(Thethaovanhoa.vn) - Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, với chủ trương giảm dần tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập, trong năm học 2019-2020 thành phố dự kiến chỉ tuyển khoảng 70.000 em trong tổng số 105.000 học sinh đang học lớp 9 vào lớp 10 công lập (khoảng trên 66%, trong khi năm trước là khoảng 70%).
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2019-2020, thí sinh tham dự kỳ tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông sẽ thi 4 môn, thay vì thi 2 môn kết hợp xét tuyển học bạ 4 năm THCS như các năm trước.
Mục tiêu của thành phố là đến năm 2020 còn khoảng 60% học sinh vào lớp 10 công lập. Để thực hiện được mục tiêu trên, ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau cấp trung học cơ sở, giúp các em có định hướng lựa chọn ở nhiều loại hình học tập hơn.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập năm nay dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 2 và 3/6 với ba môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Kỳ thi năm nay có một số điểm mới, trong đó, học sinh sẽ không còn được cộng điểm nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển; môn ngoại ngữ ngoài tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, năm nay còn có thêm tiếng Đức nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh lớp 9 đang theo học ngoại ngữ này.
Ngoài ba môn bắt buộc, thí sinh thi vào lớp 10 chuyên sẽ thi thêm môn chuyên và thi thêm môn tích hợp nếu dự tuyển vào lớp 10 chương trình tích hợp.
Những thay đổi như không còn cộng điểm nghề, tỷ lệ tuyển sinh giảm khiến cuộc “đua” vào lớp 10 công lập của học sinh Thành phố Hồ Chí Minh càng trở nên căng thẳng hơn vì có khoảng 35.000 học sinh không thể vào lớp 10 công lập. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định, bên cạnh hệ thống trường công lập thì có nhiều loại hình học tập khác để các em lựa chọn. Cụ thể như trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trường ngoài lập, trường trung cấp nghề… Hàng năm, hệ thống các trường ngoài công lập tuyển khoảng 35.000 chỉ tiêu, đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh.
“Học sinh lớp 9 có học lực trung bình, yếu khi vào học lớp 10 rất “đuối”, thực tế tình trạng thi lại và học lại lớp 10 vẫn rất lớn, đặc biệt vùng ven, ngoại thành. Vì vậy, tùy vào năng lực của mình mà các em học sinh cần cân nhắc lựa chọn trường phù hợp với năng lực cũng như điều kiện đi lại của mình. Trong đó, học nghề là một lựa chọn phù hợp trong bối cảnh xã hội đang rất cần nguồn lao động trẻ, có tay nghề và trình độ tiếp cận công nghệ nhanh, cơ hội việc làm của các em khi ra trường rất tốt” – ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, với hướng ra đề thi tăng cường tính thực tiễn, vận dụng kiến thức đã học vào việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, học sinh tránh học tủ, học vẹt mà phải hiểu bản chất và vận dụng kiến thức chứ đề thi không kiểm tra kiến thức học thuộc lòng. Các em cần ôn tập kiến thức một cách hệ thống, nắm chắc kiến thức và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề.
Thu Hoài/TTXVN