(Thethaovanhoa.vn) - Hat-trick vào lưới U21 Na Uy khiến Rashford nổi như cồn. Gần như chưa cầu thủ nào làm được như anh cả. Ra mắt đội 1 Man United (ở Europa League): Ghi cú đúp. Ra mắt Premier League (trước Arsenal): Ghi cú đúp. Ra mắt tuyển Anh (gặp Úc): Ghi bàn. Ra mắt U21 Anh: Hat-trick.
1.Và một thông tin nữa, hẳn khiến thành Manchester phải sôi lên vì tranh cãi. Trận derby Manchester đầu tiên của Rashford, vào tháng 3 vừa rồi, cũng Rashford ghi bàn duy nhất giúp Man United thắng Man City ngay trên sân Etihad. Không có gì có thể phủ nhận nữa, Rashford chính là hiện tượng của bóng đá Anh hôm nay.
Trong danh sách những tiền đạo Anh từng ghi hat-trick cho U21 có những cái tên lừng danh về sau như Shearer, Redknapp, Harry Kane và điều đó khiến nhiều người mơ về một tương lai tươi sáng cho Rashford. Điều đó càng làm làn sóng ủng hộ Rashford đá chính trận derby sắp tới trở nên mạnh mẽ hơn. Và chính ánh sáng từ Rashford cũng làm cho những chỉ trích Rooney có cơ sở hơn và nặng nề hơn. Cụ thể, chính tờ Mirror đã giật tít rằng “Rooney, anh không còn xứng mang băng đội trưởng nữa”. Phải chăng, cuộc vận động tước băng đội trưởng, tức là gián tiếp muốn đẩy Rooney lên ghế dự bị, là để dọn chỗ cho Rashford, một “từ khoá” mới toanh mang đầy niềm tin và hi vọng cho người Anh?
Dường như, với người Anh, một hiện thân của một siêu sao trong tương lai đã bắt đầu thành hình, trong đôi chân của Rashford???
2. Nhưng cũng có thể sẽ là một Rashford phiên bản thui chột được trình làng trong tương lai. Nước Anh đã từng chứng kiến nhiều “thần đồng” không bao giờ lớn mà một trong những phiên bản lỗi kiểu ấy là Theo Walcott. Thậm chí, có người còn mê tín khi lấy Peter Ward ra để làm cái “điềm” ám Rashford. Cũng giống Rashford, Peter Ward ra mắt U21 Anh trong trận gặp U21 Na Uy, vào năm 1977. Anh cũng ghi được 6 bàn (thắng 6-0) và Peter Ward lập hat-trick. Nhưng sau đó thì sao? Trung phong của Brighton chỉ 1 lần khoác áo tuyển Anh và chưa bao giờ nếm mùi ghi bàn cho đội 1 Tam sư cả.
Về lý, cũng có nhiều cơ sở để nghi ngờ khả năng phát triển của Rashford, khi anh đang ở trong một hoàn cảnh không thuận lợi. Tại Man United, Rashford vẫn phải cạnh tranh vị trí và nếu không được ra sân đều, anh có thể đánh mất bản năng săn bàn. Trong khi đó, ở đội tuyển, hàng công của tuyển Anh đang chật chội với vị trí tiền đạo (cả trung phong lẫn tiền đạo cánh) có quá nhiều tên tuổi đang nổi danh như Kane, Vardy, Sturridge, Lallana, Sterling, Rooney… Như vậy, Rashford sẽ phải chiến đấu cật lực hơn người khác nếu muốn có một vị trí để chứng tỏ độ sắc bén của mình. Và nếu anh thất bại trong cuộc chiến đấu đó, dù lý do không phải do anh, mà do lựa chọn bảo thủ của Mourinho và Allardyce, có thể anh sẽ trở thành một “tiền đạo làng” trong tương lai.
3. Vậy thì sẽ là Rashford nào đây? Một phiên bản lẫy lừng hay một thần đồng thui chột?
Tất cả phụ thuộc vào chính Rashford hết, đặc biệt là ở tinh thần và ý chí. May thay, ở điểm này, chúng ta đang có một Rashford-kiểu-Ibra và bởi thế, anh cũng sẽ hứa hẹn bừng sáng thực sự, thậm chí đủ sức đẩy những cái tên lớn hơn phải đi chỗ khác chơi trong một thời gian không quá dài.
Thứ nhất, Rashford thuộc loại bản lĩnh. Chính đồng đội và HLV của anh phải nhận xét rằng “cậu ấy chẳng biết sợ là gì, kể cả khi đối diện những danh thủ lớn”. Cái cách vào sân bằng sự kiêu hãnh tự tôn đó chắc chắn sẽ mang lại cho Rashford sự tự tin lớn, giống như Ibra ngày còn trẻ. Và chỉ cầu thủ nào có bản lĩnh đối đầu, người đó mới phát triển được.
Thứ hai, Rashford rất quái, sự tinh quái mà nhiều cầu thủ ở độ tuổi của anh không có. Rashford cho người ta cảm giác anh không có tốc độ. Ấy vậy mà anh thuộc diện siêu nhanh. Rashford cho người ta cảm giác anh lóng ngóng. Ấy vậy mà anh xuất hiện cực đúng lúc, đúng chỗ. Đó chính là biểu hiện của sự tinh quái, biết đánh lừa người ta bằng vẻ ngoài. Và một cầu thủ tinh quái thì rất nhiều khả năng trở thành danh thủ.
Tương lai nào cho Rashford, đó vẫn là câu hỏi. Nhưng tất nhiên, chúng ta nên nghiêng về hướng anh sẽ là một siêu sao.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa