Derby Manchester: Hãy học cách thua như ... Sir Ferguson

Thứ Sáu, 23/10/2015, 20:7 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Chẳng người hâm mộ nào của Man United lại chờ đợi một thất bại trước Man City ở trận derby Manchester nhưng ngay cả dưới thời Alex Ferguson, họ cũng từng để thua đối thủ với những tỷ số chênh lệch. Đành rằng phong độ là nhất thời, nhưng học cách thua và đứng dậy như Alex Ferguson có lẽ là chưa từng ai nhắc đến, đồng thời giải thích tại sao Man United dưới thời ông lại thống trị bóng đá Anh lâu đến vậy.

Câu chuyện dưới đây được nói đến sau thất bại 1-6 của Man United trước người láng giềng ở Old Trafford vào tháng 10/2011. Đó là mùa giải không thành công của Red Devils nhưng tại Premier League, Man City cũng chỉ vô địch cho tới những giây cuối cùng và nhờ vào khoảnh khắc ghi bàn của Sergio Aguero.

Bình tĩnh và tiếp tục (xử sự)

Khi được báo chí hỏi về thất bại trước Man City, Ferguson khẳng định rằng “các anh có thể phân tích thế nào cũng được nhưng chúng tôi thì phải quên như thể nó chưa bao giờ xảy ra”.

Thực tế thì chẳng ai quên được trận thua 1-6 đó nhưng nhiệm vụ của Ferguson ở Carrington giải quyết những gì xảy ra xung quanh và tập trung vào trận đấu tại Everton sau đấy. Như thường lệ, ông vẫn giữ được sự bình thản trong mọi hoàn cảnh dù Man United thắng hay thua vì như ông nói, niềm vui thành công sẽ lướt qua nhanh giống như cách họ đối mặt với thảm họa.

Khác biệt là nếu người thầy của ông, Jock Stein, để thất bại lắng xuống trước khi chỉ ra những sai lầm, Ferguson thừa nhận ông cần giải quyết ngay mọi vấn đề nhằm tránh tình hình trở nên trầm trọng hơn. “Ở CLB này, chúng tôi không quên gì cả,” Ferguson khẳng định. “Nhưng có sự khác biệt giữa việc nhớ và giải quyết vấn đề.”


Sir Alex luôn bình tĩnh ứng biến sau những thất bại

Giải quyết vấn đề ở đây là mổ băng, xem xét các số liệu giữa các thành viên BHL với một thái độ tích cực. Nói như trợ lý Mike Phelan thì “đôi lúc anh thất bại và đôi lúc anh thành công. Anh không thể quá vui khi thắng và cũng không thể quá buồn khi thua.”

Cảm nhận nỗi đau (tâm lý)

Khi Man United để thua 1-5 trước Man City tại Maine Road vào tháng 9/1989, Ferguson đã quay sang cầu thủ dự bị Lee Sharpe và yêu cầu tiền vệ cánh trẻ chuẩn bị vào sân. “HLV tung tôi vào trong khoảng 20 phút cuối cùng,” Sharpe nói. “Tôi nghĩ ông ấy muốn tôi cảm nhận một thất bại là như thế nào.”

Đúng là không ai khai thác nỗi đau thất bại kiểu như Ferguson. Và không chỉ một lần. Sau thất bại nữa ở Maine Road vào tháng 11/2002, thất bại đầu tiên của Man United ở derby trong 13 năm, Ferguson dọa sẽ mời các CĐV vào phòng thay đồ “để các cầu thủ biết được CĐV đang nghĩ gì”.

Còn Gary Pallister, người đứng trong đội hình thua 1-5 tại Man City và 0-5 ở Newcastle vào năm 1996, thừa nhận Ferguson hy vọng “nỗi đau và cảm giác xấu hổ ở các cầu thủ sẽ là động lực giúp họ có một phản ứng tích cực”.

“Đây là một tuần khó khăn cho tất cả,” Ferguson đã nói thế về trận thua 1-6. “Các cầu thủ, ban huấn luyện, nhân viên của CLB đều bị tác động nhưng chúng ta phải quên nó đi. Khi chúng ta thua 0-5 trước Newcastle, chúng ta đã đứng dậy và vô địch cách biệt 10-11 điểm.”

Giữ bí mật về phòng điều trị (tập trung)

Một trong những thống kê dễ thất của Man United trong mùa giải 2011/12 là Ferguson sử dụng không dưới 23 cầu thủ trong 9 vòng đấu đầu tiên. Chấn thương, bệnh tật đã lấy đi của ông cơ hội có được hàng thủ mạnh nhất, trong khi hàng tiền vệ vắng nhiều trụ cột. Những trung vệ kinh nghiệm như Nemanja Vidic và Rio Ferdinand đều ngồi ngoài, còn Ryan Giggs, Tom Cleverley và Darren Fletcher cũng không thể ra sân.


Sir Alex luôn giữ bí mật về tình hình chấn thương của đội bóng

Giải quyết thế nào đây, Ferguson từng tiết lộ rằng “Tôi không bao giờ nhắc các cầu thủ ai vắng mặt, thậm chí không bao giờ nói đến điều đó bởi vì họ đâu có ra sân.” Ở đây, quan điểm của Ferguson là nếu làm các cầu thủ mất tập trung về những chuyện như vậy, kết quả sẽ bị ảnh hưởng.

Sau cùng thì sẽ là tốt hơn nếu sử dụng những cầu thủ đang có thừa thể lực và khát khao được ra sân thay thế.

Trừng phạt (quyền lực)

Những thất bại lớn thường để lại những hậu quả về mặt tâm lý ở các cầu thủ và ở trường hợp của Man United, người ta có lý do để hoài nghi về Ferdinand và Patrice Evra, rồi thể lực của Vidic. Thường thì sau một trận đấu như thế, ai cũng sẽ đưa ra các dự đoán về đội hình sắp tới ở Goodison hay xa hơn là tương lai của các cầu thủ.


Sir Alex sẵn sàng trừng phạt các học trò

Với Ferguson, chuyện này là rất bình thường khi ông sẵn sàng gạt bỏ Ruud van Nistelrooy và Roy Keane nếu cảm thấy họ không còn hiệu quả nữa. Còn lần này, với sự nổi lên của Phil Jones và Chris Smalling, ông mượn họ để gửi một thông điệp tới Ferdinand. “Đôi lúc, khi một cầu thủ già đi, anh phải nhận thấy điều đó và họ cần phải biến đi,” Ferguson đã nói như vậy trên RTE.

Có thể nhiều người sẽ cho đấy là một hành động tàn nhẫn và thiếu tình người, nhiệm vụ của Ferguson là duy trì khả năng cạnh tranh của Man United, cũng như tạo không gian cho những cầu thủ trẻ có cơ hội phát triển.

Sau cùng thì không cầu thủ nào lớn hơn CLB và ở Old Trafford, không ai lớn hơn Ferguson.

Quang Huy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến