(Thethaovanhoa.vn) - Hãy coi mình là Arsene Wenger. Một sáng thức dậy, ông bỗng dưng thấy Arsenal không còn Mesut Oezil và Alexis Sanchez nữa. Ông hoảng hốt với thực tại này.
1. Đội bóng mất đi một chân kiến tạo siêu việt và một cầu thủ tấn công bùng nổ dữ dội suốt 2 mùa giải từ khi cập bến Arsenal với giá 35 triệu bảng. Oezil đã đóng góp trực tiếp (nghĩa là ghi bàn hoặc kiến tạo) vào 11 bàn thắng gần nhất của Arsenal. Cú đúp hạ Dinamo Zagreb giúp Sanchez đóng góp vào 7/9 bàn của Arsenal tại Champions League gần nhất. Bộ đôi này bốc hơi, Arsenal mất đi 15 đường kiến tạo và 12 bàn thắng ở Champions League lẫn Premier League.
Đội bóng nay chỉ biết trông vào Aaron Ramsey và Santi Cazorla? Hàng công chỉ còn đợi mỗi Giroud và mong Campbell trận nào cũng đá bốc lửa như trước Zagreb. Arsenal có lẽ không còn đáng xem nữa nếu mất hai người chủ chốt, đắt giá nhất, đang nhận lương cao nhất và đang đóng góp những phần quan trọng nhất cho tập thể đã rệu rã vì những chấn thương, dù mùa giải mới đi tới tháng 11.
Oezil và Sanchez những tiếng thở dài của Arsene Wenger. Ông không định mua những ngôi sao đắt đỏ như vậy, cho đến khi sức ép của vali tiền nằm trong góc nhà, sức ép của các CĐV và sức ép của 8 năm trắng tay liên tiếp buộc ông phải chi tiêu.
2. Tất nhiên, Wenger, một giáo sư kinh tế đã mua quá đúng đối tượng. Oezil và Sanchez thất sủng ở Real Madrid và Barcelona, vẫn là hai ngôi sao đẳng cấp thế giới và ở trình độ hàng đầu Premier League. Những tiếng thở dài của Wenger hóa ra lại là những thương vụ đúng đắn nhất trong vòng 3 mùa giải qua, những vụ mua bán thổi vào Arsenal sức sống mới. Tiếc là chu kì mua mỗi năm một ngôi sao đã chỉ dừng lại ở Petr Cech (cũng là một hợp đồng rất thành công).
Tất cả tự hỏi nếu Arsene Wenger thực thi chính sách Galacticos của Real Madid (mỗi mùa mua một ngôi sao đẳng cấp) thì trong vòng 5 năm đội bóng đã mạnh mẽ đến mức nào?
Wenger đã từng được các tay kí giả ướm hỏi và câu trả lời của ông luôn là không. Ông nói: “Zidane tới Real Madrid với giá 82 triệu bảng và cậu ấy chơi ở cánh trái. Chẳng có ai thắc mắc tại sao cậu ta phải chơi bên cánh trái. Bởi ở trung lộ, họ đã có Raul và Ronaldo, nên chỉ còn cánh trái cho cậu ấy mà thôi”.
Wenger nói đến sự phí phạm của chính sách Galacticos, chính sách đã “phá hủy” một số 10 đáng lẽ ra phải chơi ở trung lộ. Nhưng ông đang nói đến thế hệ thành công nhất trong lịch sử của Real Madrid, đội bóng đã vô địch Champions League năm 2002 mà cầu thủ ông tiếc rẻ ấy, là Zidane, đã tung cú vô lê để đời kết liễu Bayer Leverkusen.
HLV Arsene Wenger của Arsenal ca ngợi phong độ của tiền vệ Mesut Oezil trong trận thắng Dinamo Zagreb 3-0 ở bảng F Champions League.
3. Wenger luôn nhìn vấn đề chi tiêu ở góc độ tiêu cực. Thúc giục mua cầu thủ, ông bảo trên thế giới chẳng có cầu thủ nào đáng tiền. Thúc giục ông mua ngôi sao, ông sợ đội hình Arsenal đã quá đông đúc, nếu mua nữa sẽ phí phạm số tiền mà đội bóng đã giao cho ông.
Nhưng đã bao giờ ông tự hỏi, liệu các ngôi sao có thể giúp nâng tầm Arsenal, từ một đội 15 năm liên tục vượt qua vòng bảng Champions League thành đội đã vô địch Champions League ít nhất 1 lần trong 20 năm qua. Hoặc trở thành đội bóng không phải chào thua Bayern Munich hay Barcelona như Wenger đã cay đắng tự nhận thua hay không?
Wenger có tự hỏi, liệu vài Sanchez, vài Oezil sẽ biến Arsenal thành CLB có sức hút toàn cầu, tăng các khoản thu ngoài bóng đá như Galacticos đã mang lại cho Real các năm qua, không khiến Emirates thừa các ghế trống như tối qua trước Zagreb hay không?
Wenger không muốn lật lại vấn đề, có thể vì ông quá hiểu vấn đề, nhưng cũng có thể vì ông quá quen với nếp nghĩ cũ?
Với nếp nghĩ này, số phận của Arsenal chỉ nằm ở những lần vượt qua vòng bảng, Top 4, đôi ba ngôi sao đẳng cấp, những cái nhăn trán, một vườn trẻ. Họ không bao giờ dám mơ ước xa hơn?
Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa