(Thethaovanhoa.vn) - Vào mỗi dịp năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, đồng bào lo sửa sang, thăm viếng mồ mả, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên, người thân của mình. Lễ Tảo mộ cuối năm hay còn gọi là Lễ Chạp thường được tổ chức vào cuối tháng Chạp hằng năm, trước khi các gia đình sửa soạn làm mâm cơm Tất niên vào 30 Tết.
Tảo mộ ngày Tết là truyền thống tốt đẹp của người Việt theo quan điểm “uống nước nhớ nguồn”. Vậy nên tảo mộ vào những ngày nào và cần chuẩn bị những gì?
Tảo mộ cũng là thể hiện của tình cảm hướng về với nguồn cội "Con người có tổ có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn" cũng là một trong những việc hiếu đạo của con cái, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất.
Tảo mộ cuối năm, ngoài là một phong tục phổ biến của người dân Việt khắp mọi miền đất nước, còn là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét. Có những dòng tộc lớn thường có những ngày tảo mộ được quy định rất cụ thể, thường ghi trong gia phả như một truyền thống của dòng tộc để con cháu ở các thế hệ sau tiếp tục thực hiện, cũng để thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết đồng thời cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Lễ Chạp thường được tổ chức vào cuối tháng Chạp hằng năm, trước khi các gia đình sửa soạn làm mâm cơm Tất niên vào 30 Tết. Dù tất bật thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa, nhưng chốn quay về vẫn là gia đình. Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ, cũng là để thành tâm mời ông bà tổ tiên. Trong những ngày này, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.
Do đó, theo sau phong tục này ta có tục rước ông bà vào trưa ngày 30 âm lịch và đưa ông bà tổ tiên, thường là vào trưa mùng 3 hoặc mùng 4, tùy theo tập quán ở mỗi địa phương và nếp sống của mỗi gia đình. Thường thì ngày tiễn đưa ông bà cũng là ngày cuối cùng của những ngày nghỉ ngơi vui Tết, mọi người trong gia đình lại quay trở về với cuộc sống thường nhật, với những công việc phải làm, cùng với lòng tin là sẽ được tổ tiên phù hộ cho những ngày tiếp sau đó.
Những lưu ý khi đi tảo mộ
Không nên đi tảo mộ khi trời đã tối: Thời gian tốt nhất khi đi tảo mộ là những ngày ấm áp, tạnh ráo. Bạn không nên đi quá sớm khi sương chưa tan hay quá muộn khi trời đã tối. Bởi khi này không khí nặng nề, không tốt cho sức khỏe của người đi tảo mộ.
Không nên đi cúng tế ở nơi hẻo lánh tốt nhất nên đi những con đường mà mọi người hay đi để tránh gặp nguy hiểm. Hơn nữa, theo quan niệm phong thủy, đi đến những nơi như vậy sẽ dễ nhiễm khí lạnh, nếu như thật sự cần đi thì nên đi cùng nhiều người.
Khi đi cúng tế và tảo mộ cần phải chân thành trên đường đi nếu có mộ, dù đi hay đứng lại đều cần phải lễ độ cung kính. Trong quá trình tảo mộ không nên làm lộn xộn quá nhiều các mảnh đất vụn đá vụn để tránh ảnh hưởng đến xung quanh.
Mộ phần của tổ tiên cần phải được quét dọn cỏ dại thêm đất mới và hoa tươi, đừng quên quét dọn cả phía sau mộ. Khi làm mới lại diện mạo của mộ phần, trong lòng nhất thiết phải thật cung kính.
Không nên dẫm đạp lên mộ của nhà khác hoặc đá vào đồ cúng trên mộ của người khác, nếu không sẽ đem lại điều không may cho bản thân. Đặc biệt trẻ em khi đi tảo mộ cùng người lớn cần được lưu ý nhắc nhở.
Tất cả mọi người trong nhà đều có thể đi tảo mộ. Thông thường, tảo mộ là dịp để mọi người quây quần bên nhau, cùng nhớ về người đã khuất với lòng thành kính. Chính vì vậy, tất cả mọi người trong gia đình đều có thể tham gia hoạt động này. Tuy nhiên, riêng với trẻ nhỏ và bà bầu thì nên hạn chế. Bởi nghĩa trang là nơi có rất nhiều khí lạnh, các loại vi khuẩn sinh sôi từ thân thể những người đã mất. Chính vì vậy, đối với những bà bầu ở tháng cuối hay con trẻ dưới 1 -2 tuổi hoặc người đang ốm nên hạn chế đến đây. Bởi khi này, cơ thể bạn khá yếu, rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập, ảnh hưởng đến sức khỏe. Hoặc khi về nhà dễ bị nhiễm phong hàn hoặc một số bệnh thời khí. Nếu như con gái đi tảo mộ, tốt nhất là tránh trong thời kỳ hành kinh, sức khỏa không tốt.
