Ghế HLV tuyển Anh: Nên đổi mới tư duy với Klinsmann

Thứ Ba, 19/7/2016, 8:43 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Ngán ngẩm là cảm giác chung của nhiều CĐV Tam sư khi họ biết rằng kế nhiệm Roy Hodgson có thể sẽ lại là một HLV nội. Dù đó là Sam Allardyce, Harry Redknapp, hay Alan Pardew, người Anh cũng không muốn thấy một Roy Hodgson thứ hai ở “Tam sư”.

Thứ họ cần lúc này là một tư duy đổi mới so với trước đây, nhưng tuyển Anh sẽ không thể có nếu một trong những cái tên nêu trên trở thành người kế nhiệm Hodgson. Hơn lúc nào hết, “Tam sư” đang cần một bộ óc từ ngoại quốc, đặc biệt là một người có triết lý mới mẻ, khác biệt, mà Juergen Klinsmann, HLV đang dẫn dắt tuyển Mỹ, là một trong số đó.

Tuyển Anh cần một người như Klinsmann

Để một HLV nước ngoài dẫn dắt đội tuyển thực ra không phải là điều những người hâm mộ bóng đá Anh mong muốn. Các đội lớn ở châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Bồ Đào Nha… đều được dẫn dắt bởi một HLV nội. Nhưng trong tình cảnh hiện nay, họ không còn sự lựa chọn nào khác. Đã đến lúc cần những ý tưởng mới mẻ cho dù nó có thể ảnh hưởng tới bản sắc của đội tuyển.

Tư duy của bóng đá Anh nói chung và các HLV Anh nói riêng đã trở nên quá cũ kỹ để có thể nghĩ tới thành công. Tuyển Anh cần một mô hình mới có thể đem lại sự tự tin và khát khao, những thứ mà họ quá thiếu thời gian qua.

Người Anh không còn xa lạ gì Klinsmann bởi cựu tiền đạo người Đức từng rất được yêu mến trong thời gian khoác áo Tottenham. Klinsmann luôn khác biệt với tất cả từ khi còn chơi bóng cho tới bây giờ là một HLV. Điều khiến Klinsmann trở nên hoàn hảo với tư cách HLV một ĐTQG là ông đưa đội bóng vào khuôn khổ, vào triết lý của mình. Ông sẵn sàng chống lại sự bảo thủ để giúp đội bóng tốt hơn, mà quá trình đưa một đội tuyển Đức cũ kĩ, lạc hậu tới vị trí thứ ba thế giới ở World Cup 2006 là một minh chứng.

Klinsmann chấp nhận ngồi lên ghế nóng tuyển Đức năm 2004 (sau khi Đức bị loại ngay từ vòng bảng EURO 2004) khi mà không một ai dám nhận. Đơn giản bởi Đức khi đó là một tập thể rệu rã, mất phương hướng, và vừa bị loại ngay từ vòng bảng 2 kỳ EURO liên tiếp (2000, 2004). Nhưng Klinsmann vẫn chấp nhận thử thách bởi ông biết Đức cần gì lúc đó.

Những thay đổi Klinsmann đem lại là gì? Ông thuê một HLV bóng chày và cho cầu thủ chơi bóng ném với mục đích đội bóng phải luôn luôn hướng lên phía trước, hạn chế những đường chuyền về. Ông cũng tuyên bố rằng thể lực đội Đức quá yếu và họ cần thay đổi. Klinsmann lập ra cả một ban tham mưu hùng hậu, tốn kém và nhất là ông mời sang Đức một tốp chuyên gia lo về thể lực và tâm lý. Ông còn tăng cường giao tiếp với cầu thủ, tạo một môi trường liên kết mới, lấy e-mail làm phương tiện chủ yếu. Tóm lại, Klinsmann cho thấy một tư duy mới, từ cách chọn người cho tới tổ chức bộ máy.

Kết quả ai cũng đã thấy. Đức giành vị trí thứ 3 ở World Cup 2006, và quan trọng hơn, Klinsi để lại một di sản để từ đó Joachim Loew nắm lấy và đưa họ lên một tầm cao mới.

Tại tuyển Mỹ sau này, Klinsi chưa ấn tượng như khi dẫn dắt Đức, nhưng nếu ở trong một môi trường gần giống với Die Mannschaft, như Anh chẳng hạn, ông hoàn toàn có thể gặt hái thành công.

Cần nhớ rằng gần một nửa đội hình tuyển Mỹ của Klinsi đến từ MLS (giải đấu có lẽ chỉ có trình độ tương đương giải Hạng Nhất của Anh). Đó là một tập thể không tệ nhưng chắc chắn với đội hình này, Klinsmann chẳng thể tạo ra một đội bóng có sức cạnh tranh với Đức, Pháp, hay Argentina. Trao cho Klinsmann một đội hình tốt hơn (tuyển Anh hoàn toàn có thể đáp ứng được), và để ông quyết định mọi thứ, một đội bóng tốt sẽ được tạo ra.

Klinsi vẫn cần một trợ lý giỏi

Thành công của Klinsmann khi còn dẫn dắt tuyển Đức không thể không nhắc đến vai trò của trợ lý Joachim Loew. Có thể nói, quyết định quan trọng nhất của Klinsmann chính là quyết định bổ nhiệm Loew vào vị trí trợ lý cho mình. Ý tưởng của Klinsmann được Loew thực hiện một cách xuất sắc, và nó cũng chứng tỏ triết lý huấn luyện của ông: Thành công của đội bóng phải đến từ tập thể, từ một ê-kíp chứ không phải một cá nhân riêng rẽ, dù anh có giỏi đến đâu.

Nếu dẫn dắt tuyển Anh, Klinsi cũng cần một cánh tay phải như vậy, một người có cảm quan chiến thuật xuất sắc, theo kịp với thời đại và biết lên kế hoạch. Một mình Klinsi không thể làm hết tất cả. Thuê Klinsmann và sau đó để chính ông chọn ra trợ lý sẽ là quyết định sáng suốt nhất của FA nếu họ đưa HLV người Đức ngồi vào ghế nóng.

3 Klinsmann đã dẫn dắt 3 đội bóng cho tới lúc này là tuyển Đức (2004-2006), Bayern Munich (2008-2009) và Mỹ (từ 2011).

56,80 Tỷ lệ chiến thắng của Klinsmann trên cương vị HLV cho tới lúc này là 56,80%.

21 Klinsmann đã ghi tới 21 bàn ở Premier League trong mùa giải đầu tiên với Tottenham (1994-1995). Ở mùa còn lại, 1997-1998, ông ghi được 9 bàn sau 15 trận.

Người Mỹ vẫn cần Klinsmann

Tuyển Mỹ dưới sự dẫn dắt của Klinsmann vừa thua ở Bán kết Gold Cup 2015, khiến họ bị chấm dứt chuỗi 5 năm liên tiếp lọt vào Chung kết giải đấu này. Tuy nhiên, mùa Hè vừa qua, HLV người Đức đã đưa Mỹ tới Bán kết Copa America và chỉ chịu thua đối thủ rất mạnh là Argentina. Thực tế là cách đây 3 năm, Klinsi cũng đã giúp Mỹ giành chức vô địch Gold Cup.

Trên thực tế, tuyển Mỹ dưới sự dẫn dắt của Klinsi không quá coi trọng giải đấu “ao làng” Gold Cup mà họ hướng tới những mục tiêu lớn hơn. Tại World Cup 2014, Mỹ đã chơi khá tốt và chỉ chịu thua Bỉ ở vòng 1/8 trong hiệp phụ. Tuyển Mỹ vẫn cần Klinsi cho vòng loại World Cup 2018 đơn giản bởi họ khó tìm ra ai thích hợp hơn ông vào lúc này.


Vũ Mạnh
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến