(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 8/7, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đợt 1 sẽ làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, hoặc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội theo đăng ký.
Sáng 15/7, Bộ Giáo dục và đào tạo công bố đáp án chính thức các môn thi trắc nghiệm gồm toán, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân của đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Liên tục cập nhật đề thi và đáp án mới nhất. Bấm F5
Đáp án môn Lịch sử kỳ thi THPT Quốc gia năm 2021 tất cả các mã đề: 301, 302, 303, 304, 305, 306, 307, 308, 309, 310, 311, 312, 313, 314, 315, 316, 317, 318, 319, 320, 321, 322, 323, 324.
Bài tổ hợp Khoa học tự nhiên gồm các môn thành phần: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Bài tổ hợp Khoa học xã hội gồm các môn thành phần: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Cả 2 bài thi sẽ bắt đầu tính giờ làm bài từ 7h35 phút. Mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp sẽ có thời gian làm bài 50 phút.
Sáng 8/7, các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã trải qua bài thi Khoa học Tự nhiên. Thethaovanhoa.vn cập nhật đề thi môn thành phần Lịch sử thi tốt nghiệp THPT 2021 chính thức của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh lưu ý, các môn thi thành phần trong mỗi bài thi tổ hợp có cùng một mã đề thi. Nếu không cùng mã đề thi, thí sinh phải báo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi chậm nhất 5 phút tính từ thời điểm phát đề thi; phải để đề thi dưới tờ phiếu trả lời trắc nghiệm, không được xem nội dung.
Thí sinh làm bài các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo lịch thi trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm. Hết thời gian làm bài của môn thi thành phần cuối cùng của thí sinh trong buổi thi bài thi tổ hợp, cán bộ coi thi mới thu phiếu trả lời trắc nghiệm.
Thí sinh chỉ được phép sử dụng Atlat trong giờ thi môn thi thành phần Địa lí của bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Trước khi vào phòng thi, thí sinh ghi rõ họ tên và số báo danh vào trang bìa của Atlat và nộp Atlat cho cán bộ coi thi để kiếm soát. Cán bộ coi thi giao lại Atlat cho thí sinh khi bắt đầu giờ làm bài môn thi Địa lí, thu lại ngay khi hết giờ làm bài môn thi này và chỉ trả lại cho thí sinh sau khi thí sinh hoàn thành môn thi cuối cùng của mình trong bài thi tổ hợp.
Với cán bộ coi thi, trong suốt thời gian thi bài thi tổ hợp phải giám sát chặt chẽ, không để thí sinh ghi chép các nội dung hoặc để lại các dấu hiệu liên quan đến đề thi ra các giấy tờ, tài liệu, vật dụng nào khác ngoài giấy nháp có chữ ký của cán bộ coi thi; phải kịp thời thu giữ các giấy tờ, tài liệu, vật dụng này nếu phát hiện vi phạm.
Môn Lịch sử trong tổ hợp Khoa học Xã hội làm khó nhiều thí sinh
Sáng 8/7, các thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021 tiếp tục làm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) hoặc tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) đối với chương trình giáo dục Trung học Phổ thông. Với giáo dục thường xuyên, riêng Tổ hợp Khoa học xã hội, thí sinh chỉ thi hai môn là Lịch sử và Địa lý, không phải thi môn Giáo dục công dân. Mỗi môn trong tổ hợp có thời gian làm bài 50 phút, thời gian nghỉ giữa các môn thi là 10 phút.
Cơn mưa nhẹ vào sáng sớm ở Hà Nội đã khiến không khí trở nên mát mẻ, giúp các thí sinh thoải mái hơn trong điều kiện phải đeo khẩu trang trong thời gian làm bài và phòng thi không được bật điều hòa để phòng, chống dịch COVID-19. Trong sáng 8/7, các điểm thi trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục quán triệt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thi, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình phòng, chống dịch, quyết tâm đảm bảo an toàn cho thí sinh và các cán bộ làm thi.
Sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học xã hội gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, thí sinh Hoàng Hà My, Trường Trung học Phổ thông Tạ Quang Bửu (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, đề thi Lịch sử hơi khó, có tính phân loại khá cao, nhiều câu mang tính suy luận. Đề thi hai môn Địa lý và Giáo dục công dân có phần dễ hơn và không có câu hỏi đánh đố thí sinh.
Thí sinh Trần Cẩm Ly, Trường Trung học Phổ thông Hồng Hà (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khá hài lòng với bài thi. Thí sinh này dự đoán Lịch sử và Địa lý nắm chắc điểm 6 trở lên, còn Giáo dục công dân thì em làm tốt hơn vì đề dễ dù hơi dài.
Thí sinh Nguyễn Phú Tiến, Trường Trung học Phổ thông Lương Văn Can (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, đề thi các môn trong Tổ hợp Khoa học xã hội khá dễ, nội dung hoàn toàn nằm trong chương trình học. Những thí sinh học trung bình khá cũng có thể được 5-6 điểm/môn.
Theo đánh giá của học sinh Đinh Khánh Hòa (Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An, Hà Nội), đề thi 3 môn thuộc tổ hợp Khoa học xã hội không khó, các kiến thức đã được thầy cô giáo giảng và lưu ý khá kỹ lưỡng. Bài thi Địa lý có khoảng 10 câu dùng bản đồ Atlats. Phần lý thuyết nhiều hơn bài tập nên đề thi không dài so với thời gian thi. Đề thi Lịch sử nhiều câu hỏi về lịch sử Việt Nam hơn lịch sử thế giới. Nhiều câu hỏi khá dễ, chỉ cần đọc kỹ đề là khoanh được đáp án đúng. Đề thi Giáo dục công dân không có câu hỏi lạ, nhưng tình huống đưa ra trong một vài câu liên quan đến nhiều nhân vật nên khi làm phải chú ý đọc đi đọc lại. Nói chung, đề thi tổ hợp Khoa học xã hội không khó để các bạn thí sinh năm nay đạt 7 điểm. Các bạn chỉ cần đủ điểm đỗ tốt nghiệp cũng thấy đề thi này nhẹ nhàng, vừa sức, không dài và phù hợp.
Tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội), các thí sinh rời phòng thi với tâm trạng khá thoải mái. Đánh giá chung của đa số thí sinh khi được hỏi, đề thi tổ hợp năm nay có môn khó, môn dễ, điểm trên trung bình thì dễ, nhưng điểm cao sẽ không nhiều.
Thí sinh Đinh Khánh Huyền (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, em thi tổ hợp Khoa học xã hội gồm các môn: Lịch sử, Địa Lý và Giáo dục công dân, mỗi môn 40 câu. Trong đó, đề thi môn Địa lý và Giáo dục công dân khá dễ, các câu hỏi tập trung trong chương trình ôn luyện. Riêng đề thi môn Lịch sử, với em hơi khó, bởi nhiều kiến thức là của lớp 11, em không nhớ rõ, vì chỉ chú trọng ôn luyện nhiều phần kiến thức của lớp 12. “Em không tin tưởng lắm vào kết quả bài thi môn Lịch sử, nên ước chừng mình được khoảng 5-6 điểm mà thôi”, Đinh Khánh Huyền chia sẻ.
Thí sinh Lương Quang Anh (Trường Trung học Phổ thông Lê Văn Thiêm, Hà Nội) cho rằng, đề thi tổ hợp Khoa học xã hội năm nay khá dễ, trong đó, môn Địa lý và Giáo dục công dân là rất dễ, khả năng được 7-8 điểm không khó. Riêng đề thi môn Lịch sử khó hơn, điểm sẽ thấp hơn các môn khác.
Theo ghi nhận trong sáng 8/7, tại Quảng Trị, thời tiết thuận lợi mát mẻ thí sinh làm bài tâm lý thoải mái tự tin. Sau khi kết thúc buổi thi về các bộ môn thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, phần lớn các thí sinh đều đánh giá đề thi năm nay bám sát chương trình ôn tập cũng như sách giáo khoa đã học. Đề bài không quá khó, các thí sinh có thể dễ dàng đạt điểm trung bình. Bên cạnh đó, có một số câu hỏi có tính phân loại cao.
