(Thethaovanhoa.vn) - Cuối cùng thì nỗi lo lắng của Antonio Conte về việc tìm chân sút thay thế Diego Costa đã dược giải tỏa khi Chelsea chính thức chiêu mộ thành công Alvaro Morata từ Real Madrid. Liệu tiền đạo Tây Ban Nha có phải là lựa chọn hoàn hảo cho The Blues?
Morata không phải lựa chọn số 1 của Conte
Vào thời điểm Antonio Conte nhắn tin thông báo cho Diego Costa biết anh không nằm trong kế hoạch của ông mùa tới thì chắc chắn chân sút thay thế Costa mà Conte nhắm đến khi đó không phải là Morata mà là Romelu Lukaku. Lukaku được liên hệ với Chelsea rất nhiều và từ rất sớm trong khi Morata cũng được liên hệ nhưng ở tần suất thấp hơn hẳn.
Vào thời điểm ấy, Man United mới là đội liên hệ với Morata nhiều nhất và Chelsea có lẽ đã chấp nhận để Morata tới Old Trafford. Việc The Blues tỏ ra thiếu quyết liệt trong việc theo đuổi Morata vào thời điểm họ còn chưa bị Man United hớt tay trên trong vụ Lukaku có thể được giải thích bằng 2 lí do.
Thứ nhất, Conte đã xác định Lukaku mới là mục tiêu mua sắm số 1 cho hàng công và thứ 2, ý nguyện của Morata khi đó là sang Man United chứ không phải Chelsea khi Mourinho vẫn được cho là gọi điện cho anh hàng ngày để củng cố niềm tin cho chân sút Tây Ban Nha. Nói thế để nhấn mạnh lại rằng Morata lúc đầu không hề là lựa chọn mua sắm số 1 của Conte cho hàng công Chelsea.
Nhưng vụ United chiêu mộ Lukaku khiến phương án 1 của Conte đổ bể và ông buộc phải chuyển sang phương án 2 là Morata. Cũng không khó lí giải vì sao Conte không coi Morata là mục tiêu mua sắm số 1 cho hàng công ngay từ đầu. Vấn đề không chỉ vì Morata khi đó đã chuẩn bị sẵn tinh thần gia nhập Man United mà quan trọng là Conte có lẽ không tin chắc Morata có thể lập tức thành công ở Premier League vì anh chưa hề có trải nghiệm ở giải này trong khi Lukaku là một đảm bảo cho chiến thắng xét trên góc độ hòa nhập.
Morata hay hơn Lukaku, Diego Costa?
Đương nhiên bản thân Morata có lẽ không nghĩ đến chuyện so sánh mình với Lukaku và Diego Costa nhưng bối cảnh thực tế của vụ chuyển nhượng khiến giới chuyên môn và truyền thông đặt ra những sự so sánh đấy như là điều tất yếu.
Đơn giản vì chân sút Tây Ban Nha được chọn chỉ sau khi Chelsea mua hụt Lukaku và sứ mệnh của anh là thay thế Diego Costa ở Stamford Bridge. Câu hỏi là: không phải lựa chọn số 1 của Conte, phải chăng Morata kém gây ấn tượng hơn Lukaku và Diego Costa? Đầu tiên chúng ta phải khẳng định nếu chỉ xét bằng thống kê đơn thuần thì hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử The Blues thậm chí còn làm tốt hơn những gì Lukaku và Costa đã làm được.
Morata chuẩn bị chuyển tới Chelsea với mức giá kỷ lục. Tiền đạo người Tây Ban Nha khẳng định không cảm thấy thất vọng về bất cứ điều gì, đồng thời nhấn mạnh nếu mọi chuyện theo đúng kế hoạch thì anh sẽ là người của The Blues trong nay mai.
Trong 3 mùa gần nhất, Morata chơi tổng cộng 89 trận ở giải VĐQG cho Juventus và Real Madrid nhưng chỉ có 41 trận đá chính trong khi Diego Costa đá chính 86 trận cho Chelsea ở Premier League cùng thời gian ấy còn Lukaku đá chính 104/110 trận cho Everton. Lukaku chơi tổng cộng 9316 phút, gấp hơn 2 lần thời gian ra sân của Morata (4103 phút) còn thời gian ra sân của Costa tổng cộng là 7550 phút trong 3 mùa qua.
Tương ứng với thời gian ra sân của mình, Lukaku ghi được 53 bàn thắng cho Everton ở Premier League, Costa ghi 52 bàn cho Chelsea trong khi Morata ghi 30 bàn cho Juve và Real ở Serie A và Liga. Để có 30 bàn thắng ấy, Morata cần 154 cú sút, Lukaku mất 333 cú sút để có 53 bàn còn Costa tung ra 255 cú sút để ghi 52 bàn. Tính bình quân trong 3 mùa qua, cứ 136,7 phút thì Morata lại ghi bàn trong khi Costa cần tới 145,2 phút còn Lukaku còn lâu hơn nữa với 175,7 phút mới có bàn thắng.
Tỷ lệ chuyển hóa các cú sút thành bàn thắng của Costa và Morata gần như nhau ở mức 20% trong đó Costa nhỉnh hơn một chút còn Lukaku chỉ đạt 15,9%. Mùa trước ở Liga, Morata chỉ mất 55 cú sút là đã ghi được 15 bàn thắng, đạt tỷ lệ chuyển hóa cú sút thành bàn thắng lên tới 27,3%, cao nhất trong số các cầu thủ ghi được ít nhất 10 bàn ở Liga mùa trước. Bình quân, cứ 88,7 phút là Morata lại ghi bàn ở Liga mùa vừa rồi, hiệu quả hơn cả Ronaldo và Luis Suarez và chỉ kém duy nhất Lionel Messi với 76,5 phút/bàn thắng.
Như vậy, xét về hiệu quả làm bàn, Morata còn xuất sắc hơn cả chân sút mà Conte đã mua hụt (Lukaku) lẫn chân sút mà ông quyết định loại bỏ (Diego Costa). Không chỉ ghi bàn hiệu quả, Morata kiến tạo cũng tuyệt vời. Dù thời gian ra sân ít hơn Lukaku và Costa nhiều, anh vẫn thực hiện được tổng cộng 16 đường kiến tạo trong 3 mùa gần nhất, ngang với Costa và chỉ kém 1 đường kiến tạo so với Lukaku. Bình quân, cứ 256,4 phút là Morata lại làm bóng cho đồng đội ghi bàn trong khi Costa mất tới 471,8 phút còn Lukaku trải qua 548 mới có 1 đường kiến tạo.
Như vậy, các con số thống kê đã cho chúng ta thấy ngay là Morata rõ ràng hiệu quả hơn Costa và Lukaku nên hoàn toàn không có nghĩa là Conte bất đắc dĩ phải mua vì hết lựa chọn. Nhưng có 2 vấn đề lớn khiến Morata bị nghi ngờ.
Thứ nhất, cả Lukaku và đặc biệt là Diego Costa đều đã chứng tỏ được tài năng của mình ở Premier League còn Morata hoàn toàn xa lạ với giải đấu. Dù đã chơi tốt ở cả Liga lẫn Serie A, Morata chưa hề bị đặt trước thách thức lớn nhất về tốc độ và thể lực mà Premier League đòi hỏi do Liga thiên nhiều hơn về kỹ thuật còn Serie A thiên nhiều về chiến thuật.
Thứ 2, cả Lukaku lẫn Diego Costa đều đóng vai trò “đầu tàu” và đã thể hiện tốt vai trò này (chân sút chủ lực) ở đội bóng của họ trong khi Morata chưa bao giờ phải gánh vác trọng trách này tại Juventus (nơi Carlos Tevez mới là số 1) và tại Real Madrid (nơi BBC xếp trên anh về thứ tự lựa chọn ưu tiên). Chính vì Morata chưa từng đối mặt với thách thức của chân sút số 1 trên hàng công mà ở Chelsea mùa tới thì nhiều khả năng anh phải lĩnh xướng trách nhiệm này nên liệu anh có làm tốt hay không vẫn là dấu hỏi.
Tuy nhiên, bất chấp những hoài nghi là có thật, vẫn có những yếu tố rất đáng kể ủng hộ Morata thành công ngoài các chỉ số thống kê. Chân sút 24 tuổi đã cho thấy khả năng thích ứng tốt với môi trường mới sau những gì thể hiện ở Juventus nên anh cũng hứa hẹn thành công ở Premier League khi được làm việc với một chuyên gia tâm lý có hạng như Antonio Conte.
Nếu Lukaku rất ít tỏa sáng ở trận lớn và chưa từng được kiểm chứng đẳng cấp ở Champions League thì Morata không chỉ đã chơi thành công cho cả hai đội bóng lớn là Real và Juve mà còn cực kỳ có duyên trong các trận quan trọng ở Champions League (từng phá lưới cả chính Real Madrid lẫn Barca). Về phẩm chất, Morata tuy không to khoẻ như Lukaku, không tì đè giỏi như Costa nhưng rất mạnh về tốc độ, di chuyển không bóng tốt nên hứa hẹn thích ứng với cả lối chơi tấn công chớp nhoáng lẫn phản công nhanh của Chelsea mà Conte ưa chuộng.
HT