(Thethaovanhoa.vn) - Không hẹn mà gặp, cả bốn album xuất hiện trong đề cử Cống hiến - Album của năm là đại diện cho cả bốn phong cách nhạc khác nhau. Điều đó tạo nên một sự đa dạng thú vị cho những người cầm phiếu bầu. Thú vị hơn, trong bốn gương mặt này thì ba người lần đầu tiên “chạm ngõ” giải Cống hiến.
Nếu như Classic meets chillout của Phạm Thu Hà mang không khí bàng bạc cổ điển, giao thoa giữa pop và classical thì Country rock của Tạ Quang Thắng lại mạnh mẽ, căng tràn nhựa sống với rock. Khi mà Giấc mơ tôi của Uyên Linh đậm chất pop phù hợp với thị trường đại chúng thì Tuổi 25 của Lê Cát Trọng Lý vẫn vẽ nên một chất folk yên ả và sâu lắng. Cả 4 album này đều đại diện cho những dòng nhạc đang được đón nhận tại thị trường đại chúng và nếu xét chi tiết họ chính là những đại diện xuất sắc nhất.
* Classic meets chillout (Phạm Thu Hà) là một đại diện của dòng chảy cổ điển/bán cổ điển trong năm 2012 tại Việt Nam.
Phạm Thu Hà là một cái tên mới, dĩ nhiên, với những ai lần đầu tiên nghe cô. Nhưng cô không lạ với những nhà chuyên môn. Chính nhạc sĩ Võ Thiện Thanh là người đầu tiên “mách nước” cho báo giới nên nghe thử một lần cô ca sĩ có tên Hà Phạm với album đầu tay - Tình thu (album phát hành thử nghiệm và không bán rộng rãi). Anh cho rằng chất giọng soprano của Hà là của hiếm và nếu biết khai thác tốt thì đó sẽ là một đóng góp ý nghĩa cho làng nhạc Việt. Bẵng đi một thời gian, cái tên Hà Phạm đã trở thành Phạm Thu Hà, và cô phát hành album đầy tay vào ngày 12/12/2012 với cái tên Classic meets chillout và người làm album đầu tay cho cô không ai khác chính là Võ Thiện Thanh.
Chỉ nhìn tên album cũng có thể thấy được sự mong muốn kết hợp giữa cả hai. Nếu Phạm Thu Hà mạnh về cổ điển (giảng viên của Học viện âm nhạc Quốc gia) thì dòng chillout hiện nay ở Việt Nam khó ai có thể qua cái tên Võ Thiện Thanh. Và album này là một sự tổng hòa cân đối giữa cổ điển và chillout điện tử, giữa thế mạnh của giọng hát và phần hòa âm hết sức vững vàng của Võ Thiện Thanh.
Chillout của Võ Thiện Thanh kéo những giai điệu cổ điển đến gần với thị trường và cũng trên nền hòa âm chillout, Phạm Thu Hà tỏa sáng với sở trường thể hiện những giai điệu đẹp của cổ điển.
Tất cả những ca khúc trong album đều là những khúc cổ điển bất hủ của Fauré, Schubert, Chopin… và được đặt lời Việt để tạo không gian gần gũi người nghe.
* Country rock (Tạ Quang Thắng) là một album vẽ lại một năm khá nhịp nhàng của dòng chảy rock, dù là dòng chảy ngầm indie. Năm 2012 cho dù pop, pop dance làm mưa làm gió trên thị trường nhưng rock vẫn chảy, theo nhiều hướng với nhiều đại diện, nhiều chương trình ca nhạc và rock của Tạ Quang Thắng xứng đáng là một đại diện tiêu biểu. Bởi ở album này Thắng đã nói hộ cảm xúc rất gần với đời sống thanh niên về cuộc sống, về đất nước, về niềm tin con người, về niềm hy vọng.
