Pep Guardiola: Luôn là sứ giả của Barca vĩ đại

Thứ Ba, 18/10/2016, 11:25 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Trên hành trình sự nghiệp của mình, Pep Guardiola sẽ còn đi nhiều nơi nữa, vì giấc mơ hoàn hảo như hiện thân Barca vẫn ám ảnh nhiều CLB trên toàn cầu

1. Sau khi chấm dứt huấn luyện ở Barca, Pep Guardiola nghỉ 1 năm. Ông tới New York, sống như một người bình thường. Nhiều người đã tin vào chuyện Pep dành một năm ấy cho gia đình, để trở nên thư thái hơn, tạm xa rời bóng đá và lấy lại năng lượng. Thực sự, đó là một năm ông dẹp hẳn quá khứ và nghiền ngẫm những ý tưởng mới.

Những ý tưởng nào đã hình thành, chúng ta đều không biết. Nhưng khi Pep nhận lời đến Bayern Munich, điều khiến Uli Hoeness phải ngạc nhiên, ông đã mang lại được gì? Pep hứa tạo nên một Bayern “chơi đẹp và chiến thắng” và đúng là ông đã trình làng một Bayern như thế. Chỉ có điều, nó không vượt trội được Bayern của người tiền nhiệm, xét về hiệu quả. Ai cũng hiểu rằng chinh phục Champions League là một điều cực khó nhưng rõ ràng đã có những thất vọng đúng nghĩa.

Pep Guardiola sẽ không được chào đón trong ngày trở về Barca?

Pep Guardiola sẽ không được chào đón trong ngày trở về Barca?

Có một điểm tương đồng giữa Johan Cruyff và người học trò của ông, Pep Guardiola: Cả hai đều là những HLV thành công vang dội và có ảnh hưởng lớn với đội bóng xứ Catalunya, nhưng đoạn kết của họ ở Camp Nou lại chẳng hề tốt đẹp.

Dù mỗi đội bóng đều có niềm tự hào riêng, nhưng phải thừa nhận Bayern cũng mong Pep Guardiola sẽ biến họ thành một biểu tuợng vĩ đại và mang tính toàn cầu của bóng đá đẹp như Barca, một đội bóng hoàn hảo. Bayern coi Pep như mảnh ghép còn thiếu trong cỗ máy của mình, để vươn tới hoàn hảo. Bởi vậy, Bayern để Pep mang cả bộ sậu của mình đến Munich làm việc. Nhưng cuối cùng, kết quả là gì? Pep rời xứ Bavaria để lại dự án một Bayern hoàn hảo vẫn mãi là một công trình dang dở.

2. Pep không có 1 năm để tư duy ý tưởng mới khi sang Man City. Nhưng ông được quyền mang nguyên ê kíp quen thuộc của mình từ thời Barca tới đó. Họ là Manel Estiarte; là Domenech Torrent; là Carles Planchart; là Lorenze Buenaventura và cả những trợ lý riêng, gồm những người ruột thịt như em trai Pere và vợ, Cristiana. Thậm chí, Man City còn tạo điều kiện hơn cả Bayern khi họ đã tạo “nền tảng Barca” cho Pep trước khi ông tới, bằng việc sử dụng các nhân sự cấp cao vốn dĩ từng làm việc ở Barca trước đây với  Pep Guardiola. Rõ ràng, Man City cũng đang mơ giấc mơ trở thành một hiện thân của Barca tại xứ sở sương mù.

Pep đến, Man City chơi sôi nổi hơn hẳn, hấp dẫn hơn hẳn và nguy hiểm hơn hẳn nhưng chừng đó là chưa đủ. Những người hâm mộ Man City sẽ phải đợi chờ bao lâu đây để thấy một “hiện thân Barca” ở Etihad? Hay họ sẽ phải đón nhận một công trình dang dở mãi mãi như người Bavaria mới vừa trải qua? Tin tôi đi, sẽ không bao giờ có một hiện thân Barca ở bất kỳ nơi nào hết. Đơn giản, bạn có thể có 11 cầu thủ ở tầm đẳng cấp 11 cầu thủ Barca, dùng HLV của Barca, chơi triết lý của Barca nhưng trở thành hiện thân của Barca thì không thể. Tinh thần của một đội bóng không chỉ nằm ở con người nào, triết lý nào. Tinh thần của đội bóng là cả một nền tảng văn hóa được đúc kết trong một cái nôi văn hóa của chính địa phương cưu mang nó.


3. Trong cuốn “Pep, bí ẩn” mới vừa xuất bản giữa tháng 10 này có kể chuyện Pep Guardiola gặp Garry Kasparov mấy lần ở New York. Kasparov có nói với Pep rằng “bộ xử lý của một cái iPhone thời nay còn vượt xa của máy tính trên tàu Apollo 11 ngày xưa (máy tính AGC). AGC có RAM với tốc độ xử lý chậm hơn của iPhone tới 100 ngàn lần. Vậy mà xưa nó đưa con người lên mặt trăng, còn giờ người ta dùng điện thoại thông minh để giết những con chim (ám chỉ Angry Birds)”.

Pep còn nhớ câu nói ấy chăng? Và liệu ông có hiểu thế nào là thời hạn của sự hoàn hảo?

Nhưng chắc ông hiểu, ông sẽ còn đi nhiều nơi nữa, vì giấc mơ hoàn hảo như hiện thân Barca vẫn ám ảnh nhiều CLB trên toàn cầu. Và mỗi lần Pep Guardiola đặt chân tới một nơi nào, ông sẽ chỉ làm Barca vĩ đại hơn, bởi khi ông rời đi, người ở đó sẽ hiểu rằng: để vĩ đại như Barca, chỉ dùng Pep Guardiola là không bao giờ đủ. Các đội bóng sẽ nhận ra rằng, dù có làm gì đi nữa, CLB của họ vẫn không thể vươn tới tầm của Barca thời đoạn 2008-2012.

Và Barca cũng cần Pep đi nhiều nữa, như một sứ giả cho sự vĩ đại của Barca, dù cho ông không hề nói một lời nào về sự hoàn hảo ở một giai đoạn nhất định của màu áo ấy.

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Muỗi  (18/10/2016 04:10:52)
Thangsaothaiduong@gmail.com
Pep ẩn mình để làm những việc to lớn hơn là đạt được thành công ở một CLB, điều ông muốn là ảnh hưởng triết lý của ông đến những nơi ông đến và sau cùng là đến cả triết lý bóng đá, lịch sử bóng đá sẽ ghi nhận tên ông như một nhà cách mạng về bóng đá chứ ko phải ông muốn họ nhớ đến ông bằng những chiếc cup.
Thái vũ  (18/10/2016 12:30:36)
levan@thaivu.com
Bài viết hay quá, một góc nhìn thú vị ^^
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến