(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện Tottenham ngừng trả lương cho một số nhân viên của đội bóng vì dịch Covid-19 đặt ra những vấn đề nghiêm túc về cách hành xử tài chính của các CLB ở Anh. Liệu vấn đề này có đi xa hơn địa hạt bóng đá?
MU cần một tiền đạo hàng đầu thế giới để bộ ghép hình của Ole Gunnar Solskjaer trở nên hoàn hảo và Harry Kane chính là miếng ghép còn thiếu đó theo quan điểm của cựu tiền vệ Liverpool và tuyển Anh, Danny Murphy.
Bóng đá Anh một tuần qua rơi vào trạng thái chao đảo khi một số CLB tận dụng chính sách trợ cấp cho những nhân viên bị mất việc tạm thời vì dịch Covid-19 của chính phủ Anh để cắt giảm nhân sự. Mãi đến thứ Tư vừa rồi, mọi chuyện mới được vãn hồi.
Nghỉ việc tạm thời có phải vô đạo đức?
Chứng kiến những CLB như Tottenham, Newcastle hay trước đó là Liverpool đã từng và đang tiến hành việc cho nhân viên các bộ phận không liên quan nghỉ việc tạm thời, ông Oliver Dowden, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, truyền thông và thể thao cảnh báo cơ chế trợ cấp ấy không dành cho các CLB bóng đá chuyên nghiệp. Còn ông Julian Knight, một nghị sĩ Đảng Bảo thủ, cho rằng không ít CLB đang thể hiện bộ mặt vô đạo đức khi cắt giảm lương bổng và cơ hội làm việc của nhân viên nhưng vẫn không chịu bắt các cầu thủ, những người được hưởng lương cả trăm nghìn bảng mỗi tuần, phải giảm lương.
Tình hình dịch bệnh khiến các doanh nghiệp Anh có thể phải đưa 9 triệu người lao động rơi vào tình trạng “furlough” (nghỉ việc tạm thời). Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ 80% số lương cho những người có thu nhập hàng tháng ở mức 2.500 bảng. Điều này sẽ tiêu tốn ngân sách quốc gia số tiền lên tới 40 tỷ bảng trong 3 tháng tới đây. Quan điểm về vấn đề nói trên giữa ông Dowden và ông Rishi Sunak, Bộ trưởng tài chính Anh khá trái ngược. Khác với những lời chỉ trích của ông Dowden, ông Sunak khẳng định đó là một chính sách nhằm bình ổn các doanh nghiệp cũng như thị trường việc làm.
Trở lại với câu chuyện liên quan đến bóng đá. Cả Tottenham, Newcastle lẫn Liverpool đều là những đội bóng được điều hành bởi các ông chủ giàu có, lần lượt là Joe Lewis, Mike Ashley và tập đoàn Fenway Sports Group với người đứng đầu là ông John Henry. Họ đều là những gương mặt có khối tài sản kếch xù và cảm thấy việc giảm lương cho các nhân viên chẳng phải vấn đề gì lớn lao nếu nhìn vào những khoản chi phí khác đã bỏ ra. Như Liverpool, họ từng chi tới 44 triệu bảng cho những người đại diện cầu thủ, sở hữu quỹ lương lến tới 310 triệu bảng mà vẫn thu về khoản lợi nhuận tới 42 triệu bảng. Điều đó đảm bảo đội chủ sân Anfield chẳng phải lo lắng quá nhiều về tài chính dẫu mùa giải hiện tại có phải tạm ngưng vì dịch bệnh.
Không dễ thuyết phục cầu thủ giảm lương
Câu chuyện thuyết phục các cầu thủ chấp nhận giảm lương không hề là một chuyện dễ dàng. Trong mắt các CLB, những cầu thủ là tài sản giá trị mà đội bóng có thể bán đi khi cần thiết. Hợp đồng của họ với đội bóng chủ quản vì thế là thứ cần được bảo vệ. Nếu các CLB ép buộc các cầu thủ giảm lương, một ai đó sẽ viện dẫn đó là hành vi phá vỡ cam kết trong hợp đồng. Điều này có thể dẫn đến việc cầu thủ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và trở thành cầu thủ tự do. Điều may mắn, không ít cầu thủ đồng cảm và sẵn sàng chia sẻ về tài chính trong lúc cả thế giới chống đỡ dịch Covid-19. Cụ thể, sau cuộc nói chuyện giữa thủ quân của 20 CLB ở Premier League, các cầu thủ đã đóng góp tiền bạc vào quỹ Players Together nhằm hỗ trợ cho các nhân viên y tế trên khắp nước Anh, những người ở tuyến đầu trong việc ngăn chặn virus corona bùng phát ở xứ sở sương mù. Mặt khác, đó chỉ là nghĩa cử mang tính tự nguyện, không liên quan gì đến việc giảm lương của giới cầu thủ.
Những lời chỉ trích sẽ không chỉ giới hạn ở những CLB bóng đá, mà còn lan ra cả những doanh nghiệp làm ăn có lãi ở xứ sương mù. Ông Sunak cố gắng làm dịu tình hình khi khẳng định các CLB bóng đá nên sử dụng cơ chế trợ cấp phù hợp, nhưng ông không yêu cầu các ông chủ phải trả lương cho những nhân viên rơi vào tình trạng nghỉ việc tạm thời hay công ty nào đó cố trả lương bằng mọi giá.
Tất nhiên, mọi cuộc khủng hoảng rồi sẽ qua đi. Sau dịch bệnh, những đòi hỏi về việc các cầu thủ phải đóng góp nhiều hơn cho xã hội bằng mức thuế cao hơn sẽ được đặt ra. Cách xử lý khủng hoảng của không ít CLB ở Premier League đang nhận về những lời chỉ trích, bất chấp những hành động sửa sai như trường hợp của Liverpool. Cơ chế nghỉ việc tạm thời dường như đang trở thành cái cớ để một số đội bóng thể hiện sự bất công trong cách đối xử giữa các ngôi sao bóng đá và những bộ phận khác.
Đức Hùng