Trong âm nhạc của Thắng là những cảm xúc chân thật, có những đoạn lời nghe như trích ra từ một cuộc phỏng vấn “dòng nhạc tôi yêu, điệu đàn tôi chơi là đam mê và khát khao của tôi” (bài Ngây thơ) nhưng nghe rất ngấm; có những đoạn dội lên cảm xúc chân thật về tình yêu đất nước như: “Một thời chiến đấu cha tôi anh hùng/ Một thời gian khó mẹ tôi đảm đang/ Vẫn giữ nụ cười và tiếng hát át tiếng bom / Để rồi nay bước trên con đường đời/ Dù bao gian khó, chông gai đời tôi/ Thì đứng dưới bóng cờ, là con tim ngân lên tiếng ca: Đoàn quân Việt Nam đi...” (Lá cờ, ca khúc đoạt giải Bài hát Việt). Nhạc của Thắng không hô hào, căng cứng những khẩu hiệu mà nhẹ nhàng và trên hết rock của Thắng thuần Việt hơn và dễ đi vào lòng người hơn.
* Tuổi 25 (Lê Cát Trọng Lý). Năm 2012 vẫn là Lê Cát Trọng Lý của 2011, có chăng câu chuyện của cô sâu hơn và âm nhạc của cô đã có thêm nhiều âm thanh mới. Trọng Lý là cái tên được tôn trọng trong làng nhạc và trong năm 2012 vừa qua khi có nhiều ca sĩ tên tuổi khác vẫn ra album nhưng Trọng Lý vẫn được nhận sự tôn trọng là bởi cô vẫn giữ được cho âm nhạc của mình một chiều cao như cô vẫn làm: nghiêm túc, có chiều sâu và sáng tạo. Chất dân gian đương đại của Lý vẫn được cô miệt mài khơi tìm và tại dấu ấn. Album Tuổi 25 là một câu chuyện nhỏ được kể giữa một thị trường âm nhạc nhiều biến động nhưng vẫn tạo nên một nét riêng. Nét riêng của Lý có thể gặp lại ở nhiều phiên bản mới, có nét tự sự, từng trải, hoài nghi… nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có ai có thể làm tốt hơn Lý ở dòng nhạc này.
* Giấc mơ tôi (Uyên Linh) là một album pop đúng nghĩa. Trong một năm âm nhạc có nhiều biến dộng như 2012 thì pop vẫn là hạt nhân của mọi thị hiếu và cho dù có rất nhiều album ra đời nhưng Giấc mơ tôi của Uyên Linh vẫn được công nhận ở mức độ đại chúng và đánh giá của những nhà chuyên môn. Cho dù phải hơn một năm tính từ khi đoạt giải Vietnam Idol Uyên Linh mới ra album đầu tay nhưng có thể thấy ở album này là sự đầu tư kỹ lưỡng, việc chọn bài cũng đã được nâng lên chọn xuống và nội dung đi rất gần vào thị trường để có thể tạo nên nhiều bài hit. Trong số đó, Người hát tình ca đã rất nổi bật trên truyền thông, từ YouTube cho đến chương trình Bài hát yêu thích. Dù xét về tổng thể Giấc mơ tôi vẫn chưa phải là album thật sự nổi bật nhưng đó là album có chất lượng nhất của dòng pop trong năm 2012.
Ba cái tên: Quang Thắng, Phạm Thu Hà, Uyên Linh lần đầu góp tên mình trong hạng mục Album của năm tại giải Cống hiến năm nay và đó có thể xem là một sự khác biệt với mọi năm. Điều đó cũng chỉ ra rằng mọi sự nỗ lực, dù là lần đầu tiên, nếu xứng đáng đều được ghi nhận.
***
Lễ trao giải Âm nhạc Cống hiến lần 8-2013 sẽ diễn ra lúc 20h ngày 24/4 tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM, truyền hình trực tiếp trên VTV6 và VTV4. Công ty Cát Tiên Sa là đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất chương trình, VTV6 đồng hành sản xuất. |
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa