(Thethaovanhoa.vn) - Không khó để cảm nhận rõ tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến bóng đá xứ sở sương mù. Tương lai của nhiều CLB tại các hạng đấu nước Anh rất mịt mờ, với quá nhiều vấn đề từ tài chính đến các cầu thủ.
Ngoại hạng Anh trở lại vào tháng 6. MU giành lợi thế trong thương vụ Van de Beek. Thêm một liên đoàn kết thúc sớm mùa giải. Tin tức bóng đá hôm nay 28/4.
Ông Andy Pilley, chủ tịch CLB Fleetwood Town, đội bóng đang chơi ở giải hạng Nhì Anh (League One), đưa ra lời cảnh báo về những ảnh hưởng của virus corona đến bóng đá xứ sở sương mù: “Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ mất đi nhiều CLB tên tuổi. Dịch bệnh có thể phá hủy tính đồng nhất của các giải đấu tại nước Anh. Trên tất cả, dịch bệnh có thể đe dọa đến sự tồn tại của đội bóng chúng tôi nếu không có những giải pháp cần thiết. Lo ngại của cá nhân tôi là sẽ có không ít đội bóng rơi vào ngõ cụt”.
Thiệt hại rõ ràng về tài chính ở các hạng đấu
Những lời nói của ông Pilley hoàn toàn dễ hiểu. Fleetwood Town hiện dạng xếp thứ 5 tại League One và đã không chơi thêm một trận đấu nào kể từ ngày 10/3, Trận đấu sân nhà gần nhất của họ diễn ra hôm 7/3. Hơn một tháng qua, khi nước Anh bắt đầu cách ly xã hội kể từ 23/3, mọi nguồn thu của đội bóng từ bán vé cho đến cho thuê văn phòng đều đã không còn. Ông Pilley chia sẻ tiếp: “Chúng ta đang sống trong thế giới chỉ tiêu tiền chứ không thể kiếm tiền. Nó ngược hoàn toàn với nguyên lý cơ bản của kinh tế là chúng ta cần kiếm nhiều hơn chi”.
Theo ước tính của tập đoàn KPMG, một đơn vị trong nhóm Big Four về kiểm toán trên thế giới, dịch bệnh khiến doanh thu 5 giải đấu hàng đầu châu Âu (Premier League, Ligue 1, Bundesliga, Serie A, La Liga) chịu thiệt hại khoảng 3,5-4 tỉ euro (3-3,5 tỷ bảng). Riêng Premier League con số này lên tới 1,25 tỷ euro (1,1 tỷ bảng), còn 48 CLB tại League One và League Two (hạng Nhì Anh), hai hạng đấu thấp nhất trong hệ thống hạng đấu chuyên nghiệp của Anh, sẽ chịu khoản lỗ vào khoảng 50 triệu bảng. Vấn đề này không buông tha Fleetwood Town, đội bóng thuộc thị trấn Fleetwood, vùng Tây Bắc nước Anh với dân số chỉ vỏn vẹn 25 nghìn người.
Một đội bóng khác ở League One là Portsmouth chịu chung số phận như Fleetwood. Ông Mark Caitlin, giám đốc điều hành của CLB, bày tỏ sự lo lắng: “Mỗi trận đấu chúng tôi không thể thi đấu vì dịch bệnh, chúng tôi mất đi số tiền khoảng 125 nghìn bảng”. Hậu vệ Christian Burgess cảm thấy bi quan hơn: “Liệu mọi đội bóng có thể sống sót sau dịch bệnh? Tất cả tùy thuộc bao giờ dịch bệnh chấm dứt. Nhưng có một thực tế rõ ràng là nếu mọi chuyện cứ kéo dài thế này, nhiều CLB sẽ biến mất. Tôi nghĩ không ít đội bóng có nguy cơ phá sản”.
Tình hình càng tệ hại hơn nếu nhìn vào các hạng đấu nghiệp dư của bóng đá Anh. Các hạng đấu phía dưới Nations League khu vực miền Bắc và Nam nước Anh đã bị hủy bỏ kết quả mùa này. Còn giải Nations League, hạng đấu thứ 5 trong hệ thống bóng đá Anh, cũng buộc phải hủy các trận đấu còn lại của mùa giải và đang tính toán để tránh đi vào kịch bản “null and void” (vô hiệu mùa giải) như các hạng dưới đã làm.
Các cầu thủ đi đâu, sống ra sao?
Giống như Premier League, có quá nhiều cầu thủ ở các hạng thấp hơn sẽ đáo hạn hợp đồng vào ngày 30/6 tới. Ông Mark Devlin, giám đốc điều hành của CLB Huddersfield, cho rằng các CLB có thể kéo dài thời hạn hợp đồng vượt qua mốc 30/6, nhưng một vài cầu thủ sẽ không cảm thấy thoải mái, nhất là những người đã xác định sẽ tìm bến đỗ mới.
Những cầu thủ sắp hết hạn hợp đồng thì lo việc chơi bóng ở đâu sau mùa hè này. Còn các cầu thủ khác thì sao? Họ lại chịu áp lực làm thế nào để chi trả cho cuộc sống thường nhật. Cầu thủ Burgess chia sẻ: “Không phải cầu thủ nào cũng dư dả tiền bạc. Vẫn có những cầu thủ chưa biết tương lai của mình ra sao”. Phần lớn các cầu thủ ở hạng đấu thấp chỉ có nguồn thu nhập là lương hàng tuần. Nếu không chấp nhận giảm lương trong ngắn hạn, họ sẽ gây rắc rối cho CLB mình khoác áo trong tương lai gần.
Không dễ để tìm ra câu trả lời cho những ông chủ và chủ tịch các CLB về cách thay đổi việc điều hành CLB. Đặc biệt là giải hạng Nhất Anh, khi tân chủ tịch Football League Rick Parry tỏ ra lo lắng với quỹ lương chiếm tới 106% doanh thu ở nhiều đội bóng. Để kết thúc câu chuyện, chúng ta hãy mượn lời phát biểu của ông Caitlin: “Đã đến lúc bóng đá cần tự nhìn lại mình. Chúng tôi mong muốn các CLB giới hạn số tiền một ông chủ đầu tư và thay vào đó xây dựng mô hình tự chủ để ngăn cơn bùng nổ không kiểm soát về tài chính. Nếu không chúng ta sẽ chẳng thể có một cơ hội tốt hơn để cải thiện tình hình”.
Linh Sam