(Thethaovanhoa.vn) - Giá vàng châu Á tăng nhẹ phiên chiều 10/6.
Giá vàng hôm nay, Thethaovanhoa.vn cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường về giá vàng trong nước và quốc tế.
Giá vàng tại thị trường châu Á trong phiên chiều 10/6 tiếp tục tăng khi các thị trường chứng khoán trên thế giới “tạm nghỉ” sau đợt tăng điểm trước đó trong khi các nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để nắm bắt tình trạng “sức khỏe” của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như khả năng triển khai các biện pháp kích thích kinh tế tiếp theo của Washington.
Vào lúc 14 giờ 02 phút ngày 10/6 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.716,11 USD/ounce, sau khi đã có ngày tăng giá tốt nhất trong 1 tháng qua là ngày 9/6. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2% lên 1.725 USD/ounce.
Vào lúc 15 giờ 34 phút ngày 10/6, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 48,42-48,77 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Sự sôi động của các thị trường tài chính trên thế giới đã “hạ nhiệt” khi xuất hiện những quan ngại về sự phục hồi của kinh tế thế giới sau giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ngoài ra, giá vàng cũng nhận được sự hỗ trợ khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sụt giảm.
Giới đầu tư đang chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed, dự kiến kết thúc vào lúc 1 giờ sáng 11/6 (giờ Việt Nam) và sau đó là cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Các quan chức Fed cũng sẽ công bố những dự báo về kinh tế đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 đã đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái hồi tháng 2/2020.
Theo Phillip Futures, các thương nhân trên thế giới đang tìm kiếm những “manh mối” từ Fed để đánh giá tính khả thi của kịch bản kinh tế Mỹ phục hồi nhanh sau giai đoạn sụt giảm mạnh hay liệu các nhà đầu tư chứng khoán có lạc quan quá không khi cho rằng sự phục hồi trên có thể sẽ diễn ra. Phillip Futures cho rằng nếu Fed đưa ra dự báo tiêu cực cho thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) thì nhu cầu của giới đầu tư sẽ chuyển hướng sang vàng.
Fed đã giảm lãi suất xuống gần 0% và thực hiện một loạt biện pháp kích thích để hạn chế những thiệt hại kinh tế do dịch COVID-19 gây ra. Lãi suất thấp và các biện pháp kích thích kinh tế thường khiến nhu cầu đối với vàng gia tăng trong bối cảnh kim loại quý này được coi là tài sản an toàn trong các giai đoạn kinh tế khó khăn và lạm phát tăng cao.
Trong khi đó, trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,6% lên 17,69 USD/ounce, giá palladium tăng 0,6% lên 1.952,69 USD/ounce và giá bạch kim tăng 0,2% lên 838,74 USD/ounce.
PNJ điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2020
Trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên thị trường, Công ty cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã phải điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2020 theo hướng thận trọng hơn, lợi nhuận sau thuế giảm tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 tổ chức ngày 10/6, PNJ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mục tiêu doanh thu 14.485 tỷ đồng, giảm tới 15% so với năm 2019. Chỉ tiêu lãi gộp và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 2.895 tỷ đồng và 832 tỷ đồng, giảm 16% và 30% so với cùng kỳ. So với kế hoạch định hướng công bố cuối tháng 2/2020, PNJ đã phải điều chỉnh giảm tới 31% về doanh thu và 38% về lợi nhuận.
Kế hoạch này được điều chỉnh dựa trên kết quả kinh doanh của PNJ trong 5 tháng đầu năm, nhất là giai đoạn dịch COVID-19 chưa được kiểm soát. Việc phải tạm đóng cửa phần lớn các cửa hàng trong toàn hệ thống trong thời gian giãn cách xã hội đầu tháng 4 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp này. Doanh thu thuần của PNJ trong tháng 4 chỉ đạt 501 tỷ đồng, giảm tới 47% so với cùng kỳ năm ngoái . Lợi nhuận sau thuế lỗ 89 tỷ đồng, trong khi tháng 4/2019 công ty lãi 53 tỷ đồng.
Theo nhận định của PNJ, trong 6 tháng cuối năm, tình hình kinh tế vẫn tồn tại nhiều thách thức và những tác động của đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Để vượt qua giai đoạn này, PNJ cho biết sẽ tiếp tục kiên định với các định hướng nhằm hướng đến giai đoạn tăng trưởng dài hạn mới.
Cụ thể, PNJ sẽ tiếp tục duy trì và phát triển vị thế tại các thị trường trọng điểm, gia tăng năng lực bán hàng trực tuyến; phát triển đồng bộ năng lực sản xuất, quản trị chuỗi cung ứng, marketing… để tạo sức mạnh toàn diện; tiếp tục chuẩn bị nguồn nhân lực đủ kiến thức, kinh nghiệm để tiến nhanh vào kỷ nguyên bán lẻ 4.0…
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, các cổ đông cũng thông qua phương án phát hành hơn 2,3 triệu cổ phiếu ESOP với giá phát hành 20.000 đồng cho các cán bộ nhân viên chủ chốt của công ty. Đồng thời, tiến hành bầu cử bổ sung 3 thành viên hội đồng quản trị vừa từ nhiệm.
Ngay sau đại hội, PNJ đồng loạt khai trương 9 cửa hàng mới, nâng tổng số cửa hàng trên toàn hệ thống lên gần 360 cửa hàng. Trong năm 2020, PNJ đặt mục tiêu mở mới 31 cửa hàng, mạng lưới bán lẻ và dự kiến cán mốc con số 377 vào cuối năm. Bên cạnh đó, hệ thống PNJWatch dự kiến sẽ tăng lên 54 cửa hàng khi tháng 6/2020 kết thúc, thay vì 44 cửa hàng như hiện nay.
Cùng với sự phát triển hệ thống thương mại điện tử, PNJ đặt mục tiêu hoàn thiện mạng lưới bán hàng đa kênh, năng lực bán lẻ được tăng cường để tranh thủ những thị trường còn đang bỏ trống sau đại dịch COVID-19…
Giá USD tại các ngân hàng giảm mạnh
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 10/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.222 VND/USD, giảm tiếp 10 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.919 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.525 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay giá USD và giá đồng Nhân dân tệ (NDT) cùng giảm mạnh.
Lúc 8 giờ 20 phút, giá USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 23.070 - 23.280 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 40 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm sáng qua.
Tại BIDV, giá USD cũng được niêm yết ở mức 23.110 - 23.290 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 30 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm sáng qua.
Giá đồng NDT tại BIDV cũng được niêm yết ở mức 3.233 - 3.324 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 6 đồng ở chiều mua và 8 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm sáng qua.
Tại Techcombank, giá đồng bạc xanh được điều chỉnh giảm 38 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm sáng qua, niêm yết ở mức 23.090 - 23.290 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.213 - 3.344 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 11 đồng ở chiều mua và 2 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm sáng qua.
Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên 9/6
Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch 9/6, với chỉ số Nasdaq Composite tiếp tục tăng lên mức kỷ lục mới, trong khi chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghiệp Dow Jones đảo chiều đi xuống.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,3% lên 9.953,75 điểm. Trong khi, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,1% xuống 27.272,30 điểm và chỉ số S&P 500 giảm 0,8% xuống 3.207,18 điểm.
Chuyên gia Peter Cardillo của Spartan Capital Securities cho rằng, các hoạt động chốt lời của giới đầu đã khiến chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghiệp Dow Jones mất điểm trong phiên này. Diễn biến trái chiều trên thị trường chứng khoán Mỹ diễn ra khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tiến hành cuộc họp chính sách trong hai ngày 9-10/6. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích dự báo sẽ ít thay đổi trong chính sách của Fed giữa lúc dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Fed đã hạ lãi suất cơ bản xuống mức 0% đồng thời tung ra hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Các biện pháp này đã giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán ngay cả khi nền kinh tế Mỹ vẫn đang "oằn mình" trong khó khăn do dịch bệnh.
Kết thúc phiên giao dịch 9/6, thị trường Việt Nam chứng kiến diễn biến trái chiều của hai chỉ số chính, trong đó chỉ số VN-INDEX giảm nhẹ 0,49 điểm, hay 0,05% xuống 899,43 điểm, trong khi chỉ số HNX-INDEX nhích thêm 0,03 điểm, hay 0,02% lên 120,13 điểm.
HOSE đã khắc phục được sự cố và giao dịch bình thường trở lại
Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa phát đi thông báo chính thức về việc khắc phục sự cố trong phiên ATC ngày 9/6.
Theo đó, HOSE cho biết sẽ tổ chức giao dịch trở lại bình thương kể từ ngày 10/6/2020.
Thông báo của HOSE cũng nêu rõ, giá tham chiếu cho ngày giao dịch 10/6/2020 là giá khớp lệnh cuối cùng trong ngày 9/6/2020. Trường hợp ngày giao dịch 9/6/2020 không có giá khớp lệnh, giá tham chiếu cho ngày giao dịch 10/6/2020 là giá đóng cửa của ngày 8/6/2020. (Độc giả có thể tham khảo giá tham chiếu tại bảng giá trực tuyến trên website hsx.vn).
Trước đó, vào chiều tối ngày 9/6, HOSE cho biết, vào phiên giao dịch ngày 9/6/2020, trong đợt khớp lệnh định kỳ giá đóng cửa đã xảy ra sự cố đối với hoạt động giao dịch tại HOSE.
Đây là loại sự cố “Hệ thống giao dịch không thể khớp lệnh trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa”.
Giá dầu châu Á giảm trước những lo ngại về tình trạng dư cung
Giá dầu châu Á giảm trong phiên giao dịch ngày 10/6 sau khi lượng dầu thô và nhiên liệu dự trữ của Mỹ gia tăng lại làm dấy lên những lo ngại về tình trạng dư cung và nhu cầu nhiên liệu giảm sút tại quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới này.
Vào lúc 13 giờ 36 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 67 xu Mỹ, hay 1,6%, xuống 40,51 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 80 xu Mỹ, hay 2,1%, và được giao dịch ở mức 38,14 USD/thùng.
Theo số liệu của Viện xăng dầu Mỹ (API), lượng dầu dự trữ của Mỹ đã tăng 8,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 5/6, trái ngược với dự đoán giảm 1,7 triệu thùng và giới phân tích đưa ra trước đó trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Trong khi đó, lượng dự trữ nhiên liệu dầu chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi ấm, đã tăng 4,3 triệu thùng, vượt xa mức tăng dự đoán 3 triệu thùng.
Về mặt cung, triển vọng nhu cầu dầu cũng không mấy khả quan, trước những số liệu cho thấy hoạt động tuyển dụng tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng Tư, cho thấy thị trường lao động của nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi.
Tại Nhật Bản, nước nhập khẩu dầu lớn thứ tư thế giới, tình hình cũng không khả quan hơn khi số đơn đặt hàng máy móc đã ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất trong hai năm qua trong tháng Tư.
Giá dầu đã được hỗ trợ trong những tuần gần đây nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi chung là OPEC+, đã đồng ý gia hạn vào ngày 6/6 vừa qua.
Nhưng Saudi Arabia, Kuwait và Các tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) cho biết họ sẽ không duy trì mức cắt giảm sản lượng bổ sung tự nguyện 1,18 triệu thùng/ngày.
7,7 triệu người Mỹ bị thôi việc trong tháng 4/2020
Trong báo cáo công bố ngày 9/6, Bộ Lao động Mỹ cho biết 7,7 triệu người ở nước này đã bị cho nghỉ việc trong tháng 4/2020. Số liệu này phản ánh mức độ nghiêm trọng của các tác động do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, buộc hàng nghìn cơ quan, nhà hàng, cửa hiệu và trường học trên khắp nước Mỹ phải đóng cửa.
Theo báo cáo trên, trong tháng 4 vừa qua, số việc làm có sẵn đã giảm 16% so với tháng trước đó, xuống còn 5 triệc việc, trong khi số việc làm thuê giảm 31% xuống 3,5 triệu việc. Số việc làm tuyển dụng cũng chứng kiến mức giảm mạnh.
Trước đó, báo cáo của Chính phủ Mỹ công bố ngày 5/6 cho thấy số việc làm tuyển dụng đã tăng trở lại trong tháng 5 vừa qua, với 2,5 triệu vị trí được bổ sung. Tuy nhiên, các vị trí này được cho là những nhân viên bị thôi việc tạm thời quay trở lại làm việc và chủ yếu là số việc làm bán thời gian.
Theo giới phân tích, những tháng sắp tới có thể là thách thức đối với nền kinh tế Mỹ do số việc làm tuyển dụng hằng tháng chỉ ở mức trung bình 60% trong năm 2019. Ước tính, mỗi một vị trí tuyển dụng có 4,6 người ứng tuyển, đồng nghĩa nền kinh tế số một thế giới sẽ cần thời gian để hồi phục trở lại ở mức trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Nhóm P.V