(Thethaovanhoa.vn) - Khi luật công bằng tài chính của UEFA (FFP) chính thức có hiệu lực ở mùa 2013-2014, ai cũng nghĩ nó sẽ trở thành cái vòng kim cô siết chặt trên đầu những gã nhà giàu của bóng đá châu Âu nhưng với vụ mượn Lampard từ New York City FC, Man City đã qua mặt FFP rất ngoạn mục.
Điều đáng nói là họ vẫn đạt được mục đích mà không hề phạm luật. Như đã biết, FFP áp đặt với Man City mùa này (2014-2015) quy định rằng họ sẽ bị phạt nếu “vượt rào”, nếu chi tiêu ròng vượt quá 49 triệu bảng (tiền mua cầu thủ trừ đi tiền bán cầu thủ mà vẫn lớn hơn 49 triệu bảng thì bị coi là vi phạm FFP)
Vô hiệu hóa FFP bằng cách… đi đường vòng
Để chống lại luật này, Man City đã mượn Lampard miễn phí từ New York City FC. Chúng ta đều biết Lampard dù đã tuổi tác nhưng chơi ổn định và hiệu quả thế nào ở Chelsea. Vụ mượn Lampard miễn phí (vì New York City FC là đội bóng “con” của Man City) hoàn toàn có thể chỉ là sự khởi đầu cho một loạt các thương vụ khác mà Man City có thể thực hiện theo cách tương tự.
Đội vô địch Premier League có tới 17 “chân rết” khắp thế giới, nhiều nhất Premier League lúc này. 17 “cánh tay kéo dài” này có quan hệ với Man City dưới dạng đối tác hay thuộc sở hữu của The Citizens. Không cần nói đến những mục tiêu chiến lược khác, chỉ nói đến chuyện củng cố nguồn nhân lực thì Man City đã cũng vô hiệu hóa FFP quá ngoạn mục mà trớ trêu thay là họ vẫn rót tiền ra để làm điều đó.
FFP cấm Man City đổ tiền như nước vào TTCN mua sắm cầu thủ thì họ lại đổ tiền ra mua cổ phần, hoặc liên kết kinh doanh hoặc đồng sở hữu… những đội thể thao khác trong đó có các CLB bóng đá. Và điều này thì nằm ngoài phạm vi chi phối hay kiểm soát của FFP.
Trường hợp của New York City FC là ví dụ. Ông chủ Man City đã “rửa tiền” tinh vi bằng cách bỏ 100 triệu bảng mua lại đội bóng này, biến họ thành “sân sau” của Man City còn Lampard thì lại đầu quân cho New York City FC nên Man City thực chất đã “điều hàng” từ New York tới Manchester mà không tốn xu nào. Họ hoàn toàn có thể làm theo cách tương tự với David Villa nếu muốn vì tiền đạo người Tây Ban Nha chơi cho Melbourne City FC mà đội này cũng là “chi nhánh” của Man City.
Sẽ có những “Man City mới” trên TTCN châu Âu?
Man City vẫn vung tiền đầu tư nhưng phạm vi chi phối của FFP không thể “chạm” tới họ. Phần còn lại của Premier League dù có khó chịu thì cùng lắm cũng chỉ có thể chỉ trích như kiểu Arsene Wenger nghi ngờ lí do Man City mượn Lampard chứ không thể cáo buộc họ phạm luật.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Man City thực hiện chiến dịch củng cố nhân lực bằng cách lấy người từ hàng loạt đội bóng chi nhánh mà họ tạo ra? Và họ làm điều đó trong lúc phần lớn các đội bóng Premier League còn lại không thể làm điều tương tự. Thậm chí nhiều đội bóng lắm tiền khác ở châu Âu không thể làm theo vì hệ thống chân rết của các đội này hoặc chưa có hoặc kém xa Man City?
Và bằng cách tăng cường nhân lực tinh vi này, Man City vẫn vũ trang tốt cho mình trong lúc những đối thủ chỉ có thể chuyển nhượng bằng cách tạo ra sự cân bằng tương đối hay chênh lệch trong biên độ cho phép của FFP giữa dòng tiền chảy ra (mua cầu thủ) và dòng tiền chảy vào (bán cầu thủ)?
Chiêu thức của Man City cũng cho thấy kẽ hở của FFP và nó bộc lộ tầm nhìn chưa đủ sâu và rộng của UEFA trong việc định ra chế tài xử phạt những CLB phạm luật công bằng tài chính. Liệu UEFA có kiện toàn FFP hay không và nếu có thì bao giờ họ làm điều đó?
17 Man City có 17 CLB “chi nhánh” khắp thế giới
49 Theo luật công bằng tài chính (FFP), Man City sẽ bị phạt nếu chi tiêu ròng của họ trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2014 vượt quá 49 triệu bảng
24.8 Tính tới thời điểm mới nhất, chi phí ròng cho chuyển nhượng của Man City Hè 2014 là 24,8 triệu euro, vẫn hoàn toàn nằm trong giới hạn cho phép của FFP |
Trọng Tuệ
Thể thao & Văn hóa