(Thethaovanhoa.vn) - Ông Quách Hoàng Mỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương cho biết: Theo thống kê từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có hơn 10 trường hợp mắc bệnh sởi, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.
Chị Lê Thị Tuyết, công nhân Khu công nghiệp Visip 1, Bình Dương cho biết: Do bận đi làm nên chị không thể đưa con đến các trung tâm y tế dự phòng tuyến phường, xã để tiêm phòng. Nhưng chị cũng nhận biết căn bệnh sởi dễ lây nhiễm ở trẻ nhỏ và dễ có biến chứng nguy hiểm nên chị đã đưa con tới cơ sở y tế tư nhân để tiêm và được tư vấn.
Trước thực trạng số ca nhiễm sởi tăng trên địa bàn, ngành Y tế Bình Dương khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa được tiêm vắc- xin sởi hoặc trẻ từ 18 tháng tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc- xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc - xin. Các phụ huynh nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban… cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị không để bệnh sởi biến chứng và diễn biến nặng.
Ngành Y tế Bình Dương đề nghị tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị dự phòng, các phòng y tế không chủ quan, lơ là trong hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn; triển khai việc khám sàng lọc, phân luồng cách ly ngay các trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo sang các trường hợp khác đến khám bệnh.
Ngoài ra, ngành Y tế tỉnh cũng chỉ đạo các cơ sở y tế từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục rà soát, thống kê các trường hợp chưa được tiêm vắc - xin sởi hoặc chưa được tiêm đầy đủ để tổ chức tiêm vét vắc xin sởi, đảm bảo ở quy mô xã, phường, đặc biệt là tại khu vực tập trung đông dân cư, các khu công nghiệp đạt ít nhất 95% số trẻ trong độ tuổi được tiêm phòng vắc xin sởi.
TTXVN/Huyền Trang
Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban; có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy... và có thể gây tử vong.