(Thethaovanhoa.vn) - Nếu Alexis Sanchez nhận 500.000 bảng/tuần mà không chứng tỏ được gì, chẳng lẽ David de Gea không xứng đáng với mức lương 300.000 bảng/tuần mà anh đòi hỏi?
11, đó là số pha cứu thua mà David De Gea thực hiện trong cuộc đối đầu giữa Tottenham và M.U cuối tuần qua. Rất nhiều lời tán dương dành cho người gác đền Tây Ban Nha. Trong bài viết mới đây cho tờ The Times, cựu thủ môn David Preece đã phân tích những lý do giúp De Gea có thể thực hiện những pha cứu thua “thần thánh” như vậy.
Ở lại hay không ở lại?
Cứ như thể màn trình diễn xuất sắc trước Tottenham vào cuối tuần qua là cái cớ thích hợp để De Gea gợi lại chuyện kí hợp đồng mới. Và sự thực thì thủ môn người Tây Ban Nha đã chọn một thời điểm chính xác khi bàn về chuyện này. Rằng anh muốn gắn bó lâu dài với M.U nhưng chỉ trong trường hợp nhận được một đề nghị hợp lí. Ở đây, cựu cầu thủ của Atletico Madrid muốn có mức lương 200.000 bảng/tuần hiện tại có sự cải thiện và hi vọng đội chủ sân Old Trafford sẽ chấp nhận con số 300.000 bảng/tuần chưa kể tiền thưởng.
Điều đáng nói là các cuộc đàm phán giữa đại diện thủ môn 28 tuổi này và M.U đã diễn ra trước đó nhưng hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Cũng chính vì điều này mà Red Devils đã kích hoạt điều khoản gia hạn 12 tháng hồi tháng 11 năm ngoái để giữ chân De Gea đến năm 2020 và ngăn cản anh thỏa thuận với những đội bóng muốn có anh trong tháng 1 này trước khả năng anh có thể rời Manchester theo dạng chuyển nhượng tự do vào mùa hè.
Việc kích hoạt điều khoản gia hạn hợp đồng sẽ giúp M.U có thêm thời gian để đàm phán với đại diện của De Gea, sau khi họ từ chối đề nghị 275.000 bảng/tuần mà ban lãnh đạo đưa ra. Hoặc cũng có thể đây là lí do để M.U có thể đòi một khoản phí chuyển nhượng lên đến 75 triệu bảng nếu họ quyết định bán thủ môn người Tây Ban Nha vào mùa hè, trong thời điểm không chỉ có Chelsea mà Juventus và Paris St Germain đều muốn có anh.
Đắt xắt ra miếng
Tuy vậy, một lựa chọn nữa cho De Gea nếu tình hình tiếp tục bế tắc, anh sẵn sàng ở lại Old Trafford đến mùa giải sau và ra đi tự do. Trong trường hợp này, M.U hiểu rõ việc thay thế anh là khó khăn như thế nào. Như đã thấy, giá chuyển nhượng của thủ môn trên thị trường giờ không còn rẻ nữa sau hai kỉ lục thế giới được lập trong hè vừa qua. Đầu tiên, Alisson Becker từ Roma tới Liverpool với giá 67 triệu bảng và rồi Chelsea mua Kepa Arrizabalaga từ Bilbao với giá 71,6 triệu bảng.
De Gea chắc chắn có giá cao hơn thế nhưng chỉ trong trường hợp M.U bán anh, còn nếu thủ môn người Tây Ban Nha cứng rắn và chơi xỏ lại, anh sẽ không kí hợp đồng mới và rời Old Trafford tự do. Trong trường hợp đầu, cái khó cho M.U là họ sẽ tìm ai thay De Gea khi Everton không có ý định bán Jordan Pickford, thủ môn của đội tuyển Anh, với giá dưới 75 triệu bảng, trong lúc Jan Oblak có điều khoản giải phóng tại Atletico Madrid lên tới 90 triệu bảng.
Vẫn biết mọi cầu thủ đều có giá và không ai lớn hơn CLB, một thủ môn có thể chứng tỏ được sự xuất sắc của mình qua những trận đấu giữ sạch lưới ở Premier League hay số lần đứng trong đội hình tiêu biểu năm của Hiệp hội cầu thủ Anh (PFA). Chẳng hạn như xét về số lần có tên trong đội hình của PFA, De Gea đã 5 lần có tên, trong đó có 4 mùa giải gần đây. Nên nhớ rằng, trong lịch sử Premier League, không thủ môn nào có được vinh dự đó hơn 3 lần.
Và khi M.U đang hồi sinh mạnh mẽ dưới thời Ole Gunnar Solskjaer và có tham vọng lớn hơn ở nửa sau của mùa giải năm nay, họ cần một điểm tựa chắc chắn như De Gea để hi vọng. Đừng quên là trong giai đoạn họ khủng hoảng nhất dưới thời Jose Mourinho, các hậu vệ, chứ không phải De Gea, mới là những người đáng bị chỉ trích nhất.
Vậy thì có lí do gì để M.U không bỏ thêm một ít tiền để giữ chân thủ môn của mình, khi mà De Gea không đòi hỏi những danh hiệu và khi mà Alexis nhận tới 500.000 bảng/tuần mà vẫn chẳng chứng tỏ được gì.
Mạnh Hào