(Thethaovanhoa.vn) - Khi thông tin Mourinho được lựa chọn là HLV của Man United, rất nhiều người đã hình dung ra viễn cảnh cơ hội sẽ khép lại với những cầu thủ trẻ ở Old Trafford.
1. Mourinho không phải là người kiên nhẫn với những người trẻ. Ông đề cao hiệu quả và phải là hiệu quả ngay tức thì, trong từng trận đấu, từng giai đoạn của một mùa giải cho tới cả nhiệm kỳ của mình. Ông không chấp nhận việc đến một CLB nào đó mà không thể mang lại danh hiệu, vì nó sẽ ảnh hưởng đến chính thương hiệu của ông, một HLV bậc thầy.
Và khi Mou kéo được Zlatan Ibrahimovic về Man United, liền sau đó là Mkhitaryan, viễn cảnh Mou xây dựng một Man United theo hướng Galacticos ngày càng rõ hơn. Đặc biệt, với việc tỏ ra ngưỡng mộ đến say mê Paul Pogba và sẵn sàng trả cái giá kỷ lục cho tiền vệ người Pháp, Man United càng bộc lộ rõ hơn yếu tính của họ ở thời kỳ mới: Yếu tính galacticos.
Phải chăng, sự thay đổi yếu tính để trở thành galacticos cho thấy sự nóng ruột của các ông chủ Man United sau khoảng thời gian 3 mùa bóng không danh hiệu và trước mắt là một mùa bóng không Champions League? Điều đó nghe hoàn toàn hợp lý. Man United là một thương hiệu lớn và việc thất thế ở Premier League cũng như không có tên ở Champions League sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu của họ.
Để giải quyết ngay vấn đề ấy, Man United buộc phải hướng tới một sách lược ngắn hạn: Dùng 1 HLV đề cao hiệu quả; mua những ngôi sao lừng danh để ngay lập tức có thể mang những danh hiệu trở lại Old Trafford.
2. Song, sách lược ấy có thể sẽ không phải là ngắn hạn mà nó hoàn toàn trở thành văn hóa mới của Man United, văn hóa của giới chủ nhà Glazers. Với người Mỹ, hiệu quả trên thị trường là mục tiêu tối thượng không khác gì hiệu quả trên sân bóng mà Mourinho luôn hướng tới. Nhà Glazers hình dung quá rõ những gì họ có thể đạt được với chính sách Galacticos theo kiểu Real ấy, nhất là sau khi họ được nếm trải qua vị ngọt của nó.
Năm 2014, sau World Cup, James Rodriguez gia nhập Galacticos ở Bernabeu với mức giá tương đương khoảng 63,75 triệu bảng Anh. Nhưng chỉ sau 3 tháng, số tiền Real thu được từ doanh số áo đấu của Rodriguez đã bằng 1/3 chi phí để họ bỏ ra mua ngôi sao này. Real Madrid nói riêng và các CLB lớn như Barca, Bayern, Man United, Chelsea, Liverpool… không bao giờ lỗ khi mua các siêu sao. Đơn giản, họ thu lại từ các siêu sao ấy rất nhiều, mà chủ yếu đến từ phần ăn chia trên doanh thu khai thác hình ảnh (Real lấy 50% doanh thu các hợp đồng quảng cáo của Ronaldo) cũng như từ các hoạt động thương mại gắn liền với hình ảnh cầu thủ ấy.
Thậm chí, với các CLB tầm cỡ như Man United, chưa cần là siêu sao cũng đã đủ mang lại cho CLB nguồn thu rất lớn. Điển hình như Martial. Đến Man United, giai đoạn đầu cái tên Martial không bán được nhiều áo bằng Depay. Nhưng sau mùa giải bùng nổ vừa rồi, Martial trở thành cầu thủ bán áo chạy nhất Man United và đứng thứ ba trên thế giới (sau mỗi Messi và CR7). Với đóng góp từ Martial, mùa giải 2015/16, Man United vẫn là CLB bán áo hàng đầu thế giới, với số lượng áo bán được lên tới 2.850.000 chiếc, tăng 40% so với mùa trước đó.
3. Vậy thì trường hợp Pogba tới Old Trafford sẽ có thể là cú hích cực mạnh cho hoạt động thương mại của Man United. Pogba, với sự thay đổi kiểu tóc liên tục, đang cho thấy anh hướng tới một hình ảnh cầu thủ trẻ trung, thời thượng. Và chắc chắn, nếu Man United có bỏ ra 130 triệu bảng Anh để mua anh đi nữa, họ cũng không lỗ, nếu như 5 năm trong hợp đồng của mình, Pogba trở thành một biểu tượng của Quỷ đỏ, một biểu tượng mà ngay cả Ibra cũng phải lép vế. Nếu tỏa sáng, thương hiệu của Man United sẽ nâng thương hiệu cá nhân của Pogba lên và anh sẽ trở thành nam châm hút các nhãn hàng đang muốn dùng sức mạnh mềm của bóng đá để chiếm lĩnh các vùng thị trường.
Sách lược Galacticos của Man United chắc chắn không phải là ngắn hạn. Nó là một quyết định mang đậm toan tính kinh tế của Glazers, những người không mua Man United vì mục đích thể thao và chưa bao giờ đến với thế giới thể thao chỉ với mục đích thể thao đơn thuần.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa