóng đá trẻ xuất hiện nhiều và giúp mang lại thành quả ở bóng đá đỉnh cao. Chúng ta làm đúng hướng và để đạt mục tiêu giành vé dự VCK World Cup, bóng đá Việt Nam vẫn phải đầu tư mạnh mẽ, bài bản.
Việc mở rộng quy mô World Cup vào năm 2026 giúp cải thiện đáng kể cơ hội đủ điều kiện cho Việt Nam, khi châu Á có 8,5 suất tham dự. Tuy nhiên, để nói về World Cup 2022, các hành động cần phải bắt đầu ngay bây giờ, với đội tuyển U19, đội bóng tôi đang quản lý vào lúc này, vì trong chu kỳ năm 2026, các cầu thủ sẽ ở trong thời kỳ hoàng kim của họ. Trong khả năng hiện tại của mình, tôi đang hướng tới mục tiêu ngắn hạn, có nghĩa là giải vô địch U19 châu Á và hy vọng là FIFA World Cup U20”.
|
Việt Hà