(Thethaovanhoa.vn) - Xung quanh các nội dung tại dự thảo Thông tư về xây dựng quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022 của Cục Hàng không Việt Nam, có nhiều ý kiến khác nhau giữa các chuyên gia, hãng hàng không, người tiêu dùng về đề xuất áp dụng giá sàn vé máy bay.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các hãng hàng không tiếp tục thực hiện việc hạn chế số lượng chuyến bay từ các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Về phía hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines thông tin, giá sàn vé máy bay đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, nếu áp dụng giá sàn vé máy bay sẽ có ý nghĩa trong việc chống bán phá giá, giảm giá dưới giá thành giữa các hãng hàng không.
Đại diện Vietnam Airlines chỉ ra thực tế, việc áp sàn giá vé máy bay liên quan đến an toàn hàng không. Bởi quy định về an toàn hàng không rất cao, nếu các hãng hàng không đua nhau hạ giá vé máy bay thấp hơn chi phí giá thành của một chuyến bay sẽ làm ảnh hưởng đến chi phi bảo đảm an toàn hàng không. Trong trường hợp xảy ra vấn đề thì không chỉ liên quan một hãng hàng không, mà liên đới đến tất cả các hãng hàng không và nhất là an ninh hàng không quốc gia.
Tuy nhiên, hãng Hàng không Vietjet bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định tối thiểu (giá sàn) vé máy bay trên các tuyến bay nội địa. Theo lý giải của hãng này, quy định về giá sàn vé máy bay nội địa trong thời điểm hiện nay sẽ hạn chế quyền tiếp cận dịch vụ vận chuyển hàng không của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là những người bị mất việc làm và thu nhập do đại dịch COVID-19 khi có nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không.
Hơn nữa, đề xuất áp sàn giá vé máy bay đồng nghĩa với việc bắt buộc các hãng hàng không đồng loạt nâng giá vé trong khi đi lại là yếu tố thiết yếu trong chi phí sản xuất. Việc tăng giá vé máy bay không những làm khách nội địa giảm mà lượng khách quốc tế cũng giảm theo do chi phí du lịch tăng cao, kém cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Điều này có khả năng gây "hiệu ứng cánh bướm", ảnh hưởng đến lạm phát.
Chưa kể, lượng khách bùng nổ trong thời gian qua của hãng hàng không chi phí thấp không những có lợi cho hãng hàng không, mà còn góp phần không nhỏ vào ngân sách Nhà nước từ các khoản nộp thuế, thu hộ, thu từ ngành phụ trợ… Nếu áp dụng giá sàn khiến nhu cầu đi lại sụt giảm, nguồn thu quốc gia từ hoạt động hàng không sụt giảm và kéo theo hệ luỵ tới các ngành phụ trợ, dịch vụ.
Quan điểm của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, việc áp giá sàn vé máy bay sẽ vô hình trung làm mất đi lợi thế cạnh tranh và động lực phát triển của ngành hàng không từ các doanh nghiệp hàng không tư nhân.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống giải thích, thời gian qua, thị trường không có giá sàn và đang cạnh tranh rất tốt nhờ sự tham gia của các hãng hàng không tư nhân. Lượng khách di chuyển bằng đường hàng không tăng lên đáng kể; từ đó mang lại tăng trưởng không chỉ cho hãng hàng không tư nhân và hãng hàng không quốc gia cũng được hưởng lợi. Song nếu áp dụng sàn giá vé máy bay, xét về quy luật cung cấp, việc áp dụng giá sàn chắc chắn nâng giá vé trung bình tăng mà tăng giá vé sẽ làm giảm số lượng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến động lực phát triển của ngành hàng không nói riêng và nền kinh tế nói chung, chưa nói đến việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Dưới góc độ các công ty lữ hành đánh giá việc áp giá sàn vé máy bay có thể giúp khách hàng hưởng lợi khi cùng một mức giá mà có nhiều lựa chọn hãng bay khác với dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, về phía đơn vị kinh doanh lữ hành, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng khi lượng khách có thể giảm đi. Bởi, một trong những yếu tố thu hút số lượng lớn khách du lịch cả nội địa và quốc tế trong những năm qua phải kể đến vai trò của các hãng hàng không chi phí thấp, hãng hàng không giá rẻ.
Trước nhiều ý kiến khác nhau về việc áp dụng giá sàn vé máy bay, TS. Cấn Đình Lực cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải cần cân nhắc kỹ lưỡng theo hướng cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng. Từ đó tạo thuận lợi và đồng thuận giữa các doanh nghiệp trong việc khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.
Đưa ra luận điểm về giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, Vietjet cho rằng, trong khi thu nhập của người dân bị thâm hụt nặng nề trong thời gian giãn cách, nhu cầu đi lại, giao thông giảm mạnh, Cục Hàng không Việt Nam, Chính phủ cần chung tay hỗ trợ các hãng hàng không giảm giá vé để khuyến khích nhu cầu đi lại, phục hồi thị trường vận tải hàng không. Đồng thời, để tạo điều kiện hỗ trợ cho các hãng hành không vượt qua khó khăn, Vietjet đề nghị Chính phủ xem xét đề xuất được vay vốn với lãi suất ưu đãi và giảm giá các dịch vụ hàng không do Nhà nước định giá.
Ở khía cạnh khác, đối với hãng hàng không vừa thực hiện thành công chuyến bay thẳng đầu tiên tới Mỹ là Bamboo Airways, mối quan tâm chính hiện nay của hãng là xây dựng kế hoạch khôi phục các đường bay nội địa sau khi giãn cách, cũng như lộ trình các chuyến bay thẳng không dừng (non-stop) thương mại giữa Việt Nam và Mỹ tới đây. Đây sẽ động lực góp phần mở ra nhiều cơ hội mới cho thương mại, du lịch, dịch vụ Việt Nam giai đoạn tới.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến sản lượng vận chuyển hàng không sụt giảm mạnh. Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn phải duy trì đội tàu bay với số lượng tương đương, thậm chí lớn hơn số lượng tàu bay năm 2019.
Doanh thu sụt giảm mạnh, trong khi chi phí giảm không tương ứng với doanh thu dẫn đến các hãng hàng không bị đứt gãy dòng tiền thanh toán. Đây là những nguyên nhân chính tác động xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh vận chuyển hàng không, gây nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của các hãng hàng không. Cùng với đó, các hãng hàng không liên tục hạ giá bán để tối đa hóa hiệu suất sử dụng ghế trên tàu bay, tạo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh.
Đề xuất áp giá sàn vé máy bay được Cục Hàng không Việt Nam khẳng định là "chính sách áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết các khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19".
Diệp Anh - Ảnh: TTXVN