(Thethaovanhoa.vn) - Trải qua 29 năm êm ả, Premier League đang đứng trước thử thách lớn khi các đội thuộc nhóm Bottom Six (6 đội cuối bảng) đột nhiên chống đối kế hoạch Project Restart. Phản ứng ấy đúng sai ra sao và Premier League nên làm gì?
Kế hoạch Project Restart nhằm đưa Premier League trở lại vào tháng Sáu tới đang vấp phải thách thức từ nhóm 6 đội cuối bảng. Vì sao họ muốn cản trở hạng đấu cao nhất nước Anh sớm trở lại?
1.Một điều chắc chắn sẽ xảy ra trong phiên họp 20 CLB dự tính diễn ra qua video vào hôm nay: Không thể có một phương án dung hòa cho tất cả. Sẽ có một hay một vài CLB buộc phải phụ thuộc tương lai của mình vào những đội bóng khác.
Mô hình hoạt động của Premier League đến lúc này đang trở thành sân chơi lý tưởng cho những tỷ phú và triệu phú từ bản địa đến nước ngoài. Mỗi CLB ở hạng đấu cao nhất nước Anh giống như một doanh nghiệp độc lập với doanh thu khác nhau, nhưng chung một suy nghĩ: Không muốn rời Premier League, giải đấu đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Đại dịch Covid-19 có thể gây thiệt hại mạnh cho nhiều ngành công nghiệp ở Anh hơn những hoạt động liên quan tới bóng đá. Mặt khác, các cổ động viên đang hồi hợp chờ đợi kết quả từ cuộc họp của 20 CLB ở Premier League diễn ra trong ngày hôm nay.
2.Trong bối cảnh như thế, những CLB thuộc nhóm 6 đội cuối bảng gồm Brighton, West Ham, Watford, Bournemouth, Aston Villa và Norwich lại thực hiện một nhiệm vụ không khác gì một phi vụ khủng bố: Ngăn kế hoạch đưa Premier League trở lại dự kiến vào giữa tháng tới bằng cách chống đối ý tưởng tổ chức các trận đấu còn lại của mùa giải trên sân trung lập. Họ không hình dung nếu Premier League đi theo kịch bản nào, tiếp tục đá hay dừng lại, vẫn phải có ba đội xuống hạng nhằm bảo toàn trọn vẹn tính thống nhất của giải đấu.
Các đội bóng ấy cũng chẳng hề nhớ rằng nếu Premier League đá nốt những vòng cuối, họ vẫn còn nguyên cơ hội tự mình quyết định cơ hội ở lại hạng đấu cao nhất nước Anh vào mùa sau. Còn ban tổ chức giải đấu có cơ hội để cứu vãn khoản doanh thu bị mất đi vì đại dịch, cũng như tạo lợi thế để thương lượng gói bản quyền Premier League chu kỳ mới sẽ bắt đầu không lâu nữa.
Còn nếu 6 CLB kia cần những dẫn chứng (dù cho là chỉ ước tính) về thiệt hại nếu Premier League hay những giải đấu châu Âu khác phải nghỉ sớm? Tiết lộ từ trang Financial Times chỉ ra giải Serie A của Italy, cùng với nhiều giải đấu lớn khác của châu lục, sẽ phải bù đắp khoản tiền lên tới 1,2 tỷ euro (1 tỷ bảng) tiền doanh thu bản quyền truyền hình khi những giải đấu này tạm ngưng vì dịch bệnh. Premier League chắc chắn sẽ chịu tổn thất không quá xa con số ấy.
Bản quyền truyền hình là một phần cực kỳ quan trọng của Premier League. Mọi thứ bắt đầu từ những năm 1990, khi hạng đấu cao nhất nước Anh mang tên gọi như hiện tại, ITV của Greg Dyke rồi BSkyB của ông trùm truyền thông khét tiếng một thời Rupert Murdoch trở thành những đơn vị đưa Premier League trở nên phổ biến. Hay như cựu giám đốc điều hành Premier League Richard Scudamore đã góp phần nâng giá trị bản quyền truyền hình của giải đấu tăng lên tới 70% năm 2015 nhờ những hợp đồng với hai kênh truyền hình BT và Sky Sports.
3.Vậy ban tổ chức Premier League nên làm gì? Sức ép từ tính giá trị ngày càng tăng của giải đấu khiến họ phải nhanh chóng đưa ra một giải pháp tạo ra sự đồng thuận cho 20 CLB tham dự mùa này. Phương án tiếp tục đá những vòng còn lại được coi là tối ưu nhất và công bằng nhất cho tất cả các bên, tránh nguy cơ các CLB phải trả lại hàng chục triệu tiền bản quyền truyền hình cho các nhà đài.
Còn nếu trong trường hợp làn sóng tẩy chay kế hoạch của Project Restart từ 6 CLB nêu trên thắng thế thì sao? Ban tổ chức giải đấu sẽ tính đến kịch bản xếp hạng các đội dựa trên số điểm trung bình qua mỗi trận (points-per-game). Như thế, ba đội bóng đứng cuối cùng gồm Norwich, Bournemouth và Aston Villa vẫn không thể thay đổi số phận của mình. Chiến đấu tiếp hay đánh phá Project Restart đến cùng, nhóm Bottom Six sẽ cần một lựa chọn đúng đắn.
Đức Hùng