Cách chăm sóc trẻ sơ sinh

Thứ Năm, 26/10/2017, 10:20 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Chăm sóc trẻ sơ sinh gồm chăm sóc thiết yếu ngay sau sinh và chăm sóc hàng ngày trong suốt một tháng đầu (tức trẻ được 30 ngày tuối).Đây là giai đoạn nhiều nguy cơ nhất trong cuộc đời trẻ vì trẻ phải thích nghi với cuộc sống độc lập khác hoàn toàn lúc trẻ còn trong lòng tử cung mẹ.

Trẻ phải tự thở, tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, tự chống lại các bệnh tật và đường tiêu hóa bắt đầu tự hoạt động để tiêu hóa thức ăn nuôi dưỡng cơ thể. Tất cả những thay đổi đó trẻ có nhiều nguy cơ như dễ ngạt do khó khăn trong điều hòa nhịp thở, dễ hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, dễ bị nhiễm khuẩn nếu không được bú mẹ sau sinh, do đó trẻ cần sự chăm sóc đặc biệt trong giai đoạn đầu đời này để giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển tốt nhất.

Ngay khi lọt lòng mẹ trẻ cần được giữ ấm cơ thể, được kích thích thở bình thường, được ăn sữa sớm, được chăm sóc vô trùng. Trẻ phải được sinh ra trong phòng sinh ấm áp, sạch sẽ, không có gió lùa, dụng cụ phòng sinh sạch sẽ, vô trùng.

Sau sinh trẻ phải được lau khô, giữ ấm, được kích thích thở, được bú mẹ ngay trong một giờ đầu để tận hưởng nguồn sữa non quý giá vì sữa non có nhiều kháng thể chống lại bệnh tật và nhiều acid amin dễ tiêu nhất mà không có loại sữa nào có thể thay thế được.

Bú sớm trong giờ đầu giúp tử cung mẹ co hồi tốt hơn giảm nguy cơ chảy máu cho mẹ, kích thích tiết sữa, kích thích điều hòa tốt nhịp tim, nhịp thở cho trẻ, đặc biệt khi mẹ cho bé bú tình cảm mẹ con sẽ tốt, mẹ cảm thấy hạnh phúc, bớt đau đớn do cuộc sinh gây ra.

Trong ngày đầu trẻ cần được nằm cùng giường với mẹ, được giữ ấm, bú theo nhu cầu và không nên tắm trẻ trước 6h sau sinh, cần theo dõi màu da trẻ, thường trẻ sẽ ngủ gần như 24h/ngày, chỉ thức khi đói bú.

Chăm sóc tiếp theo đến khi trẻ được 30 ngày tuổi

Trong thời gian này trẻ vẫn phải nằm trong phòng ấm áp, không có gió lùa, tuy nhiên phòng phải đầy đủ ánh sáng để theo dõi trẻ. Thông thường sau 2 -3 ngày trẻ xuất hiện vàng da nhẹ, nếu vàng da xuất hiện trước 2 ngày tuổi, hoặc vàng da tăng nhanh và ngày nhiều hơn, trẻ bú kém, ọc sữa, quấy nhiều thì phải được bác sĩ nhi khám, điều trị.

Tránh để trẻ tiếp xúc với người bị bệnh, đặc biệt người  bị cảm cúm, tuyệt đối không để khói bếp, khói thuốc lá trong phòng của trẻ.

Nhịp thở bình thường của trẻ từ 40-60 lần/ phút, nếu dưới hoặc nhanh hơn là bất thường.

Nhịp tim 120-140 lần/phút, thân nhiệt 36,5–C – 37–C (nhiệt độ cập nách)

Trẻ tiêu phân xu trong ngày đầu, nếu sau 24h trẻ chưa tiêu hoặc chưa đi tiểu là bất thường, cần tìm nguyên nhân để xử trí.

Chăm rốn: Cần chăm sóc liên tục, giữ rốn khô, sạch, thường rốn rụng sau 1 tuần, nếu trên 10 ngày chưa rụng cần kiểm tra rốn.

Cách chăm sóc rốn:

• Để hở, quấn tả dưới rốn

• Hạn chế sờ vào cuốn rốn, vùng quanh rốn

• Khi rốn dính phân, nước tiểu cần rửa sạch và lau khô

• Khi rốn chảy máu hoặc chân rốn rỉ dịch hôi, viêm đỏ chân rốn, vùng quanh rốn phải đưa trẻ đến cơ sở y tế khám

Chăm sóc mắt: Hàng ngày dùng khăn mềm, sạch, ấm, lau mắt từ trong ra ngoài.

Hàng ngày trẻ phải được tắm bằng nước ấm, lau khô ngay sau khi tắm gội.

Chú ý trẻ phải được nuôi bằng nguồn sữa mẹ hoàn toàn cho đến khi được 6 tháng tuổi, bú theo nhu cầu của trẻ cả ngày lẫn đêm. Sau sáu tháng tuổi trẻ mới bắt đầu ăn dậm.

Bs Phạm Ngọc Nương - Trưởng Khoa Nhi
(BV Hoàn Mỹ Cửu Long)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến