Bè trầm của Cống hiến

Thứ Sáu, 29/3/2013, 1:48 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Họ là những cái tên ít sôi động nhất trong bảng đề cử xét trên bề mặt truyền thông nhưng những giá trị mà họ mang lại cho đời sống âm nhạc 2012 phản ảnh đúng những “cống hiến” thật sự. Họ tựa như những bè trầm của giải Cống Hiến nhưng nếu thiếu vắng họ, sẽ là một thiếu sót rất lớn.

Tạ Quang Thắng có lạ lẫm?

Trường hợp Country Rock của Tạ Quang Thắng có mặt trong bảng đề cử Album của năm của giải Cống hiến năm nay lại một lần nữa gây ra nhiều ý kiến mà ý kiến nhiều nhất là anh vẫn còn xa lạ với báo giới, đặc biệt là những nhà báo phía Nam, những người chưa biết nhiều đến album đầu tay của Tạ Quang Thắng. Vấn đề này một lần nữa lại đặt ra vấn đề liên quan đến chuyện quảng bá sản phẩm âm nhạc. Album phát hành vào đầu tháng 4/2012 và như thông thường, mỗi khi có sản phẩm âm nhạc mới thì các ca sĩ thường tổ chức họp báo giới thiệu đến báo giới. Nhưng trường hợp của Thắng thì ngược lại, không họp báo, không giới thiệu và khi giải Cống hiến công bố đề cử thì làm nhiều người hơi ngỡ ngàng.

Nhưng đó có thể chỉ là sự ngỡ ngàng của một phần nào đó báo giới khi vẫn còn rất nhiều người khác đã tự tìm nghe album này và có những ý kiến rất tích cực. Có nhiều nguyên nhân khiến Thắng không thể quảng bá album mình một cách rộng rãi trong ngày ra mắt, mà nguyên nhân quan trọng là không đủ kinh phí.



Ca sĩ Tạ Quang Thắng biểu diễn trong chương trình Bài hát Việt 2012

Tạ Quang Thắng là hình mẫu thật sự của mô hình indie (tự sáng tác, biểu diễn và tự sản xuất album). Gọi là hình mẫu thật sự bởi hiện nay phong trào indie (viết tắt của từ independent, nghĩa là độc lập) trong thị trường âm nhạc Việt phát triển khá rầm rộ nhưng phần lớn trong số ấy lại hoàn toàn mainstream (chính thống) nhưng lại sính mác “indie” để tạo tên tuổi.

Country Rock không phải là dự án xuyên suốt bởi chủ nhân của nó không đủ kinh phí để sản xuất một lúc toàn bộ album. “Góp gió thành bão”, Tạ Quang Thắng mỗi khi đủ tiền lại hì hục làm trọn vẹn một ca khúc từ trả tiền phối, hòa âm, thu thanh… và rồi khi đủ 8 bài anh mới ra được album đầu tay của mình.

Sự “lạ lẫm” của cái tên Tạ Quang Thắng cũng giống như trường hợp album Bộ đội của Thái Thùy Linh tại Cống hiến 2010 hay Đường về của Quái vật tí hon năm 2011. Đó là những album có giá trị cho đời sống âm nhạc trong năm đó nhưng lại thật sự không nhận được sự ưu ái một cách cần thiết của báo chí.

Đường về của Quái vật tí hon là một ví dụ. Trước đó, album này dù được đầu tư rất cẩn thận (thu âm tại Malaysia, ra mắt bằng buổi biểu diễn tại Yoko bar - TP.HCM…), nhưng dường như vẫn nằm ngoài vùng phủ sóng của truyền thông. Sự bất công này nằm ở chỗ rock Việt thường nằm ngoài hệ quy chiếu soi xét của báo giới bất chấp họ có những nỗ lực rất lớn, thậm chí nói một cách công bằng, rock Việt luôn nỗ lực hơn rất nhiều với những dòng nhạc đại chúng khác, nhưng đến giờ vẫn chưa được công nhận một cách tương xứng.

Quái vật tí hon cũng thế, và phải đến sau khi đề cử của Cống hiến thì nhiều người sau khi nghe album Đường về đã thật sự phải thay đổi thái độ và cái tên Nguyễn Công Hải (Hải “bột”), từ đó mới bắt đầu đi ra ánh sáng và lúc đó nhiều người mới “à” lên rằng hóa ra anh chàng này là “lead vocal” (hát chính) của nhóm Microwave năm xưa.

Ba năm liếp tiếp trong bảng đề cử của Cống hiến đều có những cái tên lạ-mà-không-lạ như thế. Năm nay là Tạ Quang Thắng. Nói dài dòng một chút về Nguyễn Công Hải là cũng để ngầm so sánh anh và Tạ Quang Thắng. Bởi cả hai đều mang hình mẫu một indie artist (nghệ sĩ độc lập) thật sự. Họ sáng tác, tự biểu diễn, tự sản xuất và quan trọng hơn, họ thật sự là những người trẻ tài năng. Nếu nhiều người còn nhớ, ngày xưa khi bản phối kiểu dân gian đương đại của hai ca khúc Bèo dạt mây trôiĐi học được ưa thích thì người thể hiện ca khúc ấy chính là bộ đôi Anh Khang - Tạ Quang Thắng, lúc ấy đang còn là những chàng học sinh cấp 3, chuyện ấy cũng đã gần 10 năm. Có một trùng hợp ngẫu nhiên là khi bộ đôi này nổi tiếng với hai ca khúc ở phía Bắc thì cùng thời điểm đó, tại TP.HCM, Nguyễn Công Hải cũng đã hát rất hay hai bài này cũng gần giống kiểu phối acoustic pha dân gian như vậy. Và tất cả đã phải mất gần một thập niên để chứng tỏ mình được như hôm nay. 

Nguyễn Công Hải đã làm một đường vòng để đi từ rock nước ngoài (nu metal, rap metal) và rồi có một style riêng cho mình như hiện nay. Hải cho rằng anh đi một đường vòng để trở về với đúng bản chất của âm nhạc mà anh theo đuổi: rock và tất cả những gì anh làm là muốn rock Việt thật sự có một ngôn ngữ riêng. 


Tạ Quang Thắng cũng vậy. Anh là con nhà nòi, có nôi làm nghệ thuật từ rất lâu. Bố Thắng là cố đạo diễn sân khấu Tạ Tạo, nguyên Phó giám đốc Nhà hát Tuồng Trung ương, còn mẹ là nghệ sĩ hát chèo. Từ nhỏ, những gì thuộc về âm nhạc mang tính dân tộc nhất đã ngấm vào Thắng như là bản chất. Lớn lên, Thắng học cổ điển tại nhạc viện và nghe country, blues, rock, jazz..., khác hẳn mạch của gia đình. Thế nhưng Thắng vẫn trả lời chắc nịch rằng: “Tôi không hề tách ra, tôi đang phát triển nó theo cách riêng của mình”.

Thắng tâm sự: “Khi tôi còn bé, tôi thường xuyên đi theo bố xem các vở diễn mà bố dựng, lớn lên học nhạc và tìm hiểu sâu hơn, tôi thấy nhạc nước ngoài có pentatonic cũng có rất nhiều nét tương đồng với âm nhạc truyền thống của Việt Nam, đó là cùng sử dụng 5 âm chứ không phải 7 âm như âm nhạc thính phòng phương Tây. Những người chơi guitar như tôi đều hiểu rằng ngũ cung là nền tảng của rất nhiều dòng nhạc trên thế giới như blues, country, rock và ở mỗi dòng nhạc nó lại có một đặc điểm riêng.

Chính vì thế mà trong các ca khúc tôi viết, tôi luôn cố gắng sử dụng tối đa sự tương đồng giữa ngũ cung Việt và phương Tây. Đó chính là lý do tại sao khi nghe nhạc của tôi, nghe cách hát của tôi, mọi người lại nói là có chút của rock, có chút luyến láy theo kiểu R&B và lại vẫn mang màu sắc dân gian. Tôi thấy hầu hết mọi người đều nói rằng nhạc tôi nghe rất Tây, chỉ có cái hồn Việt trong đó thôi. Nhưng thực chất ngay cả âm nhạc của tôi cũng phảng phất nét Việt đấy. Tôi luôn muốn kết hợp giữa nhạc truyền thống của dân tộc với những gì hiện đại của phương Tây một cách hài hòa nhất”.

Điều này có thể thấy rõ trong bài hát Chuyện người đánh cá, Thắng lồng ghép cả những câu hò của ngư dân vào nhưng cả toàn bài vẫn nhận ra màu country rock mà không bị chất dân ca phủ đều.

Country rock gợi lên tâm trạng của một thanh niên yêu đời, yêu cuộc sống và muốn chia sẻ điều ấy với người nghe. Thắng không lên gân, không hô hào khẩu hiệu, 8 ca khúc là 8 bài tự sự rất riêng theo kiểu của anh mà khi nghe ai cũng có thể cảm thấy mình cũng dự phần trong thế giới ấy. Sự thu hút của những album tự sự là những câu chuyện kể và giọng kể phải thật sự hấp dẫn. Câu chuyện của Thắng nhẹ nhàng, có những trải nghiệm riêng với sự mạnh mẽ trong cách hát, tình cảm dạt dào qua câu chữ lời ca. Đây có thể là một album “lạ” trong đời sống âm nhạc 2012 bởi có những câu chuyện to hơn tình yêu đôi lứa mà vẫn hấp dẫn, vẫn đi vào lòng người.

Từ Đi học cho đến Lá cờ, từ Bèo dạt mây trôi cho đến Viết tình ca là một sự thay đổi rất lớn của một chàng nghệ sĩ trẻ. Khi hỏi anh rằng liệu sự thay đổi này vẫn còn tiếp diễn? Thắng đã trả lời “Tôi vẫn là tôi thôi, vẫn theo đuổi dòng nhạc mà tôi yêu mến là country, vẫn viết tiếp giấc mơ của bố tôi về sự cách tân âm nhạc dân tộc và tất nhiên là tôi sẽ không ngừng tìm tòi, học hỏi và tiếp thu những cái mới của âm nhạc thế giới”.

Con đường Thắng đang đi, từ những ngày hát dưới mái trường cho đến phần thưởng của Bài hát Việt, của những ca khúc đồng hành cùng thanh niên… đang chứng tỏ Thắng đang đi lối riêng và xứng đáng nhận được nhiều sự quan tâm hơn.

Những giai điệu không già

Năm nay là lần đầu tiên chương trình Giai điệu trẻ góp mặt trong đề cử Cống hiến ở hạng mục Chương trình của năm. Chương trình này là sự kết hợp giữa Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM cùng Thành đoàn TP.HCM và thật sự là một chương trình lan tỏa rất mạnh nhưng không nhận được nhiều sự quan tâm của truyền thông.


Nhạc trưởng Lê Phi Phi trong chương trình Giai điệu trẻ chủ đề Rock Symphony

Ngày 29/12/2012, 15 phút trước khi chương trình Giai điệu trẻ với chủ đề Rock Symphony bắt đầu, Nhà hát TP.HCM không còn một chỗ trống, người quản lý nhà hát nói rằng đêm nay ít nhất cũng phải có hơn 700 khán giả, trong khi ghế cố định của nhà hát chỉ là 420. Lần đầu tiên tại TP.HCM, một chương trình nhạc cổ điển tại Nhà hát Lớn phải “bồi” thêm ghế phụ. Nhạc trưởng Trần Vương Thạch cho biết thêm, “lầu 2 và lầu 3 chúng tôi bán giảm giá còn 60.000 đồng cho sinh viên vậy mà cuối cùng phải huy động tất cả ghế có được để ghép thêm vào”.

Đêm hôm ấy nhạc trưởng Lê Phi Phi chỉ huy Rock Symphony và suốt thời gian biểu diễn khán giả dường như không còn ngồi trên ghế mà đều bật dậy nhảy múa cùng dàn nhạc.

Đây thật sự là một điều rất lạ trong đời sống âm nhạc cổ điển tại TP.HCM cho dù mô hình như Giai điệu trẻ không phải là mô hình mới lạ. Nhiều năm trước có thể thấy Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM hay Nhạc viện TP.HCM vẫn đi lưu diễn tại các trường đại học nhưng chưa bao giờ hiệu ứng lại tốt đến vậy.