Thí sinh Trần Thanh Nghĩa, dự thi tổ hợp Khoa học xã hội tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (thành phố Đông Hà, Quảng Trị) cho biết: Đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa, dễ dàng đạt được điểm trung bình. Các môn Giáo dục công dân, Địa lý em làm bài tốt, riêng môn Lịch sử hơi dài. Đối với đề thi năm nay, em nghĩ việc đạt điểm thi tốt nghiệp sẽ không quá sức với những học sinh có học lực trung bình và yếu nếu chịu khó ôn tập kỹ chương trình sách giáo khoa. Em nghĩ mình sẽ đạt được điểm tốt...
Về đề thi môn Giáo dục công dân, cô Ngô Thị Thảo, Trường Trung học phổ thông Ban Mai (quận Hà Đông) phân tích, đề thi bám sát đề thi minh họa, nội dung câu hỏi chủ yếu thuộc khối kiến thức pháp luật lớp 12. Những chuyên đề xuất hiện chủ yếu như: Thực hiện pháp luật; quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội; công dân với các quyền tự do; công dân với các quyền dân chủ, pháp luật với sự phát triển công dân… Một số câu hỏi tình huống gắn với thực tế như: Ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19; đời sống chính trị như nguyên tắc bầu cử… Cô Ngô Thị Thảo cho rằng, với đề thi này, học sinh dễ đạt từ 7 điểm trở lên.
Nhận xét về đề thi môn Lịch sử - môn thi đầu tiên trong bài thi Tổ hợp Khoa học xã hội, nhiều giáo viên cho rằng, đề thi bám sát nội dung chương trình lịch sử 11 và trọng tâm là lịch sử lớp 12. Các câu hỏi trắc nghiệm yêu cầu thí sinh phải nắm chắc kiến thức, không chỉ thuộc mà cần phải hiểu, phân tích, tư duy để lựa chọn đáp án. Phần Lịch sử thế giới ở mức độ nhận biết và thông hiểu, không có câu hỏi đánh đố học sinh, học sinh dễ lấy trọn điểm. Phần Lịch sử Việt Nam trải đều từ mức độ nhận biết đến vận dụng cao, câu hỏi yêu cầu phân hóa thí sinh cao, nhiều câu đi vào chi tiết, nhiều mốc thời gian khiến học sinh dễ bị bối rối, khó lựa chọn đáp án chính xác. Với đề thi năm nay, phổ điểm dao động từ 3-4,5 điểm. Đối với những học sinh lựa chọn điểm thi đại học, phổ điểm dao động từ 6-8 điểm.
Đối với môn Địa lý, cô giáo Bùi Thị Hậu, Trường Trung học Phổ thông Ban Mai cho rằng, đề thi gồm có 40 câu với hình thức trắc nghiệm tương tự như các năm trước. Điểm khác biệt lớn nhất về hình thức là những câu hỏi sử dụng Atlat được tách nhỏ, phân tán trong đề thi. Điều này yêu cầu học sinh cần phải có kỹ năng làm bài để không bị mất nhiều thời gian lật mở Atlat nhiều lần. Đề có sự phân hóa cao với ở các mức độ nhận thức từ nhận biết đến vận dụng. Số câu nhận biết và thông hiểu chiếm 75%, cấp độ vận dụng chiếm 25%. Số lượng câu hỏi ở cấp độ nhận biết chiếm phần lớn nhưng không quá dễ, các câu hỏi thông hiểu cũng đòi hỏi học sinh phải tư duy và hiểu sâu. Học sinh học tập nghiêm túc sẽ đạt được mức 5-6 điểm...
Theo báo cáo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong buổi thi sáng 8/7, toàn thành phố vắng 534 thí sinh. Trong đó, số thí sinh không dự thi do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là 167 (5 thí sinh F0, 26 thí sinh F1, 107 thí sinh F2 và 29 thí sinh trong diện bị phong tỏa). 3 thí sinh vi phạm quy chế thi. Sau buổi thi các môn tổ hợp, toàn bộ điểm thi trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục vệ sinh, khử khuẩn, bổ sung vật tư y tế để chuẩn bị đón thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ vào chiều 8/7.
Nhóm P.V