Tương lai xe bus, tàu điện… ra sao khi ‘sống chung’ covid?

Thứ Tư, 23/6/2021, 13:3 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Trong đợt tăng cường biện pháp giãn cách xã hội lần này, TP.HCM quyết định ngừng hoạt động của xe bus, xe liên tỉnh, taxi (truyền thống và công nghệ). Nói cách khác, phương tiện giao thông công cộng bị xem là một trong những “đối tượng” tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch.

Nhu cầu sắm xe hơi tăng, thị trường phục hồi nhanh chóng

Nhu cầu sắm xe hơi tăng, thị trường phục hồi nhanh chóng

So với cùng thời kỳ năm ngoái, khi dịch Covid mới bùng phát, thị trường ô tô đã có sự phục hồi nhanh chóng.

Đây không phải là phát hiện mới. Ngay từ khi đại dịch bùng phát làn sóng thứ nhất vào năm ngoái, không gian khép kín, dùng chung và ít giãn cách của các phương tiện giao thông công cộng (xe bus, tàu, thậm chí cả taxi) đã bị liệt vào danh sách kém an toàn do cơ chế lây nhiễm của virus Corona là phát tán trong không khí, khoảng cách càng gần và không gian càng khép kín càng tăng khả năng lây nhiễm. Tuy nhiên, phương tiện giao thông công cộng lại là giải pháp số 1 hiện nay để giải quyết nhu cầu di chuyển trên thế giới, đặc biệt tại các thành phố, đô thị, nơi mật độ giao thông siêu cao.

Là một trong những quốc gia chậm phát triển hệ thống giao thông công cộng, Việt Nam cũng đang gấp rút hoàn thành tuyến tàu điện ngầm đầu tiên ở TP.HCM, đường sắt trên cao ở Hà Nội, bên cạnh hệ thống xe bus nội thành cũng đang phát triển khá nhanh, xe bus điện sắp đi vào hoạt động… Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh thế giới đang xây dựng kế hoạch sống chung với đại dịch lâu dài (chứ không thể tiêu diệt nó hoàn toàn), tương lai của các phương tiện giao thông công cộng sẽ ra sao? Liệu có an toàn khi chúng ta tiếp tục đi lại bằng xe bus, tàu điện ngầm…?

Chú thích ảnh
Không gian khép kín và thiếu giãn cách trên xe bus là nguy cơ lây nhiễm cao trong đại dịch Covid-19

Các nhà khoa học Anh quốc đã dành thời gian nghiên cứu về vấn đề này bởi bus, tàu điện ngầm là phương tiện giao thông quan trọng, nếu không nói là hàng đầu, ở quốc gia này, đồng thời, nước Anh cũng là nơi vừa trải qua kinh nghiệm sâu sắc với đại dịch Covid-19.

Điều chắc chắn được các nhà khoa học khẳng định lại lần nữa rằng không gian kín và chia sẻ với nhiều người sẽ là nguy cơ tiềm tàng. Tiến sĩ Julian Tang, nhà virus học lâm sàng tại Đại học Leicester, cho biết : “Nếu bạn đủ gần để ngửi thấy hơi thở có mùi tỏi của ai đó trên phương tiện giao thông công cộng, thì bạn cũng có khả năng hít phải bất kỳ loại vi rút nào trong đó”.

Hai khuyến cáo hàng đầu cho người sử dụng phương tiện giao thông công cộng là: ĐEO KHẨU TRANG và MỞ CỬA SỔ càng nhiều càng tốt để có thể tạo nên luồng gió lưu thông. Điều này không chỉ cần thiết khi đi bus hay tàu điện đông người, mà cả khi sử dụng taxi hoặc bằng xe hơi cá nhân nhưng có đi cùng người khác.

Chú thích ảnh
Sử dụng khẩu trang là khuyến nghị hàng đầu của các chuyên gia về an toàn khi “sống chung” với Covid

Theo các nghiên cứu, khả năng nhiễm virus từ các bề mặt đồ vật thấp hơn nhiều so với cảnh báo trước đây. Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ CDC cho biết cơ hội bị nhiễm Covid từ các bề mặt đồ vật là dưới 1/10.000. Một nghiên cứu của Đại học Imperial College London hồi tháng 2 năm nay đã không tìm thấy virus Corona trên các thang cuốn, nút bấm và tay nắm cửa ở tàu hoặc xe bus. Tuy nhiên, các đơn vị vận hành vẫn được yêu cầu tăng cường vệ sinh phương tiện giao thông cũng như trên các xe bus và khoang tàu điện đều có sẵn nước rửa tay kháng khuẩn.

Và để tăng khoảng giãn cách giữa các hành khách, xe bus được khuyến cáo chở ít người hơn trong khi tàu được nối thêm nhiều toa hơn.

Riêng việc di chuyển bằng máy bay, theo các chuyên gia, nguy cơ lớn nhất không phải ở trên máy bay, mà ở hành trình di chuyển của hành khách trước khi lên máy bay và sau khi rời khỏi máy bay. Rủi ro lây nhiễm Covid-19 trên máy bay được cho là tương đối thấp do không khí bên trong cabin được lưu thông thường xuyên.

Hầu hết các máy bay đều có thệ thống lọc không khí dạng hạt hiệu quả cao, có khả năng ngăn chặn những hạt nhỏ hơn so với hệ thống điều hòa không khí thông thường, bao gồm cả một số virus, đồng thời nó trộn không khí trong lành từ bên ngoài máy bay với không khí đã có trong cabin. Tiến sĩ Julian Tang cho biết: Máy bay có lẽ là môi trường an toàn nhất trên hành tinh vì chúng có tốc độ thay đổi không khí 20-30 lần/giờ. Trong khi con số này ở một văn phòng thông thường chỉ là 2-4 lần/giờ và chỉ 4-6 lần/giờ ở các khu vực thông thường trong bệnh viện. Vấn đề của máy bay chỉ là khó để tạo khoảng cách xã hội với những người khác trên máy bay, vì vậy việc đeo khẩu trang vẫn rất quan trọng.

Hơn 37 triệu người ở Anh hiện đã được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những người được tiêm chủng ít có khả năng truyền virus hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa virus Corona sẽ bị bất hoạt hoàn toàn. Tiến sĩ Shengjie Lai, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Southampton, cho rằng một số biện pháp nên được duy trì, trong đó “đeo khẩu trang và rửa tay trên các phương tiện giao thông công cộng hay trong nhà ga, phòng chờ vẫn rất quan trọng".

Phan Ka (theo BBC)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến