(Thethaovanhoa.vn) – Mặc dù sở hữu một hình đắt giá nhưng Man United chỉ ghi được nhiều hơn 1 bàn/trận ở phân nửa số trận trên mọi mặt trận trong mùa giải này (18 lần sau 37 trận).
Chỉ có Zlatan Ibrahimovic là ghi được số bàn thắng nhiều hơn 1 con số (19 bàn). Riêng đấu trường Premier League,
“Quỷ đỏ” sở hữu vọn vẹn 33 bàn sau 23 trận, nhiều hơn đội xếp thứ 18 là Crystal Palace đúng 1 bàn.
Zlatan có 14 bàn tại giải Ngoại hạng nhưng những người ghi bàn nhiều thứ 2 của CLB là Juan Mata và Paul Pogba thì chỉ nổ súng 4 lần. Bên cạnh đó, chỉ có 9 cầu thủ trong đội hình là biết ghi bàn cho đến thời điểm này.
Với nhiều người, triết lý thực dụng của Jose Mourinho có thể là nguyên nhân chính nhưng trên thực tế, Man United mùa này thi đấu khá cống hiến, thậm chí sẵn sàng chấp nhận rủi ro ở hiệp 2 và đặc biệt là cuối trận.
Vậy, tại sao Man United lại không ghi được nhiều bàn thắng? Đã có rất nhiều trận hòa xảy ra và nó đang đe dọa không nhỏ cơ hội góp mặt ở Top 4 vào cuối mùa.
Ai là người đáng bị chỉ trích?
Nếu bạn muốn một lý do để biết tại sao Man United sẽ không thể vô địch Premier League và thậm chí có thể không chen chân được vào Top 4 thì không gì thuyết phục hơn là lấy trận hòa 1-1 với Stoke City làm dẫn chứng. Phần nào đó nữa là thất bại trước Hull City ở Bán kết cúp Liên đoàn.
Cả 2 trận, các đối thủ đều ghi bàn trước (dù là bàn thua 11m gây tranh cãi trước Hull) nhưng nếu bạn muốn mình là một ứng cử viên nặng ký cho vị trí Top 4 thì bạn phải biết cách lội ngược dòng. Với Man United, đó dường như là một điều xa xỉ. 3 trên 4 lần gần nhất để đối thủ ghi bàn trước tại Premier League, Man United đều không thể giành chiến thắng.
Nếu “Quỷ đỏ” để những đội bóng như Stoke mở tỉ số, họ sẽ gặp khó trong việc tìm kiếm bàn gỡ hòa. Khoảnh khắc xuất thần vào phút cuối của Wayne Rooney cũng chỉ chứng tỏ rõ hơn nhận định đó.
Vất vả khi gặp những hàng thủ ngoan cường
Luôn dễ dàng hơn cho những đội bóng yếu ở Premier League để phòng ngự thay vì ghi bàn. Hầu hết các HLV đều có thể tổ chức tốt một hàng thủ với quân số đông. Nếu những đội như Stoke ghi bàn trước, họ còn có thể khó chịu gấp bội với chiếc xe bus nhiều tầng, buộc đội bóng của Mourinho phải cần đến may mắn, penalty hoặc những tình huống cố định để thành công.
Phần lớn thời gian trong trận gặp Stoke và Hull, những pha lên bóng của Man United thường rất chậm. Họ chuyền quá nhiều, lặp đi lặp lại những pha rót bóng vào vòng cấm và việc của Stoke chỉ là phá bóng đi.
“Quỷ đỏ” là tập hợp của những cầu thủ chất lượng, thậm chí có vài cái tên ở đẳng cấp thế giới nhưng họ lại phụ thuộc quá nhiều vào Ibrahimovic. Ngoài ngôi sao người Thụy Điển, phần còn lại của Man United rất biết cách phung phí cơ hội trước khung thành. Ví dụ gần nhất là pha đệm bóng ra ngoài còn khó hơn vào trong của Mata trong trận gặp Stoke.
Phong cách chơi bóng
Công bằng mà nói, Man United dưới thời Mourinho “đỡ buồn ngủ” hơn nhiều so với họ của David Moyes và đặc biệt là Louis van Gaal. Dù là một HLV theo trường phái thực dụng nhưng Mourinho đã thúc giục các học trò tấn công rất nhiều ở mùa này, Trong tình thế bám đuổi, họ còn không ít lần thể hiện được tinh thần Sir Alex Ferguson với không dưới 2 lần bùng nổ ở những khoảnh khắc “Fergie Time”.
Man United có thể là một đội bóng phản công hay nhưng mỗi khi trong tình thế phải kiểm soát bóng, sự thanh thoát chưa được thể hiện rõ rệt. Không còn những pha chuyền về mỗi khi cầm bóng như thời Van Gaal nhưng mấu chốt là tốc độ chơi bóng vẫn còn quá chậm, vì thế áp lực nhiều khi chưa xứng tầm như cách một đội bóng lớn hạ gục đối thủ chiếu dưới.
Những cú sút, những % kiểm soát bóng
Sau trận đấu năm 2014 với Fulham, cựu HLV và lúc đó là thuyền trưởng Fulham René Meulensteen miêu tả chiến thuật của David Moyes là “ngây thơ” và “dễ dàng” để phòng ngự: “Tôi nghĩ chiến thuật của họ là khá ngây thơ, đẩy ra biên rồi đưa vào trong”.
