QUAN ĐIỂM: Mùa hè kỉ lục của Premier League và thảm họa trong tương lai gần

Thứ Năm, 1/9/2016, 20:46 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn)- Trước trận giao hữu đầu mùa của Liverpool hồi tháng Bảy, HLV Juergen Klopp triệu Mario Balotelli đến văn phòng để nói chuyện riêng. Đó là cuộc gặp bắt buộc phải có.  

1. Balotelli, như Klopp giải thích, sẽ không có chỗ trong những trận giao hữu của Liverpool, cũng không được mời đi tour du đấu Mỹ cùng đội. Bầu không khí buổi nói chuyện rất thân mật, song thông điệp của Klopp thì rõ ràng: Balotelli cần tìm một bến đỗ mới. Màn nhung sân Anfield đã khép lại với anh.

Vài tuần sau đó, đến lượt Jose Mourinho làm việc tương tự với Bastian Schweinsteiger. Chỉ một năm trước, người tiền nhiệm của Mourinho ở Man United, Louis van Gaal, đã khó khăn lắm mới thuyết phục được Schweinsteiger, cựu đội trưởng tuyển Đức, rời Bayern Munich đến giúp đỡ ông với mức lương 245 nghìn bảng/tuần. Van Gaal, từng huấn luyện Schweini ở Bayern, bảo tiền vệ này không chỉ giàu kinh nghiệm và có cái đầu lạnh đúng kiểu ông cần, mà còn là Cánh tay phải của HLV người Hà Lan, cả trên sân cỏ và phòng thay đồ.

Mourinho thì nghĩ khác. Trở về từ kỳ nghỉ dài sau chiến dịch EURO 2016 thất bại ở Bán kết cùng tuyển Đức, khi đã 32 tuổi, Schweinsteiger được thông báo bị loại khỏi đội một United. Anh nhận lệnh di chuyển đồ dùng của mình đến phòng thay đồ của đội dự bị và từ đó, có nhiều thời gian đi đánh golf hơn tập luyện bóng đá.

Sau hạn chót TTCN mùa Hè ở Anh, chỉ Balotelli chuyển nhượng tự do đến Nice. Cả hai đội trên đã đang vướng những “cục nợ” dai dẳng trong thời gian dài. Họ dính căn bệnh đang lan tràn khắp Premier League.


Schweinsteiger là gánh nặng ở Old Trafford

Với sức mạnh tài chính quá đáng nể, Ngoại hạng Anh đã cán mốc tổng chi chuyển nhượng 1 tỷ bảng trong Hè này. Còn Hè năm ngoái, những đội ngoại hạng ấy đã chi 870 triệu bảng (1,14  tỷ đô-la) để tăng cường lực lượng. “Còn nhiều, rất nhiều CLB ở Anh đang tích lượng tiền khổng lồ phục vụ công tác chuyển nhượng mà chưa thèm chi” – HLV Arsene Wenger của Arsenal nói tuần trước.  

Arsenal cũng đã bỏ 52 triệu bảng (khoảng 68 triệu đô-la) để chiêu mộ trung vệ tuyển Đức và Valencia, Shkodran Mustafi và cầu thủ TBN Lucas Perez, một tiền đạo của Deportivo de La Coruna. Nhưng dẫu vậy, đội của ông Wenger rất miễn cưỡng tham gia vào phiên chợ sôi động định kỳ. Klopp cũng thế. HLV của Liverpool vừa chỉ trích “nỗi ám ảnh” của người Anh trong việc mua sắm. Tuy nhiên, hai người họ là những trường hợp ngoại lệ.

Đối với phần đông còn lại, việc đội bóng vung tiền mua cầu thủ mới là một điều được chào mừng, là bằng chứng của quyền lực Premier League. Mỗi năm, cứ đến ngày chót kỳ chuyển nhượng, đài Sky Sports News lại cho chạy liên tục một cột tổng chi của 20 đội bóng Anh ở một góc màn hình. Những dòng cập nhật xuất hiện dồn dập, điên loạn trên hàng loạt những trang tin và mạng xã hội, khi người Anh nín thở chờ đợi những cú áp phe sốc, thường kèm những mức phí khổng lồ trong ngày trọng đại này.


Klopp & Wenger miễn cưỡng chi tiền

2. Ở chiều ngược lại, phải khốn khổ khi tìm cách thanh lý những Schweinsteiger, Balotelli hay Joe Hart, là cái giá các đội Anh phải trả cho sức mạnh tài chính vô song.

“Chỉ một vài đội ở Premier League chịu áp lực nhỏ trong chuyện mua cầu thủ” – Jose Maria Cruz, Giám đốc Điều hành của Sevilla, nhận định. “Họ chi rất khủng và đòi hỏi hiệu quả tức thì của các thương vụ. Họ muốn các tân binh phải thể hiện xuất sắc ngay lập tức mà nếu không làm được, những người này sẽ bị đẩy đi chỉ trong 3 đến 6 tháng sau. Thế nhưng, việc thanh lý các cầu thủ ấy là rất khó khăn bởi mức lương của họ quá cao, phi thực tế theo quan điểm của phần lớn các CLB châu Âu hiện tại”. Sevilla, nhờ 3 lần vô địch Europa League liên tiếp và lọt vào vòng bảng Champions League, trả lương cầu thủ cao thứ 5 ở La Liga, nhưng cũng chưa là gì với các đội Premier League.


Sevilla chỉ dám mượn Nasri

Đó là điều chắc chắn trong trường hợp của Schweinsteiger và Joe Hart, mỗi người nhận hơn 200 nghìn bảng mỗi tuần. Balotelli, trong đoạn thoái trào của sự nghiệp, cũng được Liverpool trả 90 nghìn bảng (khoảng 118 nghìn đô-la) một tuần lương.

Đáng ngại hơn, cả những cầu thủ như Emmanuel Riviere, một tiền đạo tầm trung không còn nằm trong kế hoạch của đội bóng đã xuống hạng Newcastle, cũng được đãi ngộ vô cùng hậu hĩnh. Với mức lương 40 nghìn bảng/tuần (hơn 52 nghìn đô-la), Riviere đã được trả gấp ba lần so với bất kỳ CLB nào của anh trong quá khứ. Quả như Wenger từng nói, “bóng đá châu Âu đang chia hai thị trường chuyển nhượng, một cho riêng các đội Anh, và một cho phần còn lại”.

3. Theo ông Cruz, có hai giải pháp khả dĩ cho những đội bóng và các cầu thủ mắc kẹt với cuộc hôn nhân bất hạnh lắm tiền: Một là Trung Quốc, với những gã trọc phú Super League sẵn sàng dang tay chào đón với mức lương ngang ngửa; hai là “đẩy họ đi đội khác theo dạng cho mượn, và chấp nhận hỗ trợ trả lương”, tương tự vụ Joe Hart đến Torino.

Các ông chủ ở Premier League hẳn không thích thú gì khi thực hiện giải pháp thứ hai, khi đã cùng đường. Cả khi dư dả tài chính, việc hỗ trợ tiền để cầu thủ của mình đến chơi cho một đối thủ tiềm năng cũng là quá đáng. Tuy thế, cũng còn hơn chuyện trả cả cục, để hàng triệu bảng phung phí trên băng dự bị. 


Torino có Joe Hart theo dạng cho mượn, với sự hỗ trợ trả lương từ Man City

Những giải pháp ấy không thể giải quyết trọn vấn đề. “Họ đang trả mức lương điên rồ cho các cầu thủ tầm thường, để rồi vật lộn để thoát khỏi trong tương lai. Mỗi năm các đội Anh mua càng nhiều và gánh nặng ngày một lớn hơn” – Christian Heidel, cựu Giám đốc Thể thao Mainz 05, hiện đang làm việc ở Schalke, nói vào năm ngoái.

Hậu quả của vấn đề này, theo quan điểm của Wenger, với nguy cơ “các đội bóng Anh tự bóp nghẹt mình trong giai đoạn dài”, có thể rất nghiêm trọng. Ông dự đoán trong một tương lai không xa, những trường hợp như Balotelli, Schweinsteiger và Hart sẽ không còn là ngoại lệ.

“Quyền lực tài chính của Ngoại hạng Anh rồi sẽ giảm sút, khi họ phải trả lương cho 10 đến 12 hàng thừa không tìm được đầu ra” – Wenger khẳng định.

Tổng chi của các đội Premier League những mùa Hè gần đây

2016: 1,017 tỷ

2015: 901 triệu

2014: 835 triệu

2013: 630 triệu

2008: 500 triệu

2012: 490 triệu

2011: 485 triệu

Đơn vị: bảng

Hoài Thuận

Theo New York Times 

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến