(Thethaovanhoa.vn) - Theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, chiều nay 26/12, Liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng, dầu cho kỳ điều hành mới.
Theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, chiều nay 26/1, Liên Bộ Công Thương Tài chính công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng, dầu cho kỳ điều hành mới.
Giá xăng tiếp tục tăng gần 400 đồng/lít
Liên Bộ Công Thương – Tài chính vừa thông báo điều chỉnh giá xăng, dầu áp dụng từ 15h ngày 26/12, tăng giá xăng khoảng 400 đồng/lít:
Xăng E5RON92 tăng 389 đồng/lít, không cao hơn 15.518 đồng/lít
Xăng RON95-III tăng 472 đồng/lít, không cao hơn 16.479 đồng/lít
Dầu diesel 0.05S tăng 484 đồng/lít, không cao hơn 12.376 đồng/lít
Dầu hỏa tăng 411 đồng/lít, không cao hơn 11.188 đồng/lít
Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 330 đồng/kg, không cao hơn 12.272 đồng/kg.
Liên Bộ cũng thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu, cụ thể: không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu, ngoại trừ mặt hàng xăng RON95 trích lập ở mức 100 đồng/lít; chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, cụ thể: thực hiện chi sử dụng Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 1.200 đồng/lít (kỳ trước là 1.000 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 350 đồng/lít (kỳ trước là 200 đồng/lít), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước), dầu hỏa chi ở mức 500 đồng/lít (kỳ trước là 400 đồng/lít); dầu mazut ở mức 200 đồng/kg (như kỳ trước).
Theo Liên Bộ, nếu không chi quỹ BOG với mức như trên, với giá xăng E5 RON92 sẽ tăng 1.589 đồng/lít và giá bán là 16.718 đồng/lít; xăng RON95 sẽ tăng 822 đồng/lít và giá bán là 16.829 đồng/lít; dầu diesel sẽ tăng 784 đồng/lít và giá bán là 12.676 đồng/lít; dầu hỏa sẽ tăng 911 đồng/lít và giá bán là 11.688 đồng/lít; dầu mazut sẽ tăng 530 đồng/kg và giá bán là 12.472 đồng/kg.
Giá xăng dầu thế giới trong 15 ngày vừa qua tăng giảm đan xem nhưng xu hướng chung là tăng khá cao (giá xăng dầu thành phẩm bình quân 15 ngày vừa qua tăng từ 4,3-6,7%). Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 26/12/2020, cụ thể: 53,360 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 3,34 USD/thùng, tương đương tăng 6,68% so với kỳ trước); 54,347 USD/thùng xăng RON95 (tăng 3,31 USD/thùng, tương đương tăng 6,48% so với kỳ trước); 55,321 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 3,06 USD/thùng, tương đương tăng 5,85% so với kỳ trước); 54,741 USD/thùng dầu hỏa 0.05S (tăng 3,25 USD/thùng, tương đương tăng 6,31% so với kỳ trước); 305,757 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 12,63 USD/tấn, tương đương tăng 4,31% so với kỳ trước).
Trong các kỳ điều hành gần đây, nhằm hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ BOG ở mức khá cao (hiện ở mức 200 đồng/lít/kg đến 1.000 đồng/lít đối với các loại xăng dầu).
Kỳ điều hành lần này, nếu không tiếp tục chi Quỹ BOG, giá các loại xăng dầu sẽ tăng so với giá hiện hành khoảng 530-1.589 đồng/lít. Để bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh đúng xu hướng biến động của giá xăng dầu thế giới, hạn chế tăng giá các mặt hàng xăng dầu, góp phần bình ổn giá hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, Liên Bộ Công Thương – Tài Chính quyết định tăng mức chi Quỹ BOG đối với các loại xăng và dầu.
Việc điều hành giá xăng dầu cũng góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020, làm tiền đề cho việc bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2021, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quy định nhưng không sớm hơn 15 giờ 00’ ngày 26 tháng 12 năm 2020.
Thời điểm trên cũng là thời điểm Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá cơ sở kỳ công bố cho đến trước ngày Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá cơ sở kỳ kế tiếp, việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quyết định phù hợp với các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư Liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC, Thông tư liên tịch số 90/2016/TTLT-BTC-BCT.
Giá xăng dầu hôm nay 26/12 có thể tăng mạnh?
Với việc giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore trong kỳ điều hành từ ngày 11/12 tăng mạnh từ 6 - 7%, giá xăng dầu được dự báo có thể điều chỉnh tăng tới 600 đồng/lít.
Dữ liệu của Bộ Công Thương, trong kỳ điều hành từ ngày 11/12, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore tiếp tục xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng pha chế xăng E5 RON 92 bình quân trên thị trường Singapore là 53,36 USD/thùng và giá xăng RON 95 là 54,3 USD/thùng, tăng khoảng 6-7% so với kỳ điều hành trước.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, theo ghi nhận, trong kỳ từ 11 – 25/12, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2021 đã tăng từ mức 47,21 USD/thùng lên 48,30 USD/thùng và giá dầu Brent giao tháng 2/2021 tăng từ mức 50,45 USD/thùng lên mức 51,37 USD thùng.
Với diễn biến như trên, nếu không có điều chỉnh các mức chi, trích Quỹ bình ổn giá xăng xăng dầu (Quỹ BOG), giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng mạnh, có thể lên tới 600 đồng/lít với xăng RON 95 và 400 đồng/lít với xăng E5 RON 92. Trong khi đó, giá dầu được dự báo tăng khoảng 400 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/12, với mục tiêu điều hành giá xăng dầu cũng góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu, cụ thể: không trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92, dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut; trích lập Quỹ BOG đối với xăng RO N95 ở mức 100 đồng/lít.
Mặt khác, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như sau: Giữ nguyên mức chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu ở mức E5 RON 92 là 1.000 đồng/lít, xăng RON 95 là 200 đồng/lít, dầu diesel là 300 đồng/lít, dầu mazut là 200 đồng/kg, riêng dầu hỏa chi ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít).
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5 RON 92 có giá không cao hơn 15.129 đồng/lít (tăng 635 đồng/lít so với giá hiện hành); Xăng RON 95-III có giá không cao hơn 16.007 đồng/lít (tăng 656 đồng/lít so với giá hiện hành); Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 11.892 đồng/lít (tăng 458 đồng/lít so với giá hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 10.777 đồng/lít (tăng 639 đồng/lít so với giá hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 11.942 đồng/kg (tăng 200 đồng/kg so với giá hiện hành).
Giá dầu thế giới chốt tuần Giáng Sinh với diễn biến trái chiều
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần vừa qua nhờ việc các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào cuối phiên trước khi thị trường nghỉ lễ Giáng Sinh, giữa bối cảnh Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit, chỉ việc Anh rời EU.
Kết thúc phiên 24/12, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 11 xu Mỹ, lên 48,23 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng nhích 9 xu Mỹ, lên 51,29 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm 1,6% và giá dầu Brent giảm 2%.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 23/12, giá dầu thế giới tăng khoảng 2%, do dự trữ dầu thô, xăng và các chế phẩm chưng cất từ dầu của Mỹ bất ngờ giảm, khiến giới đầu tư dấy lên hy vọng rằng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu đang tăng trở lại. Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu WTI giao kỳ hạn tăng 93 xu Mỹ (2%), lên 47,95 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tiến 96 xu Mỹ (1,9%), lên 51,04 USD/thùng
Báo cáo ngày 23/12 của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, cho hay dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 18/12 giảm 562.000 thùng, xuống 499,5 triệu thùng. Dự trữ xăng của nước này cũng bất ngờ giảm 1,1 triệu thùng trong cùng kỳ, xuống 237,8 triệu thùng, trong khi dự trữ các sản phẩm chưng cất cũng hạ mạnh hơn dự kiến, giảm 2,3 triệu thùng, xuống 148,9 triệu thùng.
Trái ngược với đà đi lên của hai phiên cuối tuần, trong phiên giao dịch 22/12, giá dầu thế giới đi xuống, giữa bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Vương quốc Anh làm dấy lên lo ngại đà phục hồi về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu. Trong bối cảnh biến thể thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều nước đã quyết định đóng cửa biên giới và cấm bay đến và từ Anh, nơi được coi là khởi nguồn của biến thể mới.
Chốt phiên này, giá dầu WTI giao tháng 2/2021 giảm 95 xu Mỹ xuống 47,02 USD/thùng, còn giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn giảm 83 xu Mỹ xuống 50,08 USD/thùng.
Các nhà giao dịch cho biết, trong phiên đầu tuần này (ngày 21/12) giá của cả hai loại dầu trên đều giảm gần 3% và gần như xóa bỏ đà tăng gần đây nhờ tiến triển trong quá trình sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19, vốn được coi là “chìa khóa” để đưa cuộc sống của người dân trên thế giới trở lại bình thường.
Thị trường năng lượng đã tăng mạnh kể từ cuối tháng 11/2020 khi vắc-xin ngừa COVID-19 được một số quốc gia phê chuẩn. Trên toàn thế giới, số ca lây nhiễm dịch COVID-19 tiếp tục tăng cao và triển vọng của các nhà đầu tư sẽ vẫn bị ảnh hưởng xấu bởi đại dịch trong vài tháng. Các biến thể của virus SARS-CoV-2 mới gây dịch COVID-19 có thể lây lan với tốc độ nhanh hơn, đang “tấn công” Anh, Nigeria và một số nước khác.
Thông qua việc đạt được thỏa thuận Brexit, Vương quốc Anh tránh được sự ra đi hỗn loạn khỏi một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới, điều mà nhiều nhà đầu tư cảnh báo có thể gây ra biến động lớn trên thị trường tài chính.
Nhóm P.V