Những bạn có khí trường yếu hay yếu bóng vía tốt nhất là về nhà bước qua chậu lửa hoặc rắc nước lá bưởi để xóa bỏ năng lượng xấu. Trong cuộc sống thường ngày chúng ta rất hay thấy có người đi tảo mộ về bị sốt hoặc cảm thấy không khỏe, cũng có thể dùng cách này để tránh.
Không chụp ảnh. Bởi vì tảo mộ cũng thường là khoảng thời gian người thân tụ tập lại với nhau, lúc này cần chú ý không được chụp ảnh tập thể ở xung quanh mộ.
Khi tảo mộ, cần chú ý sửa sang bốn phía của ngôi mộ. Thứ nhất là để tỏ lòng kính trọng với những người đã khuất, thứ hai là để xem xét tình hình của mộ. Nếu như xung quanh mộ có nước nước có thể vào bên trong hoặc vũng nước rất sát mộ sẽ có ảnh hưởng không tốt.
Nên mang hoa cúc, hoa lay ơn ra mộ: Bó hoa cúc/hoa lay ơn hoặc cây hoa cúc để cắm hoặc trồng cảnh phần mộ. Cũng có nơi người ta trồng cây xương rồng để bảo vệ mộ khỏi những tác nhân từ con người, động vật. Tuy nhiên, nó lại gây trở ngại khá nhiều khi bạn muốn dọn dẹp, thắp hương ở phần mộ nhà mình.
Mang theo lễ cúng: Khi ra tảo mộ cuối năm, bạn nên mang theo lễ cúng gồm 1 bộ tam sinh, giấy ngũ sắc, hương/nhang, đèn, quần áo mã, nước lọc sạch, rượu, trầu cau cùng hoa quả, bánh kẹo tùy gia chủ. Nếu kết hợp tảo mộ với hành lễ cúng “hàn long mạch” thì cần dùng nước ngũ vị, hàng the tưới xung quanh mộ và tạ lễ như khi mới an táng người mất.
Khi đi tảo mộ có thể chuẩn bị những đồ lễ
- Một con gà hoặc một khoanh giò, hay 2 lạng thịt nạc vai luộc
- 1 đĩa xôi hoặc bánh chưng, 1 đĩa gạo muối
- 1 bát nước, 1/2 lít rượu trắng
- 1 bao thuốc, 1 lạng chè
- 1 bộ quần áo quan Thần linh, mũ, hia tất cả màu đỏ, ngựa đỏ kiếm trắng
- 1 đinh vàng hoa, 10 lễ vàng tiền
- 4 cái oản đỏ
- 5 lá trầu và 5 quả cau
- 9 bông hồng đỏ và đĩa hoa quả (5 quả tròn).
Lưu ý: Nếu nhất thiết phải đầy đủ như trên, không có điều kiện chuẩn bị, người đi tảo mộ chỉ cần nén hương nhang và bông hoa cúc, quan trọng nhất là sự thành kính hướng về tổ tiên.
Sau khi chuẩn bị đồ lễ, con cháu sẽ kính cẩn, mời người đã khuất về ăn Tết cùng gia đình.
Bài Văn khấn tảo mộ để các gia đình tham khảo
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính lạy ngài Kim niên đương cai Lưu Vương hành khiển, Ngũ Ôn Chi Thần, Nguyễn Tào phán quan.
Kính lạy ngài bản cảnh Thành Hoàng Chính vị Đại Vương
Ngài bản xứ Thần Linh Thổ Địa Tôn Thần
Kính lạy các ngài ngũ phương, Ngũ Thổ Long Mạch Tôn Thần. Tiền Chu Tước, Hậu Huyền Vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn Thần cai quản trong xứ này.
Kính lạy hương cụ……………………………
Hôm nay là ngày……tháng……. nhằm tiết cuối đông sắp sang năm mới.
Chúng con là:………………………
Sắm sang vật phẩm, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình Tôn Thần, kính rước vong linh gia tiên của chúng con là (tên các vong linh):………………………………
Có phần mộ tại đây về với gia đình……… để cháu con phụng sự trong tết, báo đáp, tỏ lòng hiếu kính.
Cúi xin Tôn Thần phù thùy doãn hứa. Âm dương cách trở, bát nước nén hương hiếu tâm, lòng cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo!
Tham khảo mẫu Văn khấn tảo mộ từ cuốn Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB VHTT)
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. Con kính lạy ngài Địa tạng Vương Bồ Tát.
- Con kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế Chí đức Tôn thần, Kim niên hành binh, Công tào Phán quan.
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương quản cai nơi nghĩa trang.
- Con kính lạy Ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa Tôn thần.
- Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ Long Mạch Tôn thần, các ngài Tiền Chu tước, Hậu Huyền vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn Thần cai quản trong nơi nghĩa trang này.
Con kính lạy hương linh cụ:……………
Hôm nay là ngày… tháng Chạp, năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.
Tín chủ (chúng) con là:…………
Ngụ tại:…………
Chúng con sắm sanh phẩm vật, hương hoa trà quả, kim ngân tài mã, dâng hiến trình cáo Tôn thần, kính rước vong linh bản gia tiên tổ chúng con là:............có phần mộ táng tại……được về với gia đình đón mừng năm mới, để cho cháu con được phụng sự trong tiết xuân thiên, báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Tôn thần, Phủ thùy doãn hứa.
Âm dương cách trở. Bát nước nén hương. Thành tâm kính lễ. Cúi xin chứng giám. Phù hộ độ trì. Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần).
Khấn tạ mộ
Nếu kết hợp tảo mộ với, sửa sang, tu bổ và cúng tạ mộ hành lễ cúng “hàn long mạch” thì cần dùng nước ngũ vị, hàng the tưới xung quanh mộ và làm lễ tạ. Thủ tục khấn tạ một gồm có sắm lễ tạ mộ và đọc văn khấn tạ mộ.
Lễ tạ mộ phần là vấn đề mà hầu như ai cũng quan tâm. Bởi trong quan niệm của người Việt luôn nhớ tới nguồn cội, họ cho rằng phần âm có được yên ổn thì người dương mới có thể an cư lạc nghiệp. Chính vì thế, khoảng từ 24 hoặc 25 tháng Chạp mỗi năm rất nhiều gia đình Việt đi tạ mộ.
Cũng có những trường hợp khác phần mộ đã được yên ổn, luôn phù hộ cho gia đình gặp nhiều may mắn và thuận lợi thì họ có thể làm lễ tạ mộ với văn khấn tạ mộ để cảm ơn. Khi tạ mộ gia chủ có tâm, có tín, khấn lễ chu đáo thì thần linh, tổ tiên sẽ ban ân, ban phúc cho cuộc sống yên lành, mạnh khỏe, gia đình ấm êm, luôn vui tươi hạnh phúc. Không bao giờ phải lo lắng, mọi hung đều hóa cát, điều giữ hóa lành.
Quy trình khấn tạ mộ phần và nội dung văn khấn tạ mộ
Bước 1: Phần sắm lễ tạ mộ tùy theo điều kiện, lòng thành của gia chủ. Song thông thường có những vật cúng cơ bản sau:
Những đồ chuẩn bị để ra cúng tại phần mộ:
• Hương thơm
• 10 bông hoa hồng đỏ tươi
• 3 lá trầu, 3 quả cau có cành dài và đẹp
• 1 mâm trái cây
• 1 mâm xôi trắng có gà luộc nguyên con đặt lên trên (già trống thiến)
• Nửa lít rượu, 5 chén đựng rượu, 10 lon bia
• 2 bao thuốc lá, 2 gói chè
• 2 nến cốc màu đỏ
Phần mã thì có:
• 1 cây hoa vàng hoa đỏ
• 5 ông ngựa (đỏ, xanh, trắng, vàng, chàm tím)
• 5 bộ (mũ, áo, hia) loại to có kèm ngựa, cờ lệnh, kiếm và roi Lưu ý mỗi con ngựa trên lưng đều có 10 lễ tiền vàng (mỗi lễ bao gồm: tiền xu, tiền vàng lá, tiền âm phủ).
• 4 đĩa để tiềng vàng riêng :
Đĩa 1 : 3 đinh vàng lá, 1 đinh xu tiền
Đĩa 2: 1 đinh vàng lá, 7 đinh xu tiền
Đĩa 3: 9 đinh vàng lá, 1 đinh xu tiền
Đĩa 4: 1 đinh xu tiền
• Đối với vong linh tùy theo là nam, phụ, lão, ấu, mà có áo quần tương ứng dâng tiến cho phù hợp.
• Ngoài ra có tiền âm phủ các loại kèm theo, tiền xu, vàng lá… mỗi thứ ít nhiều.
Chú ý : nếu phần mộ nhỏ thì phải có thêm mâm, thêm bàn để bày lễ lên sao cho phù hợp.
Đối với nghĩa trang có nơi thờ thần linh Thổ địa riêng thì phải bày lễ hai nơi. Có nơi dâng cây đại thiếc (thay vàng hoa đỏ) Ngoài ra tùy theo phong tục tập quán ở mỗi nơi mà có sự gia giảm điều chỉnh thích ứng.
Bước 2: Đọc văn khấn văn khấn tạ mộ
Cùng với văn khấn tạ đất thì văn khấn tạ mộ cũng được rất nhiều người quan tâm. Bài văn khấn này là một cách giúp những người con, người cháu thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, từng yêu thương họ hay người thân của họ. Nội dung bài văn khấn tạ mộ như sau:
Nam mô a di đà phật!
Con kính lạy:
- Quan đương xứ thổ địa chính thần
- Thổ địa Ngũ phương Long mạch Tôn thần,
- Tiền thần Chu Tước, Hậu thần Huyền Vũ, Tả thần Thanh Long, Hữu thần Bạch Hổ
- Liệt vị Tôn thần cai quản ở xứ này.
- Con kính lạy vong linh ..........
Hôm nay là ngày…tháng…năm…, nhằm tiết ….. Chúng con là:............... Thành tâm sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Chư vị Tôn Thần về việc lễ tạ mộ phần.
Nguyên có vong linh thân nhân của gia đình chúng con là:……….hiện phần mộ an táng ở nơi này. Đội ơn Chư vị Tôn thần che chở, ban ân, vong linh được yên ổn vui tươi nơi chín suối. Lại nhờ có duyên lành, gia đình chúng con được vong linh thường về ghé thăm, linh ứng giúp chỉ dẫn các công các việc được đầu xuôi đuôi lọt, nhờ thế toàn gia được an ninh khang thái, từng bước tiến bộ. Nay nhằm ngày lành tháng tốt, gia đình chúng con sắm sửa lễ tạ mộ những mong báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Chư vị Tôn Thần lai giáng án tiền, nhận hưởng lễ vật, chứng minh tâm đức. Cúi mong vong linh chấp kỳ lễ bạc, lời kêu tiếng khấn, tờ đơn cánh sớ, tùy phương ứng biến, độ trì toàn gia, từ trẻ tới già, luôn được vui tươi, mạnh khỏe. Chúng con dâng biếu vong linh tài mã gồm: ….( đọc tên các đồ mã dâng cho vong) Âm dương cách trở, bát nước nén hương, giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
3. Văn khấn lễ âm phần Long mạch, Sơn thần Thổ phủ nơi nghĩa trang
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ, chư vị Tôn thần:
- Con kính lạy các ngài Thần linh bản xứ cai quản trong khu vực này.
Hôm nay là ngày:…………… Tín chủ (chúng) con là:………
Nhân tiết Thanh minh (hoặc là nhân tiết thu, tiết đông, hoặc nhân ngày lành tháng tốt...) tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương kính dâng trước án, kính mời chư vị Tôn thần lai lâm chiếu giám.
Gia đình chúng con có ngôi mộ của………………… táng tại xứ này, nay muốn sửa sang xây đắp (hoặc tảo mộ, bốc mộ…) vì vậy chúng con xin kính cáo các đấng Thần linh, Thổ công, Thổ phủ Long Mạch, Tiền Chu Tước, Hậu Huyền Vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ và Chư vị Tôn thần cai quản trong khu vực này, chúng con kính mời các vị chư Thần về đây chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, độ cho vong linh được an nhàn yên ổn, siêu thoát.
Cúi xin các vị phù hộ độ trì cho tín chủ chúng con toàn gia mạnh khỏe an bình, bốn mùa không tật ách, tám tiết hưởng thái bình. Nam mô a di Đà Phật! (3 lần).
Thảo Nhi