(Thethaovanhoa.vn) - Giải ngoại hạng Anh không hấp dẫn nhất hành tinh nếu chỉ nhìn những gì đã diễn ra sau 16 vòng đấu mùa này. Phân tích của nhà báo Phạm Tấn với ông chủ quán cà phê.
* Ông chủ quán: Sự hấp dẫn của giải Ngoại hạng Anh dường như không còn nữa. Có quá nhiều các trận đấu kết thúc với tỉ số 1-0, thậm chí 0-0. Manchester United là biểu tượng của giải đấu này không chỉ nhờ thành tích mà ở lối chơi cống hiến quyến rũ. Nhưng họ là đội bóng gây thất vọng nhất xét về lối chơi mà vẫn đang trong nhóm dẫn đầu bảng xếp hạng. - Nhà báo Phạm Tấn: Ngoại hạng Anh vẫn có nhiều bàn thắng hơn Serie A. Sau 16 vòng thì giải Ngoại hạng Anh có 424 bàn thắng, còn Serie A chỉ có 395 bàn dù hai giải đều có 20 đội. Rồi Bundesliga cũng chỉ có 400 sau 16 vòng, không quá nhiều cả khi biết rằng nó có 18 CLB. Nếu so với chính Ngoại hạng Anh cách nay 2 mùa, khi Man City lên ngôi kịch tính lúc Liverpool đã dẫn đầu tới vòng cuối, thì tỉ lệ bàn thắng Ngoại hạng Anh mùa này cũng không giảm sút là mấy. Tính trung bình là 27,68 bàn/vòng, nên nếu qua 16 vòng thì tổng số bàn thắng lúc ấy vào khoảng 441 bàn sau 16 vòng. Chỉ hơn 17 bàn thắng không phải là sự chênh lệch quá lớn.
Nhưng rõ ràng là tính biểu tượng của giải Ngoại hạng Anh đang sứt mẻ. Man United chỉ là một cá thể. Điều quan trọng hơn nữa là nhiều trong số các trận đấu được coi là tâm điểm không hấp dẫn: Chelsea hoà Spurs 0-0. Man Utd hoà West Ham 0-0. Trận tranh ngôi thứ trong Top 4 giữa Leicester và Man Utd chỉ có 2 bàn thắng. Liverpool chật vật mới thắng Swansea 1-0. Arsenal cũng hoà với Spurs 1-1. Derby thành Manchester lại hoà 0-0. Lối chơi của Chelsea, Man Utd và cả Man City trong thời gian gần đây là khá tẻ nhạt, không thể hiện được đẳng cấp, và đánh mất những bản sắc vốn có. Arsenal hơi thiếu sự ổn định mà vẫn là đội bóng đáng xem. Mà đẳng cấp của một giải đấu thì không thể chỉ được tạo nên bởi những hiện tượng.
* Theo anh là vấn đề do đâu?
- Có một vai trò rất lớn của các huấn luyện viên, hơn cả vai trò của các ngôi sao cầu thủ (trong đó nhiều người sa sút) ở giải Ngoại hạng Anh lúc này. Nó có mang tính chu kỳ với biểu tượng lớn nhất của giải đấu là Man United khi Alex Ferguson về hưu trong khi các HLV tiếp nối không những không thể tiếp nối mà phá huỷ đội bóng ấy bằng triết lý, lối chơi hoàn toàn trái ngược. Louis van Gaal không phải là người không ưa thích tấn công. Nhưng có lẽ phương pháp quản trị của ông không thích hợp với bóng đá Anh và Man United, dẫn tới sự ra đi của hàng loạt ngôi sao tấn công. Việc tôn thờ thứ bóng đá đề cao kiểm soát bóng nhưng lại không thể tạo ra nhiều cơ hội và bàn thắng buộc người ta phải nghi ngờ cả phương pháp huấn luyện của ông.
Mourinho cũng vướng ở tính chu kỳ. Bản thân Mourinho không phải là người tự tạo nên sự hấp dẫn được. Ông chỉ làm cho các đội bóng của mình đáng chú ý ơn nhờ tạo ra sự đối lập với các đội bóng khác. Trong khi đó, Mourinho lại không phải là người tạo ra một thế lực thống trị trong nhiều năm do phương thức quản trị nhân sự chỉ thành công trong ngắn hạn. Arsene Wenger liệu có phải là HLV tài năng hàng đầu khi đội bóng của ông dẫn dắt không thể vô địch Ngoại hạng Anh kể từ mùa 2004-2005? Pellegrini của Man City là HLV giỏi, nhưng liệu có nằm trong Top 10 HLV xuất sắc nhất thế giới? HLV Klopp mang tới cho Liverpool một sức sống mới, nhưng không cần phải chứng tỏ nhiều hơn để có được sự thừa nhận chứ không chỉ là một chiến thuật gia biết cách chống lại những đội bóng mạnh hơn mình.
Điều này làm cho chúng ta, trong đó có chính tôi phải xem xét lại là có phải giải Ngoại hạng Anh đang có nhiều những HLV hay nhất không. Xét trên diện rộng, còn có Ranieri ở Leicester, Slaven Bilic ở West Ham, Koeman ở Southampton. Ranieri hiện là người thành công nhất, với việc tạo nên một Leicester ghi được nhiều bàn nhất sau 16 vòng với 34 bàn thắng. Nhưng Bilic đã hụt hơi trong khi thành công trước đó là nhờ ông biết cho các học trò phá lối chơi của đối phương. Những HLV như Bilic, Mourinho, Van Gaal, Koeman sẽ giúp các cầu thủ Anh trưởng thành về chiến thuật, nhưng lại làm suy giảm tính giải trí, bùng nổ, cống hiến của giải Ngoại hạng Anh.
* Và như thế ai sẽ đủ sức để cứu bóng đá Anh?
- Cứu là một khái niệm to tát. Nhưng có thể là vừa vặn với khả năng của Pep Guardiola. Một giải đấu cống hiến nhất cần phải có HLV tấn công xuất sắc nhất bóng đá thế giới hiện tại. Cách Pep Guardiola làm ở Bayern Munich ngay mùa đầu tiên đã cho thấy ông có khả năng huấn luyện bất cứ đội bóng nào, tập hợp cầu thủ nào đi theo triết lý của mình: Chủ động, kiểm soát bóng, và tấn công từ đầu chí cuối. Luis Enrique là người giành nhiều danh hiệu đỉnh cao mùa trước cùng Barca để có lúc được so sánh với Guardiola, nhưng thất bại ở Roma trước đó làm tôi nghi ngờ về khả năng huấn luyện, xây dựng đội bóng theo triết lý của Enrique. Vì thế, Guardiola có thể tới Man City hay Manchester United, thậm chí là cập bến Chelsea thì ông cũng sẽ tạo ra được một phiên bản của Barca, của Bayern Munich - những đội bóng tấn công xuất sắc nhất châu Âu kể từ đầu mùa này.
Giải Ngoại hạng Anh bán được bản quyền truyền hình tới 6 tỉ bảng cho ba mùa tới. Những ai trả tiền cho nó xứng đáng được xem một thứ bóng đá tốt hơn.
Thể thao & Văn hóa cuối tuần