“Điều này dễ giải thích thôi” - nhạc trưởng Trần Vương Thạch cho biết - “hàng năm chúng tôi vẫn đi diễn cho các bạn trẻ ở khắp nơi nhưng sự lưu diễn ấy không thường xuyên mà cách quãng khá lâu và vì thế không tạo được nhiều hiệu ứng. Còn lần này chúng tôi tổ chức định kỳ hàng tháng và quan trọng hơn, chúng tôi đổi món để gần hơn với giới trẻ và thay đổi kịch bản để hấp dẫn”.

Mà đúng là hấp dẫn thật. Trong đêm của Lê Phi Phi, nhiều bạn trẻ tròn mắt thích thú khi nghe lại bài My Heart Will Go on trong bộ phim Titanic được cả một dàn nhạc giao hưởng chơi “sống”. Thêm vào đó nhạc trưởng Lê Phi Phi giải thích cặn kẽ những điều hay trong ca khúc và cách phối nó trong dàn nhạc giao hưởng như thế nào.

Nhạc trưởng đã rất khéo khi chọn những bài gần gũi với giới trẻ để nói lên tầm cao của cổ điển. Giới trẻ bị thu hút bởi Yellow Submarine tân thời gần gũi với mình rồi cuối cùng tất cả đứng lên vỗ tay khi hiểu thế nào là vẻ đẹp của cổ điển lúc mà Lê Phi Phi chỉ huy bài Waltz jazz Suite No.2 của nhạc sĩ cổ điển Shostakovich, thêm vào đó anh lại cùng một nữ nhạc công cùng nhau nhảy điệu waltz theo bài.

“Tại sao đông? Một câu trả lời thật đơn giản là vì chương trình được lựa chọn phù hợp với trình độ nghe của lứa tuổi đó, và cách dẫn giải trên sân khấu của nhạc trưởng về tác phẩm, tác giả cũng tạo một hứng khởi mới cho các em. Nhạc cổ điển thường là nhạc không lời, cho nên nó rất trừu tượng, mỗi người có thể hiểu theo một cách khác nhau, nhưng khi mình hướng dẫn một cách cụ thể là nên cảm nhận tác phẩm đó như thế nào thì các em cũng sẽ hiểu và sẽ nghe chăm chú và thích thú hơn” - nhạc trưởng Lê Phi Phi giải thích.

“Cái chính là chúng tôi hạ mức độ xuống để thu hút công chúng trẻ rồi sau đó chúng tôi sẽ lại từ từ nâng lên. Trước tới nay chúng ta vẫn hay làm theo kiểu truyền thống và điều này ít nhiều gây sự “ngán” ở người nghe trẻ. Và, với những gì đã qua có thể nói chúng tôi rất vui mừng để có được thành quả này, dù mới chỉ là bắt đầu” - ông Trần Vương Thạch nói thêm.

Nhưng để vui mừng được thì Giai điệu trẻ cũng phải mất rất nhiều mồ hôi để đi đến được hôm nay. Ý tưởng về một chương trình định kỳ hàng tháng đã có từ rất lâu nhưng chưa bao giờ xin được kinh phí. Đến năm 2011 Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM quyết liệt xin thành phố kinh phí và lần này phối hợp cùng Thành đoàn. Năn nỉ mãi rồi cũng được chấp nhận.



Khán giả trẻ rất hào hứng đón chờ chương trình Giai điệu trẻ

Xin từ cuối năm 2010, đến tháng 6/2011 mới được gật đầu cho nên phải đến tháng 7/2011 chương trình mới bắt đầu công diễn. Điều này cũng giải thích cho nhiều câu hỏi là tại sao Giai điệu trẻ không mở màn từ đầu năm.

Hai năm liên tiếp, thành phố cấp định kỳ từng năm và năm nào cũng chỉ có thể bắt đầu từ tháng 7. Nhạc trưởng Trần Vương Thạch cho biết mỗi chương trình chỉ được cấp từ 70 đến 100 triệu đồng cho cả dàn nhạc và phải tự lo tất cả. Đây là số tiền không ít nhưng hoàn toàn lép vế so với những chương trình ca nhạc phổ thông.

“Nhưng chúng tôi vẫn lo liệu được và chúng tôi luôn phải đặt ra những kế hoạch mời những người nổi tiếng về giúp đỡ và những lúc như vậy phải cân đo đong đếm cho phù hợp để mời được họ về. Như Lê Phi Phi, anh ấy cực kỳ nhiệt tình giúp đỡ chương trình nhưng chúng tôi cũng phải trả tiền vé máy bay, khách sạn này nọ mà điều này đối với một chương trình có kinh phí như thế không phải là chuyện dễ dàng. Chúng tôi phải tiết kiệm vài tháng mới có đủ” - ông Trần Vương Thạch chia sẻ.

Có một sự so sánh thú vị giữa hai chương trình có mặt trong đề cử Cống hiến năm nay. Nếu như Luala Concert mang cổ điển ra đường phố để ai cũng có thể đến thưởng thức, không cần vé mua, vé mời, hay ăn mặc đẹp thì ngược lại Giai điệu trẻ lại mời công chúng vào nhà hát, được nghe âm thanh chuẩn nhất và “nên ăn mặc đẹp”. Kết quả là cả hai cùng thành công bởi cả hai đã xây dựng được một tinh thần văn minh khi nghe nhạc và cổ súy cho tinh thần cổ điển. Cái hay của cả hai chương trình là từ đó, công chúng biết đến nhiều hơn với cổ điển và quan trọng hơn nó xây dựng nền tảng kiến thức âm nhạc cho một thế hệ khán giả trẻ.

Nhưng có cái khác biệt là Luala Concert có kinh phí để đầu tư lâu dài còn Giai điệu trẻ đã đi xin nhiều nơi nhưng chẳng ai tài trợ. Có chút an ủi là từ năm 2013, sau hai năm thành công vang dội, Giai điệu trẻ sẽ được bắt đầu từ tháng 3 này và Sở Tài chính TP.HCM sẽ cấp thẳng cho chương trình mà không cần phải chờ duyệt từ thành phố. “Chương trình này tổ chức càng sớm càng tốt bởi chúng ta làm cái này đã quá muộn. Nhưng muộn còn hơn bỏ luôn”, nhạc trưởng Trần Vương Thạch kết luận 

Đề cử Cống Hiến lần 8 – 2013

I. BÀI HÁT CỦA NĂM

1. Chiếc khăn Piêu (nhạc sĩ Doãn Nho, ca sĩ Tùng Dương)

2. Chuyện như chưa bắt đầu (nhạc sĩ Hoàng Nhã, ca sĩ Mỹ Tâm)

3. Nhật ký của mẹ (nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, ca sĩ Hiền Thục)

4. Người hát tình ca (nhạc sĩ Lưu Thiên Hương, ca sĩ Uyên Linh)

II. NGHỆ SĨ MỚI CỦA NĂM

1. Phạm Thu Hà (ca sĩ)

2. Nguyễn Đình Thanh Tâm (ca sĩ)

3. Hương Tràm (ca sĩ)

4. Thái Trinh (ca sĩ - nhạc sĩ)

III. ALBUM CỦA NĂM

1. Classic meets chillout (Phạm Thu Hà)

2. Country rock (Tạ Quang Thắng)

3. Giấc mơ tôi (Uyên Linh)

4. Tuổi 25 (Lê Cát Trọng Lý)

IV. CHƯƠNG TRÌNH CỦA NĂM:

1. Giai điệu trẻ (Nhà hát GHNVK TP.HCM)

2. In The Spotlight (Công ty Mỹ Thanh)

3. Luala Concert Thu Đông (Công ty ĐX)

4. Rock Storm 2012 (MobiFone)

V. NHẠC SĨ CỦA NĂM

1. Nguyễn Văn Chung

2. Lưu Thiên Hương

3. Tạ Quang Thắng

4. Quốc Trung

VI. CA SĨ CỦA NĂM

1. Tùng Dương

2. Mỹ Linh

3. Uyên Linh

4. Mỹ Tâm

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 321/GP-BTTTT ngày 15/06/2016 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến