(Thethaovanhoa.vn) - Khi Juergen Klopp đến, dường như Liverpool trở nên khác hẳn, khác ở vẻ ngoài sáng sủa của họ. Ông khiến Liverpool được chú ý hơn, trở thành tâm điểm nhiều hơn.
1. Nhưng có lẽ, Klopp cũng hiểu rằng ở Premier League Mourinho mới là thánh. Chỉ cần câu chuyện của Mourinho nổ ra thôi, lập tức báo chí tràn ngập cái tên của HLV người BĐN cứ như thể 19 HLV của Premier League chẳng có ai có tên cả.
Sở dĩ Mourinho làm được điều đó là bởi ông để lại dấu ấn quá lớn với người hâm mộ. Đó không phải là dấu ấn thành tích đã đạt được mà dấu ấn của cá tính. Ông trình diễn một cá tính trên sân, tạo ra những tranh cãi xoay quanh cá tính ấy, và luôn khôn ngoan đưa ra những bình luận châm chọc và mỉa mai, khiến người nghe phải bất ngờ, kể cả là sau đó ông phải trả giá bằng những án phạt.
Klopp chào sân bóng đá Anh bằng sự tươi tắn nhưng ông cũng đã bắt đầu để lại dấu ấn cá tính sau những tranh cãi, sau hành động từ chối bắt tay với Tony Pulis ở trận hòa 2-2 cuối tuần trước. Mourinho cũng luôn có những hành động và phát ngôn như thế, và kéo theo đó là những tranh luận xoay quanh. Nhưng Klopp khác Mourinho ở chỗ, ông tạo ra hành động gai góc nhưng ông vẫn cẩn trọng gìn giữ một hình ảnh lịch sự. Sau ‘đụng độ’ với Tony Pulis, ông đã xin lỗi, nhưng là cách xin lỗi mà nếu nghe những lời ấy, ta hiểu nó như sự khẳng định một cá tính thì đúng hơn.
Trong khi nhiều fan Liverpool phát sốt vì những hành động đầy cảm xúc của Juergen Klopp thì cây bút Tony Evans, qua bài viết trên ESPN, cho rằng HLV người Đức nên tập trung vào việc giúp Liverpool giành chiến thắng trên sân.
2. “Tôi phải nói là tôi rất tiếc vì những gì mình đã nói ra. Nhưng đó là cảm xúc. Và tôi là một con người giàu cảm xúc. Bạn muốn diễn dịch tôi thế nào là tùy bạn, diễn dịch sai cũng được. Nhưng nếu quay lại, tôi vẫn làm như thế thôi”, Klopp đã nói thế về ‘sự kiện Pulis’. Lời xin lỗi luôn là lời khó nói ra nhất và khi ai đó nói xin lỗi có kèm theo chữ ‘nhưng’, chúng ta nên hiểu rằng đó là một lời xin lỗi lý trí, tức là thấy tình thế cần nói lời xin lỗi nhưng thực tâm mình không có lỗi, người ta sẵn sàng nói ra để vừa lý giải, vừa không làm tổn hại đến tình thế chung cũng như vị thế của mình.
Ở điểm này, Klopp khác hoàn toàn Mourinho. Mourinho chưa bao giờ xin lỗi ai cả, trừ người hâm mộ. Nhưng lời xin lỗi người hâm mộ của Mourinho luôn là thật lòng, và ông không cần chữ ‘nhưng’. Các HLV khác cũng vậy. Xin lỗi người hâm mộ, họ không cần dùng chữ ‘nhưng’. Còn với đối thủ thì Mourinho chẳng bao giờ nhận lỗi về mình. Ông cương quyết với lựa chọn đã đưa ra, không bao giờ thay đổi, bất chấp hậu quả. Klopp tỉnh táo hơn, chắc tại bởi ông là người Đức, nên ông vẫn tính đến hậu quả có thể xảy ra. Ông cần giữ hình ảnh đẹp cho mình và CLB nhưng không phải là một hình ảnh kiểu tròn trịa, không ấn tượng mạnh nào. Bởi thế ông lựa chọn việc hành động bày tỏ cá tính, xúc cảm nhưng sẽ xin lỗi ngoại giao để giảm trừ tối đa tổn hại có thể xảy ra.
3. Với cách đó, Klopp sẽ là một cá tính mới được ưa thích ở ngoại hạng Anh, giải đấu mà các HLV còn lại hiện đều nhàn nhạt kiểu mô phạm là chính. Nhất là ở vào hoàn cảnh Mourinho đã ra đi, sân khấu chỉ còn mình Klopp, ông càng phải thể hiện nữa, tiếp tục khẩu chiến, tiếp tục chơi trò cân não, tiếp tục bùng nổ cảm xúc và xin lỗi xã giao theo các của mình. Như thế, ông chắc chắn sẽ thành công với bóng đá Anh, ít ra là ở khía cạnh tạo dựng một hình ảnh sâu đậm đến mức người Anh coi như đó là đặc sản trong giải đấu của mình.
Còn lúc này, mới chỉ khởi đầu, Klopp vẫn còn chưa thể nào vượt qua được một Mourinho đã mười năm danh tiếng. Nhưng cũng là may mắn cho ông, khi mọi ánh mắt đang đổ dồn về câu chuyện Mourinho, Liverpool sẽ ít bị soi hơn, chắc áp lực cũng bớt đi nhiều, sau khi ông đã có một kết quả hoà thất vọng trước West Brom cuối tuần trước.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa