(Thethaovanhoa.vn) - Việc Ander Herrera nói lời chia tay MU không có gì quá mới mẻ. Nhưng trong con mắt của ký giả Barry Glendenning trên Guardian, cuộc chia tay này đặt ra nhiều dấu hỏi về vị thế của MU dưới triều đại Glazer vốn ngày càng thương mại hóa.
Lịch thi đấu bóng đá hôm nay. Trực tiếp vòng bảng AFC Cup, trực tiếp Chung kết cúp quốc gia Ý. Trực tiếp bán kết lượt về play-off thăng hạng Ngoại hạng Anh.
Herrera chính thức rời MU để gia nhập PSG theo dạng chuyển nhượng tự do với bản hợp đồng có thời hạn ba năm với giá trị 25 triệu bảng.
Dấu hỏi sau đoạn video tạm biệt MU
Tiền vệ 29 tuổi này không tránh được cảm xúc khi nhắc đến những khoảnh khắc như một lần anh bị đối thủ dẫm lên chân hay cú sút xa đẹp mắt đánh bại thủ thành Jed Steer của Yeovil ở Cúp FA cách đây 4 năm: “Cảm xúc của tôi thật khác thường khi thấy tên của mình được reo lên. Tôi rất tự hào khi cổ động viên MU nói rằng mình là một phần của đội bóng. Mỗi lần tôi khoác áo đội bóng này, bất luận thắng hay thua, kể cả lúc tôi không đóng góp được gì nhiều, tôi hiểu cái tên MU có ý nghĩa như thế nào”.
Tuần lễ vừa rồi, trong khi các đại diện như Tottenham, Liverpool, Arsenal hay Chelsea đều góp mặt ở các trận chung kết đấu trường châu lục, thì MU rõ ràng trải qua một mùa giải đáng quên. Một số cổ động viên MU sẽ không hài lòng với cách nói có phần khách sáo của tiền vệ 29 tuổi này, cũng như việc anh được nhận mức lương cao gấp đôi ở bến đỗ mới. Còn phần lớn số còn lại cảm thấy bực mình khi Herrera nói lời chia tay trong tư thế đề cao bản thân mình.
Tất nhiên, việc chia tay một cá nhân không kéo lùi sức ảnh hưởng của MU. Tất cả vẫn nhắc đến đội chủ sân Old Trafford như một thương hiệu thu hút lượng đối tác cực lớn. Nhưng sau quãng trăng mật ngọt ngào ngắn ngủi trong những tháng đầu Ole Gunnar Solskjaer cầm quân thay thế Jose Mourinho, những kết quả gần đây chỉ ra vị HLV người Na Uy dường như đang mặc chiếc áo quá rộng. Liệu Solskjaer đã chuẩn bị cho lời chia tay vào một thời điểm nào đó trong tương lai gần hay chưa?
Thật khó để nói không chút đồng cảm nào với một HLV còn trẻ và thiếu kinh nghiệm như Solskjaer. Vị HLV người Na Uy phải gánh vác nhiệm vụ cải cách đội bóng trong tâm thế bị trói buộc bởi chiến lược mua sắm thiếu rõ ràng của ban lãnh đạo MU. Những gì MU mua sắm khác xa cách Man City hay Liverpool tuyển mộ cầu thủ.
Ra đi vì MU quá mải mê làm ăn
Đơn giản, việc để một cầu thủ chất lượng và có tầm ảnh hưởng nơi tuyến giữa như Herrera rời MU không kèn không trống khiến đội bóng này khó ăn khó nói với các cổ động viên. Phần lớn trong số họ tất nhiên gửi những lời chúc may mắn đến chặng đường tiếp theo trong sự nghiệp của Herrera, nhưng đằng sau đó, cụ thể là nguồn cơn dẫn đến quyết định của tiền vệ người Tây Ban Nha lại tạo nên những làn sóng giận dữ.
Đầu mùa này, nhà Glazer và Phó chủ tịch điều hành Ed Woodward đã nhận được những tín hiệu về việc hàng loạt gương mặt như Herrera, Ashley Young, Phil Jones, Chris Smalling, David De Gea và Juan Mata đều đã và chuẩn bị bước vào năm cuối cùng trong bản hợp đồng. Thay vì tập trung giải quyết rốt ráo tương lai của những cái tên, họ lại bận tập trung tạo ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng như mải mê vào các thương vụ làm ăn với đối tác. Quá chán nản với sự thờ ơ của ban lãnh đạo MU, Herrera cảm nhận rằng anh cần phải tự mình quyết định tương lai.
Herrera không phải cầu thủ MU đầu tiên sử dụng video để gây sự chú ý cho người hâm mộ. Hồi tháng Hai năm ngoái, Ed Woodward đầy tự hào tung một đoạn video giới thiệu về tân binh Alexis Sanchez. Hiệu ứng của đoạn video này là rất rõ ràng. Có đến hai triệu lượt thả tim và bình luận trên trang Instagram của đội bóng, đồng thời là đoạn video được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội Facebook, cũng như được retweet (chia sẻ lại) nhiều nhất trên Twitter của đội bóng. Dòng hashtag #Alexis7 từng đứng đầu trong danh sách tìm kiếm trên Twitter. Thật đáng buồn, những gì Sanchez thể hiện gần một năm rưỡi qua là không hề thuyết phục tí nào.
Cái khó là Sanchez lại đang hưởng mức lương cao nhất tại Old Trafford, đồng thời là minh chứng sống động cho chính sách tuyển mộ tệ hại của MU. Ở chiều ngược lại, Herrera đã chơi trận cuối cùng của mình trước Cardiff và để lại một khoảng trống đáng kể trong phòng thay đồ: “Tôi sẽ nhớ gần 200 trận đấu mình đã chơi trong màu áo MU. Được chơi bóng cho CLB vĩ đại nhất nước Anh là một vinh dự”.
Những gì xảy ra với Herrera sẽ đem đến dấu hỏi lớn cho MU về vị thế đội bóng vĩ đại nhất nước Anh. Đó không chỉ là thành tích tệ hại của thầy trò Solskjaer mùa vừa rồi, mà còn nằm ở cách MU đánh mất đi một trụ cột trong đội hình.
Đức Hùng (Theo Guardian)