(Thethaovanhoa.vn) - Vào Tết Thanh minh, con cháu thường đi thăm viếng, tảo mộ và chăm sóc mộ phần của ông bà, tổ tiên để tỏ lòng thành kính. Trong ngày Tết Thanh minh, có một số điều kiêng kỵ để gia đình gặp may mắn, bình an.
Vào dịp Tết Thanh minh, người Việt Nam thường chuẩn bị mâm cúng, bài khấn thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ ông bà, tổ tiên.
Tết Thanh minh là ngày nào?
Tiết khí được sử dụng trong việc làm lịch của các nền văn minh phương Đông cổ đại trong đó có Việt Nam. Lịch tiết khí vừa gắn với tuần trăng, năm và thời tiết. Lịch tiết khí cũng được áp dụng vào nông nghiệp để thuận tiện cho việc canh tác theo thời tiết 4 mùa xuân, hạ, thu, đông.
Tiết Thanh minh là tiết thứ năm trong 24 tiết khí của một năm. Tiết Thanh minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Khi hết tiết Xuân Phân, những cơn mưa bụi, ẩm nồm của trời xuân đã hết. Bầu trời sáng sủa, trở nên quang đãng, trời trong gió mát là lúc sang tiết Thanh minh.
Ngày Thanh minh trong năm nào cũng rơi vào tháng 3 Âm lịch. Nhiều nơi còn gọi là Tết Thanh minh. Tiết Thanh minh năm 2022 bắt đầu vào ngày 5/4 Dương lịch, tức ngày 5/3 Âm lịch.
Trong quan niệm văn hóa của người Việt, vào Tết Thanh minh, con cháu thường đi thăm viếng, tảo mộ và chăm sóc mộ phần của ông bà, tổ tiên để tỏ lòng thành kính. Ngoài ra, nhiều gia đình muốn sửa sang, xây dựng lại mộ phần cho ông bà tổ tiên thường đợi đến ngày Thanh minh mới động thổ.
Những kiêng kỵ trong ngày Tết Thanh minh
Tết Thanh minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, gắn liền với phong tục truyền thống của người dân Việt Nam. Ngoài những lễ vật và việc làm cần chuẩn bị, mọi người cũng nên chú ý tới những điều kiêng kỵ vào dịp Tết Thanh minh để mọi việc luôn hanh thông, gặp nhiều may mắn.
Không nên cười đùa và mắng chửi
Khi đi tảo mộ, nhiều người dẫn theo trẻ nhỏ bắt đầu ăn uống, nói cười tại mộ phần, có người lại vì trẻ con phiền nhiễu mà lớn tiếng quát mắng. Những điều này là kiêng kị khi tảo mộ vì nó thể hiện sự bất kính với người đã khuất.
Không ăn mặc hở hang khi đi tảo mộ
Tục đi tảo mộ là đi sửa sang, săn sóc phần mộ của tổ tiên được khang trang, sạch sẽ. Bởi vậy, khi đi tảo mộ, nên ăn mặc kín đáo, lịch sự. Không nên mặc áo dây, quần ngắn hoặc váy hở hang.
Phụ nữ mang thai không nên đi tảo mộ
Phụ nữ đang mang thai hoặc người bị phong hàn, thấp khớp thì không nên đi tảo mộ. Khu vực nghĩa địa, nghĩa trang tồn tại nhiều năng lượng xấu, sẽ ảnh hưởng đến những người thuộc 3 nhóm trên.
Kiêng chụp ảnh nơi mộ địa
Tục tảo mộ cũng là khoảng thời gian các thành viên gia đình sum họp, tề tựu với nhau để chăm sóc phần mộ tổ tiên. Tuy nhiên, địa điểm này không phải là nơi thích hợp để chụp ảnh kỷ niệm. Bởi vậy, không khuyến khích chụp ảnh gia đình, ảnh kỷ niệm thân thiết ở khu vực nghĩa trang.
Không đi tảo mộ khi thân thể mệt mỏi
Nếu đang bị bệnh hoặc tình trạng sức khỏe không tốt thì bạn không nên tham gia tảo mộ. Nguyên nhân là vì lúc này, bạn đang trong trạng thái vận thế suy giảm, rất dễ gặp điều xui xẻo.
Không giẫm đạp, tự tiện động chạm vào phần mộ người khác
Khi đi tảo mộ, chỉ nên tập trung vào sửa sang, dọn dẹp, chăm sóc phần mộ thuộc dòng họ, gia đình, người thân của mình. Tránh việc đi ngang giẫm đạp lên mộ phần người khác hoặc tự tiện lấy đồ cúng của nhà khác. Điều này sẽ mang đến vận xui cho bạn.
Anh Tuấn (tổng hợp)