Mặc dù Moyes đã ra đi nhưng cách chơi của Man United ở mùa này nhiều lúc rất giống hồi năm 2014. Như trong trận hòa 0-0 với Burnley, nơi mà “Quỷ đỏ” cầm bóng 72%, sút 37 lần nhưng không ghi được bàn nào.
Bỏ qua sự kín kẽ, quả cảm và đôi khi phi thường của đối phương thì Man United ngày càng dễ đoán hơn. Quan trọng hơn, các cầu thủ của họ thất bại trong việc ghi bàn trong vô vàn cơ hội.
Ví dụ, 37 cú dứt điểm thì chỉ có 11 lần trúng đích. Với một đội bóng trị giá 300 triệu bảng (bao gồm cả dự bị Fellaini và Depay), điều đó đơn giản là thảm họa.
Trong 2 trận gặp Stoke ở mùa này, Man United kiểm soát bóng 66%, tung ra 49 cú sút nhưng có tới 32 lần (65%) bóng đi không trúng đích và chỉ có 2 bàn thắng được ghi. Với Stoke, họ có 13 cú sút, 7 trúng đích và họ ghi 2 bàn. Vậy thì hàng công nào chơi hiệu quả hơn?
So sánh với chiến thắng 4-2 của Chelsea trước Stoke thì The Blues có 60% thời lượng kiểm soát bóng, 18 cú sút, 7 trúng đích và ghi 4 bàn.
Thời gian gần đây còn chỉ ra sự chậm chạp trong cách chơi của Man United ở hiệp 1, nhiều lúc hơi vội vàng trước khi tăng tốc trong hiệp 2 với những pha rót bóng bổng cho Fellaini và từng bị Juergen Klopp đá đểu.
Pogba là vấn đề?
Trận gặp Hull tại cúp Liên đoàn cho thấy chút ít thay đổi. Paul Pogba chơi nhô cao, xuất hiện trong vòng cấm nhiều hơn và ghi được một bàn thắng khá kỹ thuật. Nhưng nhìn chung bàn thắng là điều Pogba luôn thiếu. Anh phối hợp với Ibrahimovic rất ăn ý tuy nhiên điều đó không phải lúc nào cũng đi đôi với kết quả mong đợi.
Ibrahimovic chơi hay và ghi bàn đều đặn, anh sẵn sàng đá lùi để tạo khoảng trống cho đồng đội khi cần nhưng vẫn đầy hiệu quả trong vòng cấm. Khả năng dứt điểm thì không thể chê vào đâu được. Pogba thì khác, những pha dứt điểm của anh có tỉ lệ trúng đích khá thấp. Trước Stoke City, đáng ra Pogba đã có thể sớm mở tỉ số nếu dứt điểm sệt vào góc phải khung thành bằng chân phải thay vì thực hiện cú sút bằng chân trái.
Khi Man United không ghi được bàn trong hiệp 1 và đặc biệt là đối thủ lại mở tỉ số trước, bạn có thể nhận thấy sự tự tin tăng lên đáng kể dù có phải chơi ở Old Trafford.
Pogba, giống như Mata hay Carrick, có thể tạo ra những đường chuyền chết người nhưng tiền vệ người Pháp lại giữ bóng lâu hơn mức cần thiết, nhiều khi biểu diễn quá đà. Trước Liverpool, anh nhận được rất nhiều bóng nhưng cuối cùng thì hiệu quả mang lại gần như bằng không. Pogba chuyền dài cũng rất đáng nể (như trận gặp Hull City 0-0 mới đây) nhưng quả thật, lạm dụng nhiều đường chuyền dài quá đôi khi lại khiến độ nhuẫn nhuyễn trong cách lên bóng bị ảnh hưởng.
Giải pháp là gì?
“Quỷ đỏ” cần một ai đó có thể chơi gần và chia lửa với Ibrahimovic. Lúc đó, Man United có thể phải chuyển sang sơ đồ 4-4-2. Một phương án khác là sử dụng chiến thuật tương đồng Chelsea, chơi 3 trung vệ, 2 hậu vệ cánh dâng cao để làm nền tảng cho bộ 3 trên hàng công chuyên tâm công phá.
Penalty?
Chi tiết cũng rất đáng lưu tâm là Man United mới chỉ có 1 quả penalty sau 23 trận ở Premier League, kém xa con số 5 mà Arsenal, Liverpool, Man City và Tottenham được hưởng.
Liệu đó có phải do vấn đề trọng tài hay hàng công của họ không xuất hiện đủ nhiều trong vòng cấm để bị phạm lỗi? Tuy nhiên, điều đặc biệt là Chelsea mới chỉ 2 lần được hưởng phạt đền nhưng số bàn thắng họ ghi được hơn Man United tới 14 bàn. Nếu tính cả những đội phía trên Man United thì họ đều hơn thầy trò Mourinho từ 10 đến 18 bàn. Vì thế, vấn đề penalty rõ ràng không ảnh hưởng quá nhiều.
Bất kể lý do gì thì Man United cần biết chắt chiu hơn, cộng thêm may mắn và một vài tình huống 11m cho mục tiêu Top 4 ở phần còn lại mùa giải, nếu không, kết quả mà Mourinho tạo ra cũng chẳng khác gì những Moyes hay Louis van Gaal.
Từ Sơn
Theo Just Football