(Thethaovanhoa.vn) - Từ Porto, Chelsea, Inter Milan, cho đến Real Madrid, thành công của Jose Mourinho thường xuyên gắn liền với những hàng phòng thủ vững chắc. Man United có lẽ cũng không phải ngoại lệ
1. Hè 2013, David Moyes hầu như không mua sắm gì. Không tính hai cầu thủ trẻ Guillermo Varela và Saidy Janko, mãi đến ngày cuối của thị trường chuyển nhượng, ông mới mang về Marouane Fellaini, với giá 27,5 triệu bảng, đắt hơn 4 triệu bảng so với điều khoản giải phóng hợp đồng mà lẽ ra họ có thể kích hoạt nếu quyết mua sớm hơn.
Moyes phải trả giá khi bản hợp đồng 6 năm đã kết thúc chỉ sau… 10 tháng. Sau giai đoạn tạm quyền ngắn ngủi của Ryan Giggs là triều đại Louis van Gaal, người vừa đưa Hà Lan giành vị trí thứ ba tại World Cup 2014. Nhưng “tulip thép” vẫn mắc sai lầm chuyển nhượng, dù ông mua sắm rầm rộ hơn hẳn David Moyes.
Mùa 2014-15, Man United chia tay một loạt trụ cột giàu kinh nghiệm ở hàng thủ như Nemanja Vidic, Rio Ferdinand và Patrice Evra. Đổi lại, họ mang về Marcos Rojo, Luke Shaw và Timothy Fosu-Mensah, những cầu thủ 9X, và đều không phải trung vệ đích thực. Mùa sau đó, khi các CĐV kêu gào mua trung vệ, Van Gaal mang về Matteo Darmian, một hậu vệ cánh và đẩy nốt Jonny Evans khỏi Old Trafford.
Trái lại, những ngôi sao trái kèo và các cầu thủ tấn công vẫn liên tục được mang về. Từ Angel di Maria, Falcao (2014-15), đến Memphis Depay, Anthony Martial. Bài toán muôn thủa ở tuyến giữa tưởng chừng được giải quyết, nhưng rồi cả Schweinsteiger và Schneiderlin đều gây thất vọng. Sự bảo thủ của Van Gaal đã khiến ông phải trả giá bằng chính chiếc ghế của mình.
2. Mourinho có lẽ đã học hỏi từ những thất bại ấy và Man United mùa này không hề có dấu hiệu mua sắm hoảng loạn. Cầu thủ đầu tiên mà ông mang về Old Trafford là một trung vệ (Eric Bailly). Kế đó là một tiền đạo lớn (Zlatan Ibrahimovic), và một ngòi nổ tấn công (Mkhitaryan). Bộ khung này còn thiếu một tiền vệ trung tâm mạnh mẽ và đẳng cấp nữa (Pogba?).
Cộng đồng người hâm mộ Man United tỏ ra rất phấn khích trước màn trình diễn của Mkhitaryan trong trận ra mắt đội bóng.
Nhưng trong số 4 vị trí này, hẳn nhiều người vẫn cảm thấy lấn cấn về Eric Bailly. Ở trận ra mắt gặp Wigan vừa rồi, Bailly chơi không thực sự thuyết phục và thậm chí còn mắc một lỗi khá nghiêm trọng. Có thể, áp lực ở trận ra mắt, áp lực từ giá chuyển nhượng khổng lồ (30 triệu bảng) cũng như việc chưa có nhiều thời gian tập luyện với đồng đội mới khiến Bailly chơi chưa thuyết phục. Nhưng phải thừa nhận rằng trung vệ 22 tuổi này là bản hợp đồng cho tương lai, hơn là một trụ cột ngay lập tức ở hàng thủ Man United. Chính Mourinho, khi được hỏi rằng Bailly đã sẵn sàng cho Premier League chưa, đã thừa nhận rằng: “Tôi không rõ nữa”.
Bailly cần một đàn anh giàu kinh nghiệm chơi bên cạnh để chỉ bảo, và Man United ở thời kỳ hậu Ferdinand-Vidic, không có một “gia sư” nào như thế cả. Trong hai năm vừa qua, Chris Smalling đã trưởng thành khá nhiều, nhưng để khẳng định anh là một trung vệ đẳng cấp, khôn ngoan và giàu kinh nghiệm thì còn hơi sớm. Smalling, 26 tuổi, vẫn nằm giữa lằn ranh của một trung vệ lớn đáng tin cậy với một cầu thủ chưa phát triển hết năng lực.
3. Vì tất cả những lý do trên, sẽ không ngạc nhiên nếu thời gian tới, Mourinho lao vào thị trường chuyển nhượng để mang về một trung vệ đẳng cấp nữa. Quá khứ của ông là một minh chứng.
Thật vậy, thành công của Porto ở Champions League 2003-04 in đậm dấu ấn cặp trung vệ Jorge Costa-Ricardo Carvalho. Trong nhiệm kỳ đầu ở Chelsea, John Terry - Carvalho là bộ đôi thép ở hàng phòng ngự. Tại Inter Milan, đó là Lucio - Walter Samuel, còn ở Real Madrid là Pepe - Sergio Ramos. Khi Mourinho trở lại Chelsea và đưa họ giành Premier League 2014-15, Terry dù đã 34 tuổi vẫn chơi toàn bộ các trận đấu và suýt đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất năm.
Và hãy nhớ, Mourinho vẫn còn một tháng rưỡi nữa để xây dựng bộ khung hoàn chỉnh cho đội hình chiến thắng của mình ở mùa giải tới!
Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa