(Thethaovanhoa.vn) - Các đô thị lớn đang bắt đầu chịu tác động của những đợt gió mùa Đông Bắc tràn về. Tuy mới ở cường độ chưa mạnh nhưng đã gây ra những hiện tượng đặc trưng về ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Hà Nội là thành phố có mức ô nhiễm không khí cao nhất Đông Nam Á, theo nhiều ý kiến đánh giá tại Hội thảo Cải thiện chất lượng không khí và giao thông đô thị ngày 21-3 ở Hà Nội.
Không khí ô nhiễm hơn khi có gió mùa Đông Bắc
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thông thường các tháng Hè là mùa mưa nên chất lượng không khí tốt nhất trong năm, nhưng vẫn có những thời điểm điều kiện khí tượng bất thường làm cho nồng độ bụi tăng cao. Cụ thể như trong thời gian gần đây nồng độ bụi mịn tăng cao đột biến, chỉ số chất lượng không khí ở mức kém tại nhiều trạm quan trắc không khí ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía Nam ở mức cảnh báo có hại cho sức khỏe.
Theo ghi nhận từ một số ứng dụng quan trắc chất lượng không khí của Mỹ, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội ngày 26/8 là 145, các ngày 15-16/9 đều ở ngưỡng 150-170 là mức có hại cho sức khỏe (mức màu đỏ - ô nhiễm) ; ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/9 là 128, ngày 24/9 là 132, đều ở ngưỡng không tốt cho nhóm nhạy cảm (màu da cam). Thời điểm nồng độ bụi mịn lên cao nhất có thể do lặng gió, làm hạn chế việc luân chuyển các chất ô nhiễm lên tầng cao. Theo Cục Bảo vệ môi sinh Hoa Kỳ (EPA), chỉ số chất lượng không khí - AQI được chia thành sáu mức (sáu mảng màu khác nhau) theo cấp độ ô nhiễm tăng dần. Giá trị AQI trên 300 thể hiện chất lượng không khí nguy hiểm (màu nâu) và dưới 50 (màu xanh lá) thể hiện chất lượng không khí tốt.
Các chuyên gia khí tượng cho biết, khi chịu tác động của gió mùa Đông Bắc, nền nhiệt độ trong không khí khá cao cộng với sự di chuyển, biến động của các khối khí tầng trên đã nén khí tầng thấp, khiến cho lượng bụi mịn không thể khuếch tán. Bên cạnh đó, vào những ngày có độ ẩm cao, sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển bị hạn chế, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.
Đề cập về ô nhiễm hiện nay ở các thành phố lớn, ngày 24/9, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho rằng các chỉ số quan trắc về bụi mịn những ngày qua ở Thành phố Hồ Chí Minh ở mức cảnh báo ảnh hưởng đến sức khỏe con người ở nhóm nhạy cảm. Đặc biệt là hiện tượng mây mù bất thường do độ ẩm không khí cao và ảnh hưởng của cháy rừng ở Indonesia. Tuy vậy, để kết luận chính xác về tác động của cháy rừng cần có những bằng chứng xác thực hơn nữa. Dự báo, khi trạng thái thời tiết thay đổi bất thường, những ngày nóng xen kẽ những ngày giảm nhiệt độ mạnh do các đợt không khí lạnh tràn về, thì độ ẩm trong không khí cũng thay đổi bất thường sẽ khiến cho tình trạng ô nhiễm bụi mịn tiếp tục diễn ra.
Theo các nhà khoa học của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, nghịch nhiệt là một hiện tượng của khí quyển xảy ra khi nhiệt độ của lớp khí quyển trên cao lớn hơn nhiệt độ của lớp khí quyển phía dưới. Nghịch nhiệt xảy ra hầu như ở tất cả các thời điểm khác nhau của năm, thường xảy ra với tần suất cao vào mùa Đông khi không khí ổn định, đêm kéo dài và có không khí lạnh tràn về. Nhiều nghiên cứu tại Hà Nội đã chỉ ra hiện tượng nghịch nhiệt là một trong các nguyên nhân chính làm cho nồng độ các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn, tăng cao đột biến.
Khi xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp nghịch nhiệt đóng vai trò như một “chiếc mũ” làm dừng quá trình xáo trộn trong bầu khí quyển, khiến cho các chất ô nhiễm bị giữ lại trong môi trường không khí. Quá trình này làm nồng độ các chất ô nhiễm tăng cao khiến chất lượng môi trường không khí tại lớp gần bề mặt đất bị suy giảm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Tại các nước đang phát triển các nghiên cứu đã chứng minh rằng sức khỏe con người bị ảnh hưởng do tiếp xúc với môi trường không khí ô nhiễm trong những ngày xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt ngày càng tăng trong những năm gần đây. Nghịch nhiệt cũng làm gia tăng bệnh hô hấp cấp.
Kiểm soát nguồn phát sinh bụi ở đô thị
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như tăng cường phương tiện giao thông công cộng (để giảm mạnh các phương tiện giao thông cá nhân), nghiên cứu giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đi vào nội thành; khuyến khích sản xuất, sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện môi trường. Giảm thiểu nguồn thải tĩnh (công nghiệp) trong khu vực đô thị thì cần di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội thành ra các khu công nghiệp ở ngoại thành; giảm thiểu nguồn thải từ hoạt động xây dựng, từ mặt đường phố thì cần tăng cường vệ sinh mặt đường, sử dụng xe hút bụi, tưới nước.
Bên cạnh đó, việc quan trọng là tăng cường công tác thanh kiểm tra các đối tượng gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là các phương tiện giao thông, trong đó nghiên cứu giải pháp đăng kiểm đối với xe máy; nâng cao năng lực quan trắc, đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị và các phần mềm mô hình hóa chất lượng không khí; tăng cường công tác tuyên truyền, công bố thông tin về chất lượng không khí cho cộng đồng.
Tổ chức Hòa bình xanh cho rằng Việt Nam cần khẩn trương giảm phát thải ô nhiễm không khí ở những khu vực có chất lượng không khí kém bằng cách chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; chuyển đổi sang hệ thống giao thông bền vững, tăng cường các tiêu chuẩn phát thải và thực thi chế tài khí thải cho các nhà máy điện, khu chế xuất công nghiệp, phương tiện và các nguồn phát thải chính khác.
Việt Nam cũng cần chú trọng thực hiện một số giải pháp cụ thể như, kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng; tăng cường kiểm soát khí thải phát sinh từ các khu vực xử lý chất thải rắn nông thôn, làng nghề, cụm công nghiệp.
Ở những thời điểm ô nhiễm bụi tăng cao để phòng ngừa hít phải bụi mịn, các bác sỹ khuyến cáo người dân cần mang những loại khẩu trang có kích thước lọc nhỏ, hạn chế ra đường, nhất là vào giờ cao điểm, bởi vào thời điểm này nồng độ bụi mịn rất cao do lượng xe lưu thông lớn, kẹt xe làm gia tăng thời gian tiếp xúc với bụi mịn và làm tăng lượng bụi mịn đi vào cơ thể; hạn chế các hoạt động thể lực, thể thao gần đường giao thông, hạn chế hút thuốc lá, đốt hương.
Minh Nguyệt/TTXVN