(Thethaovanhoa.vn) - 100 triệu bảng cho Paul Pogba, không ít người cho rằng đó là cái giá điên rồ, được chèo lái lên tới đỉnh bởi sự thèm muốn đến quá khích của Man United. Như sự thực, không phải vì Man United quá “kết” Pogba mà giá bị đẩy lên cao như thế.
1. Cơ bản, Pogba đã là món hàng bị săn đuổi gắt gao nhất từ mùa Hè trước chứ không phải bây giờ, và số lượng thợ săn thì rất đông, toàn những tay thiện xạ tầm cỡ cả. Đó mới là lý do khiến mức giá bị đội lên đến như thế và nếu Pogba có chọn một CLB khác chứ không phải Man United đi nữa, chắc chắn đó vẫn là một cú bom tấn điên rồ.
Nhưng giá cả, sự tương xứng về chất lượng, khả năng hòa nhập nhanh hay chậm, khả năng đóng góp vào thành tựu của Man United tới đâu của Pogba lại không là vấn đề đáng quan tâm nếu câu chuyện chuyển nhượng này là sự thật. Câu chuyện đáng quan tâm nằm ở chỗ khác, ở một tầm vóc khác và nó có thể khiến nhiều ủng hộ viên Man United phải cảm thấy hối tiếc khi Pogba đến với Old Trafford, bất chấp họ hiểu rằng Man United cần một cầu thủ ở đẳng cấp ấy đến nhường nào.
Đơn giản, việc Pogba cập bến sẽ là minh chứng cuối cùng cho một dấu chấm hết phũ phàng của một triết lý, một lịch sử, một văn hóa mà Sir Alex Ferguson đã dày công gầy dựng.
2. Hãy quay ngược thời gian trở lại với mùa giải 2011-12, khi Pogba được Sir Alex đưa lên đội hình 2. Ông muốn cho Pogba thời gian để phát triển, ông không muốn vội vàng quá với một cầu thủ trẻ như anh, dù ông thừa hiểu tài năng mà anh nắm giữ tiềm tàng đến nhường nào. Song, Pogba không thỏa mãn với việc chỉ được chơi trong đội hình 2 và chỉ được ra sân cho đội hình 1 chỉ một vài trận từ băng ghế dự bị, ở giai đoạn cuối mùa. Anh không gia hạn hợp đồng với Man United, chuyển sang Juve ở tháng 7/2012, và trở nên nổi danh bắt đầu từ đó.
Nhiều người cho rằng Pogba đã lựa chọn đúng khi ra đi bởi họ nghĩ rằng, ở lại Old Trafford, Sir Alex không cho anh cơ hội đúng như khả năng anh vốn có. Nhận định ấy có lý, xét ở góc nhìn nào đó. Nhưng nếu chuyển góc nhìn một chút, ta sẽ thấy nó không phải không có chỗ phi lý.
Mùa giải 2012-13, Man United khủng hoảng lực lượng trầm trọng, và Paul Scholes đã buộc phải quay trở lại sau 1 thời gian đã treo giày để giúp Fergie “gánh” đội. Nếu ở mùa giải ấy Pogba không ra đi, Scholes sẽ không phải làm việc đó, và vị trí chính thức ở hàng tiền vệ là của anh chứ không phải ai khác. Giả thuyết đó nếu đã từng xảy ra, liệu Pogba có minh chứng được rằng mình là tiền vệ trung tâm hàng đầu thế giới từ Old Trafford?
Như vậy, vấn đề nằm ở sự kiên nhẫn của Pogba chứ không phải sự bạc đãi của Fergie dành cho anh.
Và chúng ta nên nhớ, ở giai đoạn cuối mùa 2011-12, ngoài Pogba, có nhiều cầu thủ của Man United mà điển hình là Rooney, rục rịch đòi ra đi hoặc làm mình làm mẩy để muốn có được một thỏa thuận tốt hơn. Nếu lúc đó Fergie nhượng bộ Pogba, một cầu thủ trẻ, ông sẽ phải nhượng bộ nguyên đám kiêu binh còn lại.
Triết lý của Fergie không cho phép sự nhượng bộ như thế. Văn hóa của Man United không chấp nhận những nhượng bộ như thế. Và Fergie chấp nhận buông Pogba, một ngôi sao mà ông rất yêu thích, để giữ đại cục dù ông cũng chỉ ở lại CLB với cương vị HLV trưởng thêm 1 mùa. Nhưng đại cục ấy chính là công cuộc mà cả đời ông đã gầy dựng và đã định hình. Nó không thể đổ vỡ bởi nó chính là văn hóa của Man United, bền chặt và kiêu hãnh.
3. Khi Man United đổ 150 triệu bảng mua sắm cho Van Gaal, đó là lúc văn hóa và triết lý của Fergie đã hơi nhạt nhòa vì những tham vọng ngắn hạn của giới chủ. Bây giờ, nếu Man United bán tống bán tháo những hợp đồng trong gói 150 triệu bảng kia để dọn chỗ cho Pogba, một kẻ chống đối lại Fergie, đó sẽ là dấu chấm hết cho một triết lý vốn bền vững gần 30 năm nay.
Lịch sử Old Trafford có lẽ đã bắt đầu sang trang? Man United có thể sẽ trở thành một CLB rất khác…
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa