Leicester mở ra thời đại mới cho bóng đá Anh

Thứ Tư, 11/5/2016, 19:26 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Leicester đã nâng cao chiếc cúp vô địch Premier League vào thứ Bảy vừa rồi, một danh hiệu lịch sử với CLB này, nhưng còn hơn thế nữa, nó có thể mở ra một thời đại mới cho bóng đá Anh.

Đội bóng của HLV Claudio Ranieri đã đăng quang ở giải đấu bị thương mại hóa mạnh mẽ nhất, nơi tiền bạc thống trị nhất và sự chia rẽ giàu nghèo được cho là sâu sắc nhất. Vì thế, Leicester, ngoài đại diện cho những người yêu bất ngờ, còn là một nghịch lý không dễ giải thích.

Nghịch lý còn ở trong cả lối chơi. Giữa thời đại của tiki-taka, gegenpressing và các tiền đạo ảo, đội bóng của Ranieri đăng quang mà không cần bất cứ điều nào trong số đó. Trái lại, Leicester là một đội bóng hoàn toàn truyền thống: Hàng thủ vững chắc với 2 trung vệ cao to, chẳng cần biết “chơi bóng” như Gerard Pique hay Daley Blind; những tiền đạo tốc độ, sắc lẹm, với nhiệm vụ chính chỉ là đưa bóng vào lưới đối phương, và một đội hình 4-4-2.

Còn ai nữa không?

Vì thế, câu hỏi đáng đặt ra lúc này là liệu các đội bóng nhỏ và trung bình khác có theo bước Leicester hay không. Liệu thành tựu của đội chủ sân King Power chỉ là một lần trong đời, hay sẽ khởi đầu cho một trào lưu mới của của những kẻ thách thức khác nữa?

Mùa giải này thực sự rất đặc biệt ở Premier League. Chức vô địch của Leicester tất nhiên là điểm nhấn quan trọng nhất, nhưng bảng xếp hạng cuối cùng còn vẽ ra một bức tranh đáng kinh ngạc hơn: Tottenham về nhì. Hai CLB Manchester phải tranh nhau suất dự Champions League. Liverpool và Chelsea đều lặn ngụp ở giữa bảng xếp hạng. Thời kỳ của những “bộ tứ”, “bộ ngũ”, hay “Arsenal hoặc Man United” giờ đã là quá khứ xa vời ở Premier League. Bây giờ là thời của “bách gia tranh minh”, khi mọi đội đều có thể thắng, và có thể thua.

Mahrez bảnh bao trong ngày nhận giải Cầu thủ xuất sắc nhất của Leicester

Mahrez bảnh bao trong ngày nhận giải Cầu thủ xuất sắc nhất của Leicester

Với phong độ ấn tượng ở mùa bóng này, Riyad Mahrez đã giành giải Cầu thủ xuất sắc nhất mùa của Leicester.

Giống như nhiều vấn đề xã hội và văn hóa khác, rốt cuộc cốt lõi của vấn đề vẫn là kinh tế: Với nguồn tiền mặt dồi dào từ hợp đồng bản quyền truyền hình khổng lồ, nhiều đội bóng bậc trung ở Premier League đã có đủ sức mạnh tài chính để lôi kéo những cầu thủ chất lượng bên ngoài nước Anh. Kết hợp điều đó với việc các đội bóng lớn không thể mua được những ngôi sao hạng A, khoảng cách giữa “chiếu trên” và “chiếu dưới” ở Premier League giờ đã được thu hẹp đáng kể.

Tất cả nhanh chóng được thể hiện trên sân bóng. Khi tháng 8 còn chưa kết thúc, Andre Ayew đã ghi bàn vào lưới Chelsea và Man United; những tay Robin Hood khác của giai đoạn đầu mùa, Crystal Palace và Stoke, sở hữu trong đội hình các nguồn cảm hứng như Yohan Cabaye và Xherdan Shaqiri; còn Dimitri Payet là nhân vật trung tâm giúp West Ham giành được 6 điểm từ Arsenal và Liverpool.

Nỗi khổ của nhà giàu

Với việc tiền bạc sẽ còn đổ về như nước trong tương lai, cả từ các hợp đồng béo bở lẫn từ những ông chủ ngoại siêu giàu giờ sẽ muốn có một đội bóng ở Premier League hơn bao giờ hết, rất nhiều những Shaqiri và Cabaye nữa sẽ còn cập bến nước Anh. Tuy nhiên, tại sao các đội bóng lớn quen thuộc của giải đấu lại chật vật như thế mùa này?

Man United, cỗ máy in tiền của Premier League, đang tập tễnh tìm lại mình trong sương mù của kỷ nguyên hậu Ferguson. Chelsea, vô địch tuyệt đối mới một mùa trước, trở thành một đống lộn xộn bởi hiệu ứng mùa giải thứ ba với Jose Mourinho. Man City, đã chi tiền nhiều một cách lố bịch, rơi vào vòng xoáy tan rã của trạng thái chờ-Pep-đến suốt 6 tháng qua. Liverpool là một dự án dang dở không biết bao giờ mới hoàn thành. Còn Arsenal có vẻ sẽ mãi hài lòng với “chiếc cúp Top 4”.

Một lần nữa, vấn đề nằm ở tài chính và tiền bạc. Real Madrid và Barcelona, đứng đầu danh sách các CLB giàu nhất hành tinh của Forbes, đang vơ vét hết mọi ngôi sao lớn mà các đội Premier League, dù giàu có và thèm khát đến đâu, cũng không mời nổi. Họ đã lấy đi của các CLB hàng đầu nước Anh Thierry Henry, Cesc Fabregas, Xabi Alonso, Javier Mascherano, Cristiano Ronaldo, Luka Modric, Luis Suarez, và Gareth Bale mấy năm qua. Và đó chỉ là những người trực tiếp chuyển từ Anh sang Tây Ban Nha, chứ chưa nói tới các ngôi sao có cơ hội tới Premier League, nhưng từ chối, như James Rodriguez, Toni Kroos…

Tất nhiên, kinh tế học không thể giải thích được tất cả. Man United, Chelsea hay Man City vẫn là những đội bóng siêu giàu. Nhưng cùng lúc, cả 3 bước vào một thời kỳ chuyển giao đầy bất trắc. Trong khi đó ở cả Anh và TBN, các đội bóng được xây dựng dài lâu và vững chắc đã cho thấy họ có thể làm được gì. Ở Premier League là Leicester, còn ở Liga là Atletico Madrid. Cả hai có lối chơi giống nhau đến đáng ngạc nhiên: Phòng ngự vững chãi, phản công sắc bén, đá đơn giản, nhưng cực kỳ khó chịu.

Cách Ranieri và Diego Simeone xây dựng đội hình cũng thế, những cầu thủ rẻ tiền, chất lượng, đã gắn bó với CLB lâu năm, và một tập thể cực kỳ đoàn kết. Nếu xé nhỏ đội hình của Atletico và Leicester ra, từng cầu thủ chỉ có giá bằng số lẻ của những Ronaldo hay Anthony Martial, nhưng khi tập hợp lại, tổng thể lớn hơn nhiều so với giá trị tổng cộng.

Trong khi lối đá của họ không hề đẹp mắt, thật trớ trêu, Atletico và Leicester lại chính là điều khiến các CĐV tin vào sự lãng mạn vẫn còn tồn tại trong bóng đá, mà đôi khi các nguyên lý kinh tế học không thể giải thích được.

17 Xét về quỹ lương, Leicester chỉ đứng thứ 17/20 đội Premier League.

7,7 Theo định giá của Forbes, Real Madrid (3,26 tỉ USD) trị giá gấp 7,7 lần đối thủ của họ ở trận chung kết Champions League, Atletico (436 triệu USD).

50 Cả Leicester và Atletico đều có tỉ lệ cầm bóng trung bình/trận dưới 50% ở các giải Premier League và Liga mùa này.

Chỉ một lần trong đời như Blackburn?

Tuy nhiên, cũng có khả năng không nhỏ rằng hiện tượng Leicester sẽ chỉ xảy ra một lần, giống như Blackburn hồi năm 1995. Mùa tới hẳn vẫn còn những người đánh cược cho họ vô địch (và tỉ lệ ăn thua chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều so với mức 1 ăn 5.000 mùa này), nhưng khả năng thắng cược của họ sẽ thấp hơn nhiều, và không ai ngạc nhiên nếu trật tự được lặp lại ở Premier League.


Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Ali  (12/05/2016 03:00:04)
xxx_alibaba@yahoo.com
Tác giả nói Ngoại Hạng Anh là giải đấu có sự chia rẽ giàu nghèo sâu sắc nhất là sai rồi. Phần tiền bản quyền truyền hình được phân chia cho các đội khá đồng đều nhau, cũng như ngân sách hoạt động của các CLB nhóm yếu cũng không hề nhỏ.
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến