Arsenal dính bão chấn thương: Còn đâu người mà đá?

Thứ Ba, 1/12/2015, 6:20 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Cứ theo tình hình này, theo từng trận, Arsenal sẽ không còn người để thi đấu. Nỗi sợ hãi đã biến thành ám ảnh, khi đội bóng của Wenger cứ ra sân y như rằng có chấn thương.

Hệ lụy của nó đã kéo dài 3 trận liên tiếp tại giải Ngoại hạng, khi các Pháo thủ vừa không có đủ giải pháp thay thế, vừa bị kéo căng thể lực, lại vừa đánh mất tinh thần và sự tập trung một cách đáng báo động.

Những đôi chân mệt mỏi

Chất lượng và sự sắc sảo tuyệt vời của bộ đôi Sanchez – Oezil đã tạo ra khác biệt, đúng như dự đoán. Nhưng trong cơn mưa ở Carrow Road, kịch bản cũ đã tái hiện gần giống như ở The Hawthorns. Đầu tiên là mất người. Tiếp đến là mất thế trận. Và cuối cùng là thủng lưới. Nếu tài năng của Cech không kịp thể hiện để đẩy quả bóng chạm đầu Gabriel Paulista trong hiệp 2, có lẽ Norwich cũng trở thành West Brom thứ 2. Arsenal đang có quá nhiều vấn đề! Từ cách chơi đến con người, từ chiến thuật đến tinh thần thi đấu. Câu chuyện về sự quá tải của các trụ cột hóa ra đã tới nhanh hơn người ta tưởng. Và những sự ứng phó từ băng ghế dự bị chỉ khiến các CĐV lo lắng thêm mà thôi.

Mất thêm Sanchez và Koscielny, Arsenal khủng hoảng lực lượng trầm trọng

Mất thêm Sanchez và Koscielny, Arsenal khủng hoảng lực lượng trầm trọng

Trong khi HLV Arsene Wenger đang phải đau đầu với vấn đề nhân sự, Arsenal đã mất thêm Alexis Sanchez và Laurent Koscielny sau trận hòa 1-1 với Norwich City do những chấn thương khác nhau.

Norwich có thể yếu hơn The Gunners về chuyên môn, nhưng chiến thuật thì không. Họ đã chơi một ván bài quá hợp lý khi tập trung toàn lực ở những phút cuối mỗi hiệp. Không khó hiểu khi lúc đó Arsenal đã lập tức luống cuống vì thấm mệt. Cũng chẳng ngạc nhiên khi các đường chuyền của Pháo thủ đột nhiên đạt chất lượng quá thấp vì đội hình bị phân tán.

Hệt như trường hợp của Coquelin hồi tuần trước, khi Sanchez rời sân, Arsenal lập tức mất thăng bằng nghiêm trọng. Đó cũng là thời điểm tất cả đều nhìn thấy sự yếu kém ở chất lượng lối chơi, chất lượng nhân sự, và cả tâm lý ở khắp các tuyến. Flamini cho thấy anh không hề đủ sức đá 90 phút, qua đó khiến toàn bộ hệ thống xương sống của đội vỡ vụn ở trung lộ. Cánh của Bellerin liên tục bị khoét, nhưng không phải vì anh lên quá cao, mà dường như Wenger đã không chỉ đạo anh phòng ngự như một hậu vệ biên. Khi cần xông lên và tìm bàn thắng, Arsenal cũng gây thất vọng ghê gớm khi sử dụng Joel Campbell và sau đó là Chamberlain. Hời hợt, luống cuống, và lúc nào cũng vội vàng chuyền bóng theo cảm tính, toàn bộ những đường chuyền của Pháo thủ trở nên vô hại và vô hồn. Giroud có thể cáu giận vì đói bóng, Ok. Nhưng cũng chẳng ai có thể tìm thấy tiền đạo người Pháp ở tư thế thuận lợi khi anh bị đóng đinh giữa 2 trung vệ cơ bắp của đối thủ. Trong bối cảnh như vậy, Arsenal không xứng đáng thắng!

Tạm biệt tháng giông bão

Theo thống kê của Opta, Arsenal của Wenger luôn có thành tích tồi tệ vào thời điểm tháng 11 mỗi năm. Thực tra, điều này không mới. Tuy thế, tháng 11 ác mộng của Giáo sư người Pháp vẫn cần phải giải thích theo ý nghĩa khác, duy vật hơn là duy tâm. Trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, cụ thể là trong suốt 19 năm dưới triều đại Giáo sư người Pháp, The Gunners mới có được 4 năm bất bại trong tháng 11 – nghĩa là đó là tháng có điểm số trung bình đáng báo động nhất trong năm. Hai yếu tố lý giải chuyện này. Trước hết là vấn nạn chấn thương khi mùa bóng đi vào giai đoạn khốc liệt nhất trên mọi đấu trường. Và thứ 2, dĩ nhiên là khả năng hệ quả của điều đầu tiên khi Arsenal đánh mất tư duy, phong cách, và bị áp lực đè nặng dẫn tới mất phương hướng ở các trận tưởng chừng dễ xơi.

Thật rắc rối, đây lại là tháng bản lề của chặng nước rút tại Giáng sinh và năm Mới, khoảng thời gian thầy trò Wenger thường tỏ ra rất nhạy cảm ở khả năng tăng tốc hay giữ sức để sẵn sàng tăng tốc. Dĩ nhiên, việc họ thường xuyên bị loại loại khỏi châu Âu ở tháng 2 sẽ dẫn tới những kết cục tốt đẹp hơn, và ổn định hơn ở tháng kế tiếp. Nhưng thường thì mọi chuyện đã quá muộn ở Premier League vào lúc này, bởi một nhà vô địch đúng nghĩa không thể buông súng một cách dễ dàng như vậy tại lúc cuộc đua đang cần điểm số nhất.

Nói như vậy không có nghĩa là Wenger đã luôn gặp vấn đề ở điểm rơi phong độ. Trái lại, việc Arsenal đá tốt trong nửa cuối mùa giải thường tạo được dấu ấn ổn định hơn để hướng tới Top 4 – mục tiêu được mặc định của họ kể từ khi rời xa danh hiệu vô địch Premier League. Có điều, cho tới lúc này, nếu The Gunners tiếp tục đi vào lối mòn và không thể thay đổi phương hướng khi đã có 2 chiếc Cúp FA, ông thầy người Pháp sẽ không còn gì để bào chữa cho những chính sách chuyển nhượng của mình.

Đó sẽ là hồi chuông báo động thực sự cho đế chế Wenger. Và cũng là lời kết khó thể bào chữa cho những người muốn đi theo quan điểm của ông. Vì Tình yêu mà bất chấp mọi danh vọng!

1,59 Điểm số trung bình mà Arsenal giành được trong tháng Mười một chỉ là 1,59 điểm/trận - thấp nhất trong tất cả các tháng trong năm.

2 Arsenal chỉ giành được 2 điểm trong tháng Mười một, dù trước đó, họ giành được tới 12 điểm trong tháng Mười.

13 Mesut Oezil đã góp công vào 13 bàn thắng trong 12 trận gần nhất tại Premier League (11 pha kiến tạo, 2 bàn thắng).


Yến Thanh
Thể thao & Văn hóa

dang nguyen dang khoa  (01/12/2015 09:13:23)
crew5993@gmail.com
Thử hỏi Manchester, mancity, Chelsea mà chấn thương kiểu như Arsenal thì cũng nát thôi
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến