Nguyên Thảo: Ca lạ của showbiz - Ca hiếm của Cống hiến

Thứ Ba, 20/3/2012, 7:16 (GMT+7)
 

(TT&VH Cuối tuần) - Vô tình, Nguyên Thảo bị đặt lên bàn cân của Cống hiến với hai siêu sao: Mỹ Tâm và Hồ Ngọc Hà, khi bất ngờ lọt vào bảng đề cử 5 ứng cử viên danh hiệu Ca sĩ của năm 2011 (*). Thảo không bao giờ có được khối lượng fan cuồng tín như Tâm. Càng không bao giờ có một tiềm lực tài chính mạnh và ổn định như Hà. Có người đã ước: giá như Thảo có được một trong hai sự giàu có của Mỹ Tâm hoặc Hà Hồ: khán giả hoặc tiền bạc, thì có thể từ lâu cô đã bước ra ngoài ánh sáng chói lọi của thế giới showbiz.

Nhưng liệu đó có phải là ước mơ của Nguyên Thảo, cô ca sĩ hát sô ít nhất làng showbiz, làm album chậm nhất làng showbiz, kín tiếng nhất trong làng trồng cải lắm của showbiz để giữ cho mình một tiếng hát trong ngần nơi thánh đường âm nhạc?

Nghe mưa

Cô gái nhỏ, da đen và đôi tay đã quen với nước suối lạnh của những ngày Đông Đà Lạt. Ngày đó, hàng ngày ngồi ven suối rửa cà rốt thuê cho nhà vườn bán cho thương lái, Thảo vẫn mơ được hát. Giấc mơ ấy cũng có lần le lói sáng khi hát bên cạnh Hiền Thục - nổi như cồn ở tuổi 13 - khi cả hai đại diện cho các nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh thành dự thi toàn quốc. “Thảo nhớ gần 20 năm trước, có đoàn tạp kỹ về Đà Lạt biểu diễn. Có cô Ánh Tuyết hát Hòn vọng phu, có cô Lệ Thủy, chú Minh Vương hát cải lương, có xiếc, có kịch câm và có rất nhiều ca sĩ. Sân khấu đèn xanh đèn vàng, giấy bóng kiếng dùng để pha màu. Phông nền màu trắng và ánh sáng mờ mờ... Nhưng rất quyến rũ đối với một người tỉnh lẻ”. Thảo viết về “sự kiện” này trên facebook: “Rạp Hòa Bình ở Đà Lạt đông như kiến, chật ních khán giả, vỗ tay ầm ầm... hết rồi vẫn không chịu ra về. Thảo chắc nhiều đứa bạn của Thảo sau đêm đó cũng bắt đầu mơ mộng”. “Thảo rất thích hát, chẳng có lý do nào ngoài thích. Mơ ước lớn nhất là mình có thể được đứng trên một sân khấu lớn, được biểu diễn cùng các anh chị nổi tiếng”.


Nguyên Thảo trong chương trình tưởng nhớ 10 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 2011

Những năm 1990, khi sân khấu nhạc nhẹ của Hà Nội và Sài Gòn khởi sắc tưng bừng với các ngôi sao Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Bằng Kiều, Thu Phương... “giấc mơ ca sĩ” của Thảo càng rung động mãnh liệt. Sự kiện là tour Nghe mưa (1999) của cặp nhạc sĩ Dương Thụ - Bảo Chấn đến với Đà Lạt, chưa bao giờ Thảo bị hút hồn đến thế.

Sân vận động Đà Lạt với 15 ngàn người. Bảo vệ không thể làm gì khác ngoài việc mở cửa cho mọi người tràn vào, chen nhau xuýt xoa trong cái lạnh. Mọi người xì xầm, sân khấu đẹp quá, hoành tráng quá, ca sĩ hát hay quá. Thảo nhớ Trần Thu Hà hát bài gì đó về mẹ, lúc ấy chị không phải là diva như bây giờ. Khán giả có vẻ không hiểu “style” của chị lắm, “bài này lạ quá, chưa bao giờ nghe!”. Nhưng Thảo thấy hay hay, xúc động, mà thấy hay cũng chưa hiểu vì sao nó hay, cứ vỗ tay cái đã. Hết chương trình cũng không muốn về, lần lữa mãi biết đâu họ đổi ý hát thêm. Thảo bắt đầu mơ làm nghệ thuật từ lúc này.

Bay theo giấc mơ bong bóng

Thảo kể nửa đùa nửa thật về câu chuyện khởi nghiệp của mình. “Bọc 5 triệu đồng trong túi, Thảo chạy ra đầu cầu thang chợ Đà Lạt mua một chục quả bong bóng, mượn sức gió đu thẳng về “Saigonhollywood”. Nặng 39 ký, hơi lùn một chút..., Thảo thấy mình bé nhỏ, lọt thỏm giữa đám nhà cao cửa lớn. Lúc đó, trong mắt Thảo, khách sạn New World to vật vã, đường phố đông đúc vội vã... Mấy bộ đồ vía mang từ Đà Lạt xuống làm Thảo rụt vai, khép mình lại một chút. Thảo vừa đi hát mỗi đêm, vừa đi học thêm. May mắn là Thảo được nhiều anh chị đi trước giúp đỡ nên đắt show hát tụ điểm lắm, bắt đầu có ít tiền rủng rỉnh để mua cái này cái kia...”.


Nguyên Thảo của những ngày mới chập chững bước vào con đường âm nhạc

Như rất nhiều giọng ca chân đất đến từ cao nguyên, Sài Gòn xa lạ đó nhưng cũng dễ sống với những người có chút khả năng. Mà hát thì càng dễ, chạy vài tụ điểm, lựa vài bài “hit” Làn sóng xanhMTV là có luôn một nhạc mục để chạy show. Thảo bóng gió lần dịch chuyển của mình bằng những quả bong bóng, xem ra giấc mơ nghệ sĩ của cô thì có thật nhưng nó cũng mong manh như bong bóng. Ở một nơi đầy rẫy những con thiêu thân showbiz, cũng chẳng thiếu những người tài ẩn danh, một người sống quá khép kín và không có thân phận thì biết đến khi nào?

Nhạc sĩ Dương Thụ nhớ lại lần đầu tiên khi cô ca sĩ phòng trà không tên tuổi rụt rè tìm đến nhờ làm album đầu tay, ông đã “dọa” rằng không những ông rất khó tính mà album khi làm ra còn rất khó bán. Không ngờ, câu trả lời không rụt rè như bề ngoài của cô gái nhỏ, làm thay đổi hẳn thái độ của ông, rằng cô muốn làm album “không phải để nổi tiếng, để album bán chạy, để trở thành ngôi sao, mà chỉ để được hát những gì của mình”.

Suối cỏ (2006) có thể được xem là một “album debut” (album đầu tay) thành công nhất của một ca sĩ khi nó đưa một cái tên vô danh ra ánh sáng, thăng hạng một ca sĩ phòng trà thành một “diva tương lai”. Trên cộng đồng mạng, có những người không ngại viết một “con tính”: Thanh Lam + Mỹ Linh + Khánh Linh = Nguyên Thảo. Khởi đầu, với chùm bóng bay, như thế là thuận lợi.

Con chim bị thương đậu cành cong

Sau album, chính thức Thảo trở thành người của showbiz. Cô bắt đầu phải làm quen với báo giới, phải biết chọn sân khấu để đứng cho mình, biết trả lời phỏng vấn, biết cách sắp đặt những cuộc sống riêng. Nổi tiếng, tức là quanh cô có khối tin đồn, chuyện gia đình, chuyện đại gia... thậm chí cả chuyện lesbian... Tất nhiên, nghệ sĩ thì không cần thiết phải cải chính hay thanh minh tin đồn làm gì, thậm chí nên chấp nhận nó như một mặt trái.

Nhưng có một bài báo đã khiến Thảo đổ gục. Một bi kịch khủng khiếp về gia đình, về những người sinh ra cô được đưa ra... Thảo suy sụp. Cô nói bài báo đó không chính xác, nhà báo khẳng định chính Thảo đã nói ra... Câu chuyện này chìm đi theo thời gian, bởi xét cho cùng thời điểm đó Thảo không phải là một cái tên “hot” hợp với những scandal... Nhưng với Thảo, thay vì những chuyện kiện tụng đình đám, cô lùi hẳn vào bóng tối. Nghe đồn, xuống tóc, ăn chay sám hối... Đó có thể là một lỗi lầm lớn nhất khi cô bước vào showbiz, cô phải trả giá bằng một quãng thời gian lặng im. Im tuyệt đối cho đến khi tất cả mọi người như đã quên cô, đặc biệt là truyền thông.

Nguyên Thảo đảm nhận vai người yêu của Foebus, nàng Fleur des Lys
trong vở nhạc kịch Thằng gù nhà thờ Đức bà Paris

Thảo không còn đi hát phòng trà. Thi thoảng cô hát những show tác giả - tác phẩm được dàn dựng và nhà sản xuất chỉ định “có Nguyên Thảo”. Lặng lẽ và tiếp tục tồn tại như thế trong showbiz.

Nhiều người hỏi cô ấy sống thế nào ở Sài Gòn mà hoàn toàn không chạy show? Vài người bạn thân trong nghề như biên đạo múa Tấn Lộc, luôn giới thiệu các show event cho Thảo kiếm tiền. Cô cũng được mời thu âm nhiều... Nhưng Thảo cũng không vồ vập chuyện chạy show, kiếm tiền. Một ca sĩ trẻ vừa bước ra khỏi cuộc thi Idol chưa lâu nhận không dưới 30 show event một tháng. Thảo nhận được lời mời khoảng một nửa số đó, nhưng cô cũng từ chối hết… ba phần tư. Không chê tiền, nhưng ngại hát những nơi không tìm được chỗ cho âm nhạc của mình. Thảo sống một cuộc sống có thể nói là như nằm ngoài thế giới showbiz Việt. “Thảo vừa đi hát vừa đi học thêm. Thi thoảng có tiền để đi mua sắm, đi ăn hàng hoặc mua đĩa nhạc và phim. Cuộc sống mình thấy đủ là đủ. Có ăn, có mặc, có chỗ chui ra chui vào an toàn, có tiền để dành, có tiền đi học. Thảo thấy mình trôi trên dòng sông lơ đãng...”.

Và trên dòng sông ấy, hoàn toàn không có bóng dáng một nghệ sĩ đương thời nào, ngoài Thảo... Một cô ca sĩ không có fan club, chỉ có ánh mắt của những người yêu mến dõi theo thầm lặng, và cái tên tồn tại sự trân trọng của người làm nghề. “Đôi khi Thảo không còn là mình khi hát. Thảo không còn nghĩ đến chuyện tiền bạc trả thuê nhà, không còn bị chi phối vì đẳng cấp, không còn quan tâm đến sự giàu nghèo, không còn nghĩ đến khẩu hình hát to đến mức nào, dưới ghế khán giả có bao nhiêu Thạch Sanh hay Lý Thông, Tấm hay Cám... Thảo nhìn cả nhà hát trong suốt, đầy nước và im lặng. Đó là lúc Thảo hát hay nhất...”.

Có lẽ Nguyên Thảo đã “thiền” được với cuộc sống này, khi chính showbiz đã đánh gục cô và lại trả cho cô một cõi lặng im. Sự bình thản giờ có lẽ là thứ giá trị nhất của Nguyên Thảo, nó khiến cho bất cứ ai muốn làm nghệ thuật phải ghen tị... Cô sẽ được làm cái mình thích. Sự chờ đợi của khán giả càng làm tăng giá trị sự xuất hiện của cô.

Nơi những tham vọng được tỏa sáng

Một cuộc tuyển chọn kỹ lưỡng những giọng ca nhạc nhẹ sẽ xuất hiện trong chương trình hòa nhạc Điều còn mãi diễn ra mỗi mùng 2 tháng Chín hàng năm, nếu để ý sẽ thấy chưa khi nào vắng cái tên Nguyên Thảo. Năm 2011, trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, cô ca sĩ không có tí gốc gác Hà Nội nào đã khiến những khán giả khó tính của thế hệ Hà Nội năm xưa phải rơi nước mắt khi nghe cô hát Hướng về Hà Nội (sáng tác của Hoàng Dương) đầy xúc cảm - cái đang thiếu vắng trầm trọng trong những giọng ca trẻ hiện nay.

Tháng 5/2011, Không gian âm nhạc show thứ hai, Cỏ hồng, mời Thảo cạnh Tuấn Ngọc. Sự sắp xếp này xuất phát từ sự hút khách của divo Tuấn Ngọc. Chỉ Tuấn Ngọc thôi, vé đêm diễn đã bán hết, không cần có thêm một ngôi sao nào khác. Nguyên Thảo chỉ có một áp lực phải hát thật hay.


Năm 2011 Nguyên Thảo là ca sĩ duy nhất 2 lần được mời hát tại chương trình Không gian âm nhạc

Và điều bất ngờ không nằm trong dự tính của những người tổ chức Không gian âm nhạc: Kết thúc đêm diễn, gần như 100% ý kiến phản hồi là họ muốn nghe Nguyên Thảo hát nhiều hơn nữa thay vì chỉ có… 8 bài solo và 1 bài song ca.

Và Nguyên Thảo là cái tên đầu tiên được lựa chọn cho một sự thể nghiệm ca sĩ quay vòng ở Không gian âm nhạc số 9... Quyết định ấy bắt đầu từ một nhận định trên báo chí: “Sau đêm diễn Cỏ hồng, cả 600 người hâm mộ Tuấn Ngọc đã bị Nguyên Thảo chinh phục”. Chúng tôi thử làm một show diễn xem 600 khán giả ấy có quay lại với Nguyên Thảo hay không. Một sự liều lĩnh cho cả nhà tổ chức và ca sĩ khi trước thời điểm Không gian âm nhạc số 9, thì chương trình số 7 của Thu Minh và Phạm Anh Khoa chỉ bán hết vé 1 đêm (300 khán giả). Đẩy Thảo lên vị trí ca sĩ trụ cột, hát trên 12 bài hát và đặt cạnh cô ấy một giọng ca xa lạ - Hòa Trần (đang hành nghề bác sĩ tại Canada). Áp lực lần này cho Thảo là lớn hơn rất nhiều. Cô ấy phải tỏa sáng về nghề, phải bán được vé... (nhất là thời điểm Giáng sinh, Hà Nội có tới 4 show ca nhạc toàn sao). Và Tiếng chuông ngân đã tạo nên một kết thúc mỹ mãn cho Không gian âm nhạc trong năm 2011.

Truy cập website riêng của Giải Âm nhạc Cống hiến tại đây.

Thời điểm ấy, Nguyên Thảo kể rằng: “Thảo luôn cố gắng học hỏi, đôi khi còn ước ngày dài gấp đôi để có thể làm thêm được nhiều việc, cố gắng thêm được nhiều thứ. Thảo tin khi một cánh cửa đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra nên Thảo bắt đầu đi gõ cửa. Thảo đã gõ không biết bao nhiêu cánh cửa nhưng nó vẫn khép chặt, có khi chỉ một cánh hé ra rồi vội vàng đóng lại ngay. Nhưng Thảo vẫn sẽ không ngừng gõ cửa”. Trước đêm ở Không gian âm nhạc, Thảo từ chối nhiều lời mời các show diễn tạp kỹ hậu Cỏ hồng. Thảo muốn im tiếng hẳn màu sắc lãng mạn và hoài cổ trong lúc mọi người vẫn đánh giá cao ở nhạc Trịnh hay Phạm Duy. Thảo muốn Cỏ hồng khép lại một cánh cửa âm nhạc và mở ra một cách cửa khác cho âm nhạc của cô ấy. Hơi tiếc, lúc diễn Tiếng chuông ngân, 2 album làm với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh (một album nhạc điện tử, một album chillout) chưa hoàn thành, nên cánh cửa khác ấy vẫn còn phải chờ thêm thời gian để thật sự mở rộng.

Thảo đã từng nghĩ, nếu hai album ấy không hoàn thành được, cô sẽ bỏ nghề và chấm hết không tiếp tục gõ cửa nữa. Nhưng lại có lúc cô bình tâm và nghĩ lại: “Võ Thiện Thanh là một người tài mà Thảo rất quý trọng. Thảo muốn thể hiện sự quý trọng ấy bằng cách tôn trọng cách làm việc của anh ấy”. Dã quỳ, Sương cỏ... ra đời... Thảo hát trong trẻo về đời mình, về cuộc sống xung quanh ngọt ngào... Thế giới của Võ Thiện Thanh và Thảo hiện ra long lanh, bình thản như chẳng có sự đời nào chi phối họ.

Thảo kể cô đã từng xếp hàng dưới tuyết để được wow, waw với live show của Lady Gaga, trong một đêm mùa Đông lạnh nhất 20 năm trở lại đây ở London. “Năng lượng chứng minh cho sự hiện hữu của Lady Gaga tràn ngập và lan tỏa đến từng khán giả. Ai cũng hừng hực, cuốn hút, không ngại ngùng, không thắc mắc”. Và Thảo nghĩ đến giấc mơ “tinyshow” cho mình. “Thảo nhận ra, dù show diễn lớn hay nhỏ thì đấy cũng vẫn là kinh nghiệm, trải nghiệm cần thiết cho mình và linh hồn mình. Nó là nơi nguồn năng lượng yêu nghề được lan tỏa. Những tham vọng được tỏa sáng”

(*) Giải thưởng âm nhạc Cống hiến do báo TT&VH khởi xướng và tổ chức từ năm 2005. Lễ công bố và trao giải Cống hiến 2011 do báo TT&VH phối hợp cùng công ty Smart sẽ được tổ chức vào ngày 22/4/2012 tại TP.HCM, truyền hình trực tiếp trên VTV1 lúc 21 giờ. 5 ca sĩ có tên trong đề cử giải thưởng Ca sĩ của năm 2011 gồm (thứ tự a, b, c): Tùng Dương, Hồ Quỳnh Hương, Thu Minh, Hồng Nhung, Nguyên Thảo.

Chu Minh Vũ

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 321/GP-BTTTT ngày 15/06/2016 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến