(Thethaovanhoa.vn) - Ole Gunnar Solskjaer đã có 1 năm làm HLV chính thức của MU. Dù rất có nhiều những thăng trầm nhưng rốt cuộc, Ole vẫn chứng minh ông là người xứng đáng nhất được lựa chọn.
Theo truyền thông Anh, Ole Gunnar Solskjaer xác định 2 vị trí MU cần tăng cường cho mùa giải tới là tiền vệ trung tâm và cầu thủ chạy cánh phải.
1. 19/12/2018 là một ngày lịch sử với MU nói chung và cá nhân Ole Gunnar Solskjaer nói riêng. MU sa thải Jose Mourinho và bổ nhiệm Ole là HLV tạm quyền. “Một huyền thoại đã trở lại”, nhiều tờ báo Anh đã viết thế. Đánh dấu cột mốc quan trọng ấy, MU của Solskjaer đã tạo ra một cú nước rút thần kì. Từ một đội bóng đang trải qua chuỗi phong độ phập phù, MU thắng liền 6 trận liên tiếp ở Ngoại hạng Anh, 8 trận ở mọi đấu trường. Bên cạnh đó, MU còn tạo ra cú ngược dòng thần thánh trước PSG ở vòng 1/8 Champions League. Họ thua 0-2 trên sân nhà nhưng lượt về, MU xuất sắc có chiến thắng 3-1 để giành vé đi tiếp.
Với chuỗi phong độ ấn tượng ấy, BLĐ MU không thể làm ngơ. Vào ngày 28/3/2019, Solskjaer đặt bút kí vào bản hợp đồng có thời hạn 3 năm với MU. Quyết định ấy nhận được sự ủng hộ của tất cả các fan của Quỷ đỏ. Sau tất cả những gì đã làm được, Solskjaer xứng đáng có một bản hợp đồng chính thức. Bản hợp đồng này cho thấy niềm tin từ BLĐ MU đặt lên HLV người Na Uy. Bên cạnh đó, nó cho phép ông tiếp tục xây dựng một kế hoạch dài hơi vốn đã được ấp ủ từ thời điểm ông chấp nhận ngồi vào chiếc ghế nóng ở sân Old Trafford.
2. Nhưng làm HLV chính thức tạo ra nhiều áp lực hơn, và đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với khi làm tạm quyền. Đó cũng là lý do Solskjaer không thể giữ được tỷ lệ chiến thắng 73% như giai đoạn đầu. Cụ thể, tỷ lệ chiến thắng của MU một năm qua là 52,6%, thấp hơn so với tỷ lệ 59,7% của Sir Alex sau 1.503 trận.
Một trong những lý do dẫn đến tỷ lệ chiến thắng thấp như vậy của Solskjaer là khởi đầu cực kỳ tệ hại ở mùa giải này. Sau trận hòa 1-1 trước Arsenal ngay trên sân nhà Old Trafford, MU chỉ đạt 9 điểm/7 vòng đấu. Đó là khởi đầu tồi tệ nhất của MU kể từ năm 1989. Cần nhắc lại, mùa giải 1989-90 ấy cũng là thời điểm khó khăn nhất của Sir Alex khi ban lãnh đạo MU đã họp và cân nhắc sa thải ông, nhưng Sir Bobby Chalton đã đứng ra bảo lãnh cho nhà cầm quân người Scotland. Và phần còn lại thuộc về lịch sử...
Một lý do khác nữa chính là việc một số cầu thủ đã không thể hiện hết mình. Ví dụ điển hình nhất chính là trường hợp của Paul Pogba. Giai đoạn Solskjaer tạm quyền, anh chơi cực hay và chứng minh mình là cầu thủ quan trọng nhất. Nhưng sau đó, do những yêu sách về hợp đồng mới, Pogba làm mình làm mẩy, cộng thêm với những chấn thương ập đến, biến anh trở thành một người thừa ở Old Trafford. Pogba sa sút, Sanchez không thể hiện được mình trong khi Lukaku trở nên kém cỏi... MU đã trở lại với trạng thái phập phù như quãng thời gian Mourinho còn tại vị.
3. Sự phập phù ấy kéo dài sang mùa giải mới. Nửa đầu mùa giải là quãng thời gian đáng quên, khi MU không có được sự ổn định cao nhất. Nhưng sau mùa Đông, với bản hợp đồng mang tên Bruno Fernandes, MU đã khởi sắc trở lại. MU đã trải qua 11 trận bất bại liên tiếp trên mọi mặt trận, cho đến khi Ngoại hạng Anh nói riêng, và bóng đá châu Âu nói chung bị hoãn lại vì đại dịch Covid-19.
Quan trọng hơn, Solskjaer thường xuyên nói về việc đặt niềm tin vào các tài năng trẻ, và mong muốn phát hiện ra những ngôi sao từ hệ thống đào tạo trẻ của CLB. Mason Greenwood và Brandon Williams là những cầu thủ hưởng lợi nhất từ chính sách ấy. Ngoài ra, những James Garner, Angel Gomes và Tahith Chong đều đã được thử lửa ở giải Ngoại hạng Anh mùa này.
Có một thống kê là mùa giải này, MU là đội bóng số một về số cầu thủ tự đào tạo thi đấu ở giải Ngoại hạng, với 11 người, bỏ xa những đội kế tiếp như Chelsea (9), Arsenal, và Tottenham (7). Tất cả những điều ấy cho thấy Solskjaer đang đi đúng hướng trong tham vọng tìm lại một MU lừng danh trong quá khứ.
Trần Giáp